Tô bún riêu của mẹ

“Bà Sáu bún riêu”. Là mẹ chồng tôi đấy. Nồi bún riêu của mẹ đã nuôi những ba đứa con ăn học nên người. Ngày Tết, người người sắm sửa đi chơi, mẹ vẫn ngồi bên bếp lửa nêm nếm cho nồi nước bún ngon ngọt, thơm lừng.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa NGUYỄN MINH
Minh họa NGUYỄN MINH

Con kênh Năm Xã chảy miệt mài trước ngôi nhà sàn của mẹ.

Hễ gần Tết, mẹ canh xem hôm nào nước lớn, đem tất cả mùng mền, chiếu gối ra kênh giặt giũ. Mẹ chuẩn bị nhà cửa tinh tươm để đón con cháu về chơi dăm ba ngày Tết. Và mẹ không quên ra tận chợ Vĩnh Hòa (An Giang) mua cua về xay nhuyễn, gói ghém cất ngăn đá tủ lạnh. Cận Tết quá, người ta không đi mò cua nữa, ai cũng háo hức lo ăn Tết cả rồi. Món bún cua ngày Tết không phải dễ kiếm. Tụi con cháu ghiền món ruột này của mẹ. Bởi, mẹ đã gửi tất cả tình yêu thương, sự mong nhớ vào từng sợi bún làm từ hạt gạo quê nhà, từng cọng ghém rau muống sau hè và cả nồi thịt cua béo ngậy dậy mùi.

Nồi nước bún trên bếp sôi đều, nghi ngút khói. Mấy cô bác hàng xóm qua lại con đường nhỏ cặp con kênh, ai cũng niềm nở chào mẹ. Bà Sáu hôm nay có bán bún không, bán một tô ăn cho đỡ thèm coi. Tết nhất mà bán buôn gì, Sáu mời cô Ba, chị Bảy, anh Năm… cứ tự nhiên. Ai ăn nhiều thì còn được thưởng tô bún mang về đó nghen! Ngày Tết mà cứ thịt kho, dưa cải hoài thì ngán quá. May gặp được bún cua bà Sáu, thiệt mừng như mở cờ trong bụng hà. Chú Năm tấm tắc khen lấy khen để… Mẹ chồng tôi cười tươi, ôm chặt đứa cháu nhỏ vào lòng. Chiếc võng khẽ nhịp đung đưa. Niềm vui của mẹ chắc chỉ có bấy nhiêu. Là được nhìn người khác ăn ngon. Được nghe những lời khen chân tình, mộc mạc mà mát bụng mát dạ.

…Không lẽ Tết có ba ngày mà ngày nào cũng ăn bún cua sao con? Dạ, con ăn bù những ngày đi làm xa, nhớ bún của mẹ. Con chỉ ước ngày nào cũng được ăn bún mẹ nấu. Không hiểu sao ở thành phố, tô bún cua thiếu hương vị, ít đậm đà, thịt cua thì dường như pha bột, pha trứng nhiều quá. Nước bún thì nhạt nhẽo, không thanh thanh, thơm thơm như bún bà Sáu. Mẹ cười hiền. Ánh mắt rạng rỡ. Thằng út thiệt biết lấy lòng bà già. Tụi bây giỏi nói thôi, chứ có đứa nào chịu ở lại cái đồng quê hẻo lánh này. Đứa nào đứa nấy đều bay đi lập nghiệp. Chỉ có mấy ngày Tết là sum vầy đông đủ thế. Chỉ có mấy ngày Tết thì nồi bún của mẹ mới không sợ ế thôi. Ánh mắt mẹ rưng rưng như nói lên tất cả nỗi lòng của những bà mẹ già bám đất, bám quê.

Thương mẹ bao năm tần tảo. Mẹ không nỡ rời ngôi nhà sàn bên bờ kênh Năm Xã. Mẹ theo tụi bây rồi tụi nhỏ ở quê biết kiếm bà Sáu bún riêu ở đâu? Sáng nào tụi nó cũng vây lấy bà Sáu, tíu tít. Nhờ bà Sáu mà tụi học trò được no lòng để tìm con chữ. Xứ quê tuy nghèo mà đong đầy tình cảm. Từng gốc cây, từng cây cầu nhỏ đều chan chứa yêu thương. Thành phố xa hoa mà chật chội. Nhà ai nấy ở. Cửa nhà kín bưng. Quẩn quanh, quanh quẩn. Con à!

Thôi mẹ ở lại quê, Tết về mẹ nấu bún cua cho các con ăn, nghen! Mẹ thủ thỉ.

Tết này tụi con sẽ về. Nhưng, mẹ cứ nghỉ ngơi chơi với các cháu nhỏ đi. Tụi con sẽ nấu bún riêu và làm nhiều món ngon cho mẹ thưởng thức. Cả đời mẹ vất vả rồi. Bún riêu tụi con nấu chắc không ngon bằng mẹ, nhưng trong nồi bún ấy là tất cả mong ước bình an cho mẹ mà tụi con nêm vào đấy.