Đưa văn hóa đọc đến gần học sinh

Bổ sung tiết đọc sách vào chương trình chính khóa, sáng tạo nhiều phương thức tiếp cận và thiết kế đa dạng mô hình thư viện mở là cách mà nhiều cơ sở giáo dục tại Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai để hình thành, phát triển văn hóa đọc trong học sinh.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh Trường tiểu học Đặng Trần Côn khám phá không gian đọc sách mở ngay tại sân trường.
Học sinh Trường tiểu học Đặng Trần Côn khám phá không gian đọc sách mở ngay tại sân trường.

Đa dạng mô hình

Đầu năm học này, Trường tiểu học Đặng Trần Côn (Quận 4) chính thức đưa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh vào hoạt động, phục vụ nhu cầu tìm hiểu thông tin về Bác của toàn thể giáo viên, học sinh. Thay vì đặt mô hình vào thư viện hay không gian khép kín, ban giám hiệu nhà trường quyết định thiết kế theo hướng mở với điểm nhấn bức tranh kể về các cột mốc đặc biệt trong cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bao quanh bức tường chạy dọc sân trường là hình ảnh vẽ tay tái hiện lại những địa danh gắn liền với Bác như Làng Sen, Bến Nhà Rồng, hang Pác Bó, Quảng trường Ba Đình, Lăng Bác. Tại không gian này, nhà trường bày nhiều bộ sách giới thiệu về quá trình hoạt động cách mạng cùng những đóng góp, hy sinh của Bác cho đất nước, nhân dân. Điểm đặc biệt là trường có riêng một tủ sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho bạn đọc nhỏ tuổi với kiến thức mềm mại, dễ tiếp thu và nhiều hình ảnh minh họa sống động.

Phía dưới bức tranh lớn là bãi cỏ nhân tạo, vào giờ ra chơi tập trung rất đông học sinh đến đọc sách. Cạnh đó là những bàn đọc sách tự do, bố trí riêng cho các tủ sách di động rải rác quanh sân. Thế nhưng, không gian hấp dẫn hơn cả là những ống sách treo. Bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, cả sân trường có 36 ống sách được treo với đa dạng chủ đề, thể loại nhằm tạo sự hứng thú, tò mò cho học sinh. Vào mỗi tuần, sách trong ống sẽ được thay để tránh nhàm chán, lặp lại. Sách giấy, tranh ảnh minh họa thôi chưa đủ, nhà trường còn gắn nhiều mã QR trên cây giúp giáo viên thuận tiện hơn trong việc tìm hiểu và giới thiệu cho học sinh về những tác phẩm nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh như “Đường Kách mệnh”, “Nhật ký trong tù”, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, “Tuyên ngôn Độc lập”…

Thư viện thông minh theo hướng mở tại Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh) đã giúp cho việc tự học, chủ động đọc sách của học sinh trở nên dễ dàng, thú vị hơn. Thư viện này được trang bị 50 máy tính bảng phục vụ các hoạt động đổi mới học tập, tiếp cận nguồn tài nguyên trên không gian mạng. Nhà trường giới thiệu, chia sẻ danh sách đường dẫn theo nhiều chủ đề để học sinh tìm đến kho kiến thức mở, trang bị thêm nhiều thông tin bổ ích. Bên cạnh việc thiết kế lại không gian đọc sách tại thư viện theo hướng gần gũi nhất, nhà trường còn xây dựng thư viện xanh ngoài trời để đứng ở đâu, học sinh cũng có thể thấy sách, đọc sách.

Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ trang bị 5 triệu quyển sách đến tay người dân thông qua mô hình thư viện tại các trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên cùng thư viện 21 quận, huyện trên địa bàn và Thành phố Thủ Đức. Sở Thông tin và Truyền thông cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố dự kiến còn triển khai chương trình “50 thư viện thông minh tặng học sinh thành phố” nhằm đa dạng hóa không gian đọc sách cho độc giả nhỏ tuổi.

Nhiều cách làm hay

Thư viện thân thiện tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1) cũng tạo nên nhiều chuyển biến tích cực trong việc phát triển văn hóa đọc của học sinh. Không gian hiện đại, chia theo khu vực đọc sách, mượn sách và tự học với máy lạnh cùng rất nhiều cây xanh. Thư viện có hơn 14 nghìn đầu sách, phục vụ tốt nhu cầu học tập, rèn kỹ năng, mở rộng kiến thức, giải trí… Nhà trường còn xây dựng đội ngũ “Đại sứ tri thức”, hoạt động cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến. Một nhóm tình nguyện viên sẽ chia nhau xuống thư viện hỗ trợ các bạn tìm và mượn sách, nhóm còn lại sẽ xây dựng các nội dung liên quan đến khuyến đọc rồi lan tỏa trên các kênh tương tác của trường. Đều đặn mỗi tháng, nhóm đại sứ tri thức sẽ tổ chức một chương trình trải nghiệm nhằm thu hút bạn bè đến thư viện nhiều hơn.

Từ năm học 2023-2024, trường này đã đưa hẳn tiết đọc sách vào chương trình chính khóa. Theo đó, quyền sáng tạo hoạt động được giao hẳn cho giáo viên và học sinh chứ không áp khuôn, yêu cầu thành tích. Mỗi lớp được thiết kế giờ đọc theo mong muốn, nhu cầu của học sinh, nhà trường sẽ hỗ trợ nguồn sách cùng không gian trải nghiệm. “Nhờ tiết đọc sách này, giáo viên và học sinh nghĩ ra rất nhiều mô hình hiệu quả. Chúng tôi còn khuyến khích giáo viên tổ Văn giới thiệu những đầu sách đang được yêu thích trên thị trường nhằm phục vụ tốt hơn thị hiếu đọc của các bạn trẻ. Chúng tôi tìm đủ cách để học sinh chịu gõ cửa thư viện. Khi biết rõ không gian bên trong thân thiện, nhiều hoạt động bổ ích, các em sẽ chủ động ghé thăm, dần hình thành thói quen đọc sách và chia sẻ kiến thức cùng nhau”, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường cho hay.

Tiết đọc sách cho học sinh cũng được Trường tiểu học Đặng Trần Côn chăm chút tỉ mỉ từ nội dung đến hình thức. Giáo viên chủ nhiệm mỗi lớp được giao thiết kế chủ đề trọng tâm và hướng dẫn học sinh cách tiếp cận trước khi tham gia giờ đọc tại thư viện. Sau mỗi giờ đọc, học sinh được khuyến khích chia sẻ cảm nhận về cuốn sách thông qua nhiều hình thức khác nhau như vẽ tranh, viết văn, kể chuyện, diễn tiểu phẩm... Hiệu trưởng Thúy Hà cho biết, từ sự định hướng ban đầu của giáo viên, học sinh trở nên hứng thú hơn với việc đọc sách và chia sẻ về kiến thức mình có được đến bạn bè trong lớp: “Mỗi tuần, vào giờ chào cờ, nhà trường còn khuyến khích các lớp diễn tiểu phẩm với nội dung chọn lọc từ sách để học sinh nhận ra lợi ích của văn hóa đọc. Thư viện có rất nhiều sách nhưng vào đầu năm học, tôi vẫn vận động học sinh tặng, trao đổi sách như một cách nhắc nhở, khuyến khích các em”.