Đảo Simeulue thuộc tỉnh Aceh ở cực tây Indonesia là đảo có người sinh sống gần với tâm chấn của trận động đất vào tháng 12/2004 nhất. Trận động đất gây ra sóng thần lớn nhất thế kỷ đã cướp đi sinh mạng của hơn 167.000 người ở Indonesia và ít nhất 60.000 người khác ở các quốc gia trên Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, theo Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), đảo Simeulue với dân số 100.000 người, chỉ ghi nhận 6 cư dân thiệt mạng. Thiệt hại về người thấp được các chuyên gia ghi nhận nhờ có sự chuẩn bị kỹ càng của người dân địa phương, trong đó có những tri thức bản địa đã được truyền qua nhiều thế hệ.
Bà Ahmadi, 66 tuổi, vẫn thường xuyên được mời tới các lớp học trên đảo Simeulue với vai trò là “người kể chuyện”. Công việc của bà là hát bằng tiếng địa phương về cách nhận biết và phòng ngừa trong trường hợp có sóng thần xảy ra. Lời bài hát về động đất, cách nhận biết khi nào có sóng lớn, nước dâng nhanh và cần di chuyển đến vùng đất cao hơn. “Khi có động đất và sóng thần, mọi người thường hoảng loạn, không thể nghĩ được gì. Đây là lý do tại sao những đứa trẻ cần được thấm nhuần và nhận biết thiên tai như bản năng thứ hai. Điều này phải bắt đầu từ khi còn nhỏ”, Ahmadi phân tích.
Lý giải cho tỷ lệ tử vong thấp hơn những địa phương khác bị ảnh hưởng trong trận động đất gây sóng thần tháng 12/2004, ông Teuku Reza Fahlevi, một quan chức địa phương cho biết đó là nhờ những kỹ năng, kiến thức bản địa liên quan sóng thần: “Điều này là do kinh nghiệm được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, thông qua những bài hát bằng tiếng địa phương được gọi là smong”. Kinh nghiệm truyền miệng này đã giúp cư dân của đảo thích nghi linh hoạt hơn với thiên tai. Vào năm 2004, họ đã nhanh chóng sơ tán đến vùng đất cao hơn khi nước biển dâng, nhờ vậy cứu được nhiều sinh mạng.
“Ở nhiều vùng ven biển khác của đất nước, người dân đổ xô xuống biển vớt cá và bị nước biển tràn vào nhấn chìm. Khi đó những con sóng cao tới 30 m đã gây ra hậu quả nặng nề”, ông cho biết. Khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường, ông Fahlevi lập tức sơ tán gia đình đến vùng đất cao hơn. Ông đã cố gắng thuyết phục hàng xóm cũng sơ tán người và đồ đạc thiết yếu.
Hiện nay, công tác phòng ngừa rủi ro thiên tai đã được cải thiện tốt hơn nhiều. Kể chuyện và hát smong hiện là một phần trong chương trình giảng dạy của mọi trường tiểu học và trung học cơ sở ở Simeulue cũng như ở một số huyện khác. Trận sóng thần đã mở ra một giai đoạn mới đòi hỏi quản lý thảm họa có hệ thống và có cấu trúc hơn trên khắp “xứ vạn đảo”. Ngoài việc nâng cao hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe và dự trữ thực phẩm trong trường hợp thiên tai, cũng như chuẩn bị kỹ công tác cứu trợ nhân đạo trên thực địa, các trường học ở Indonesia đã tổ chức những buổi thực hành diễn tập phòng ngừa thiên tai cho mọi học sinh.
Cơ quan Quản lý thảm họa quốc gia (BNBP) đã mời những người cao tuổi như bà Ahmadi đóng vai trò như những “cố vấn” địa phương, qua đó thu hút sự chú ý và tăng cường sự tham gia của các bên liên quan trong ứng phó khẩn cấp. Bà Raditya Jayi, chuyên gia của BNBP cho biết: “Giáo dục và các cuộc diễn tập phòng ngừa sóng thần thường xuyên đã trở thành bắt buộc tại tất cả các trường học trong tỉnh Aceh kể từ năm 2010. Chúng tôi đã triển khai chương trình Trường học an toàn trước thảm họa, được thực hiện trên toàn quốc từ năm 2012”.
Ở một số tỉnh, nhà chức trách lắp đặt hệ thống còi báo động và tích cực phổ biến những việc cần làm trong trường hợp báo động cho người dân. Cho đến nay, nhờ nâng cao hành động phòng ngừa, cũng như chia sẻ kinh nghiệm ứng phó thông qua hình thức gần gũi, dễ hiểu như bài hát smong, những tiến bộ đã được ghi nhận trong công tác quản lý thiên tai ở Indonesia.