Tìm lời giải để tăng tốc chuyển đổi số

Thống kê mới nhất của Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông - TT&TT) cho thấy, tính đến tháng 6/2022, tỷ trọng kinh tế số trong GDP đã đạt 10,41%, tăng mạnh so với mức 9,6% tại cuối năm 2021. Tuy nhiên, kết quả trên vẫn còn cách khá xa mục tiêu đề ra cho năm 2025 là 20% GDP.
0:00 / 0:00
0:00
Khách hàng rút tiền mặt bằng căn cước công dân tại hệ thống ngân hàng tự động Digimi+ ngân hàng. Ảnh: NGÂN HÀNG BẢN VIỆT
Khách hàng rút tiền mặt bằng căn cước công dân tại hệ thống ngân hàng tự động Digimi+ ngân hàng. Ảnh: NGÂN HÀNG BẢN VIỆT

Một trong những trở ngại lớn nhất để thực hiện chuyển đổi số (CĐS) là thiếu kỹ năng số, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng bày tỏ. Vậy, làm cách nào để tăng tốc chuyển đổi số, là mấu chốt cần phải tìm lời giải bắt đầu từ thời điểm này.

Đã hình thành chính phủ số, kinh tế số, xã hội số

Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Chuyển đổi số quốc gia cho biết, năm 2020 là năm khởi động nhận thức về CĐS, năm 2021 là năm bắt đầu triển khai, trải nghiệm về CĐS trong bối cảnh đại dịch, còn năm 2022 là năm đẩy mạnh CĐS theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện.

Vị này nhận định, đến nay, chương trình CĐS quốc gia đã đạt được các kết quả quan trọng trên cả ba trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Năm 2022, Bộ TT&TT đã định hướng trọng tâm của việc CĐS quốc gia là đưa người dân, doanh nghiệp lên môi trường số, thông qua: Phổ cập dịch vụ trực tuyến, phổ biến nền tảng số phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh; phổ cập nền tảng số khác phục vụ nhu cầu thiết yếu; phổ cập sử dụng sàn thương mại điện tử; phổ cập nền tảng dạy học trực tuyến; phổ cập nền tảng hỗ trợ tư vấn sức khỏe.

Thực tế, để có cơ sở dữ liệu dân cư, nhằm giúp các dịch vụ số đơn giản, người dân không phải nhập nhiều thông tin, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết, Bộ Công an đã xây dựng và triển khai thành công Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và chính thức đưa vào vận hành từ ngày 1/7/2021 với mục tiêu là một hệ thống thông tin lõi, cơ sở dữ liệu “gốc” của toàn bộ công dân Việt Nam. “Việc cấp thẻ CCCD gắn chíp (hiện đạt 71,8 triệu thẻ) đã mở ra cơ hội mới trong việc ứng dụng phát triển các dịch vụ bảo đảm an ninh, an toàn, cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp. Và hệ thống định danh, xác thực điện tử cũng đã được đưa vào vận hành kể từ ngày 18/7/2022”, ông Tấn nói.

Với lĩnh vực giao thông vận tải, ông Phùng Trọng Văn, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ Giao thông vận tải) khẳng định, chuyển đổi số đã mang lại hàng loạt lợi ích. Đó là, bên cạnh việc hình thành được dữ liệu tập trung để phục vụ việc quản lý, điều hành, thì CĐS trong lĩnh vực vận tải cũng đem đến hàng loạt lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, như: Có thể thực hiện dịch vụ tại bất cứ đâu; tiết kiệm thời gian và chi phí; tra cứu trạng thái giải quyết hồ sơ; hỗ trợ số hóa, lưu trữ hồ sơ để tái sử dụng lần sau; hình thành dữ liệu đơn vị (dữ liệu xe, tuyến khai thác, xử phạt hành chính,…) giúp quản lý thuận tiện hơn.

Tìm lời giải để tăng tốc chuyển đổi số ảnh 1

Cửa soát vé tự động của tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: NGUYỆT ANH

Cần nâng vai trò “công dân số”

Dữ liệu dân cư đã có, tuy nhiên, để liên kết nguồn dữ liệu nhằm tạo hiệu quả trong CĐS cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân. Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, các vấn đề mà các đơn vị cần giải quyết là: “Làm thế nào để bồi dưỡng kỹ năng hiệu quả cho hơn hai triệu công chức, viên chức? Làm thế nào để bồi dưỡng kỹ năng hiệu quả cho 100 triệu người dân Việt Nam?”.

Dưới góc độ là doanh nghiệp từng được vinh danh tại Giải thưởng Ứng dụng số hóa năm 2021, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Giám đốc tăng trưởng GapoWork nhấn mạnh, không gian làm việc số sẽ cung cấp cho nhân viên các công cụ, nền tảng và dịch vụ công nghệ thông tin để làm việc và công tác mọi lúc, mọi nơi với chế độ bảo mật phù hợp; giúp tối ưu trải nghiệm làm việc của nhân sự, từ đó thúc đẩy năng suất; đồng thời đáp ứng được nhiều cấp bậc nhân sự trong tổ chức với nhu cầu và khả năng công nghệ khác nhau.

Nếu không có không gian làm việc số, công cuộc CĐS của doanh nghiệp sẽ gặp hàng loạt trở ngại, như: độ trễ và sự minh bạch trong trao đổi công việc giữa các cấp; chất lượng về tốc độ phối hợp công việc bị hạn chế; tính liên thông dữ liệu giữa các ứng dụng sẽ kém hơn, phát sinh nhiều tác vụ thủ công, tốn nguồn lực và tạo nhiều lỗ hổng trong đồng bộ thông tin; lãnh đạo khó kiểm soát thông tin hơn, có thể gặp rủi ro thất thoát thông tin; thiếu sự đồng bộ, kịp thời và đa chiều trong truyền đạt thông tin trong đơn vị;…

Còn ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc khối Nghiệp vụ doanh nghiệp và Tư vấn giải pháp tại FPT Digital chia sẻ, CĐS là thời kỳ “cá nhanh thắng cá chậm”, doanh nghiệp nào có chiến lược CĐS bài bản, nhanh chóng, phù hợp sẽ giành ưu thế trên đường đua. Ông Minh cho rằng, các doanh nghiệp khi thực hiện CĐS nhất định phải bắt đầu bằng cách làm đúng và có một lộ trình phù hợp. Và để làm CĐS tốt, cần thiết lập cơ cấu tổ chức “chuyên trách” điều hành giúp tăng tốc quá trình CĐS; phối hợp với các đơn vị độc lập nhằm tháo gỡ những vướng mắc; tận dụng xu hướng công nghệ điện toán đám mây để tối ưu chi phí CĐS; nghiên cứu, phát triển các ứng dụng và nền tảng số có khả năng dẫn dắt hệ sinh thái tăng trưởng.

Tuy nhiên, chung quy lại, những dịch vụ, sản phẩm CĐS muốn phát triển được cần thúc đẩy cả từ phía người tiêu dùng số. Do đó, ông Nguyễn Phú Tiến đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ của giai đoạn đến năm 2025 là nâng cao vai trò “công dân số”. Ông Tiến phân tích, những doanh nghiệp CĐS lớn phải là đơn vị tạo ra nền tảng, tạo ra hệ sinh thái và dựa trên đó, các doanh nghiệp nhỏ sẽ tạo ra sản phẩm dịch vụ cho CĐS. Mọi sản phẩm, dịch vụ CĐS đều thông qua công dân mới có thể đo kết quả. Do đó, công dân số là một mắt xích đặc biệt quan trọng trong quá trình tăng tốc CĐS.

Nguyên Bộ trưởng TT&TT Lê Doãn Hợp cũng nhấn mạnh đến vai trò của công dân số. Theo ông Lê Doãn Hợp, mọi thứ đều phải đơn giản hóa, tiện nghi cho người dân. Ông Hợp nhìn nhận: “Không cần nói nhiều, chỉ cần mỗi người dân có một chiếc điện thoại thông minh kết nối là CĐS thành công rồi, tất cả mọi thứ ở trong đó hết.

Ông cũng thẳng thắn phê bình, chúng ta đang nói nhiều quá, hô hào nhiều quá nhưng làm chưa được bao nhiêu. Cách đi tắt và hiệu quả nhất mà ông Hợp chỉ ra là sang học tập những nước đi trước. “Israel là nước thành công trong CSĐ cách đây hàng chục năm, mỗi bộ, ngành, địa phương chỉ cần chọn ra một người giỏi nhất sang Israel học hỏi để áp dụng với Việt Nam”, ông Hợp góp ý.

Đồng tình quan điểm này, nhưng ông Tiến cũng muốn nhấn mạnh, CĐS là một hành trình, chúng ta cũng đang xây dựng kế hoạch cho từng giai đoạn, như là đến năm 2025, 2030 phải đạt được những gì. Mỗi năm sẽ có những kế hoạch cụ thể cho nhiệm vụ từng năm.