Nỗ lực xử lý các ngân hàng yếu kém

Mặc dù có nhiều kỳ vọng vào hoạt động chuyển giao các ngân hàng yếu kém nhưng kết quả thực tế và lợi ích mà các bên đạt được vẫn cần thêm thời gian để kiểm chứng.
0:00 / 0:00
0:00
Vietcombank sở hữu 100% vốn điều lệ CBBank. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Vietcombank sở hữu 100% vốn điều lệ CBBank. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Trong hệ thống ngân hàng, đã có ba ngân hàng bị mua lại 0 đồng gồm Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank), cùng với Ngân hàng Đông Á (DongABank) được đặt vào diện kiểm soát đặc biệt.

“Áo mới” của các ngân hàng "0 đồng"

Giữa tháng 10, CBBank và OceanBank đã được chuyển giao bắt buộc về Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Quân đội (MB). GPBank và DongABank dự kiến sẽ tiếp tục hoàn thiện phương án và chuyển giao trong tương lai. Ngoài ra, cuối tháng 10/2022, Ngân hàng Sài Gòn (SCB) cũng bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.

Ngay sau khi nhận chuyển nhượng, MB đã bổ nhiệm loạt nhân sự chủ chốt trong Ban điều hành cho Oceanbank nhằm thể hiện rõ mục tiêu của ngân hàng trong việc tăng cường đội ngũ lãnh đạo, bảo đảm sự ổn định, khả năng thích ứng nhanh chóng với những thách thức và yêu cầu trong giai đoạn chuyển đổi.

Ngoài ra, quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền và khách hàng tại OceanBank được bảo đảm theo đúng thỏa thuận và quy định của pháp luật. MB cam kết ưu tiên nguồn lực về phát triển kinh doanh, vốn, công nghệ và nhân sự để hỗ trợ OceanBank.

Trong khi đó, Vietcombank cho biết, việc chuyển giao bắt buộc nhằm mục tiêu từng bước khôi phục hoạt động bình thường, khắc phục các yếu kém và đưa CBBank trở thành ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh, bảo đảm khả năng hoạt động liên tục. CBBank sẽ tiếp tục hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Vietcombank sở hữu 100% vốn điều lệ.

CBBank vẫn là pháp nhân độc lập và không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính với ngân hàng mẹ. Vietcombank cũng để ngỏ khả năng sẽ bán hoặc chuyển nhượng CBBank cho nhà đầu tư mới trong tương lai, đồng thời khẳng định sẽ không góp vốn vào ngân hàng này trong thời gian còn lỗ lũy kế.

Mới đây, phát biểu ý kiến tại phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đánh giá chính sách tiền tệ và tài khóa thời gian qua đã được điều hành hiệu quả, hợp lý. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chính sách tiền tệ đã giữ ổn định tỷ giá ngoại tệ và xử lý thành công hai ngân hàng 0 đồng, đồng thời cho biết thêm chuẩn bị xử lý tiếp các ngân hàng 0 đồng còn lại, ổn định hệ thống.

Dù chưa tiết lộ ngân hàng nào sẽ nhận chuyển nhượng những cái tên còn lại, nhưng ngoài Vietcombank và MB, có 2 ngân hàng khác đã xin ý kiến cổ đông và được thông qua chủ trương nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém là VPBank và HDBank.

Trong đó, nhiều đồn đoán trên thị trường VPBank sẽ nhận chuyển giao bắt buộc GPBank. Trước đó, tại lễ công bố các quyết định bổ nhiệm tân Chủ tịch và Tổng Giám đốc GPBank vào tháng 9/2022, cũng có sự tham gia của đại diện lãnh đạo VPBank.

Về phía HDBank, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, cổ đông đã thông qua chủ trương góp vốn điều lệ không quá 9.000 tỷ đồng vào một ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc để thực hiện tái cơ cấu. Đến năm 2023, vấn đề này tiếp tục được đưa ra thảo luận, và cổ đông đã ủy quyền cho HĐQT thực hiện và hoàn tất các công việc liên quan, nhằm thực hiện việc HDBank nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại cổ phần.

Vẫn còn nhiều băn khoăn

Nhìn chung, “gái có công thì chồng không phụ”, NHNN cho biết, các ngân hàng tham gia tái cơ cấu có thể được hưởng nhiều ưu đãi bao gồm vay với lãi suất ưu đãi, không bị giới hạn tăng trưởng tín dụng và nới lỏng các yêu cầu về an toàn hoạt động. Những lợi ích này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quá trình chuyển giao và hỗ trợ các ngân hàng lớn mở rộng quy mô nhanh chóng.

Nói về tâm thế khi nhận chuyển nhượng các ngân hàng yếu kém, lãnh đạo Vietcombank và MB đều khẳng định dù việc tái cơ cấu được xem là một thách thức, họ tin tưởng rằng đây sẽ là cơ hội để tăng trưởng và mở rộng quy mô.

Thực tế, ngay từ năm 2015, Vietcombank đã hỗ trợ kỹ thuật cho CBBank và đã triển khai phương án hỗ trợ kỹ thuật cho ngân hàng này. Năm 2022, Vietcombank cho CBBank vay 10.000 tỷ đồng và tiếp tục cho vay 6.700 tỷ đồng vào năm 2023.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, hiện nay các ngân hàng trong diện chuyển giao này đang gặp nhiều khó khăn tài chính nghiêm trọng, như nợ xấu cao, tài sản tồn đọng lớn, âm vốn chủ sở hữu và lỗ lũy kế có xu hướng tăng. Họ không đáp ứng được các quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng, và một số ngân hàng thương mại tiềm ẩn rủi ro cao, gây mất an toàn cho hệ thống. Nếu việc xử lý kéo dài nhiều năm, rủi ro có thể ngốn nhiều nguồn lực, đặc biệt khi phải cung cấp vốn vay để hỗ trợ các ngân hàng yếu kém.

Do đó, dù có nhiều cơ hội nhưng Vietcombank và MB cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Việc cải thiện tình hình tài chính của CB và OceanBank là một nhiệm vụ không hề đơn giản. Cả hai ngân hàng mới nhận chuyển giao cần xây dựng những chiến lược tái cấu trúc hiệu quả để khắc phục tình trạng lỗ lũy kế và nâng cao khả năng hoạt động.

Cũng theo ông Hiếu, nợ xấu hiện đang tập trung chủ yếu ở các tổ chức tín dụng yếu kém, nhưng việc xử lý nhanh chóng gặp khó khăn do nhiều khoản nợ liên quan đến các vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh và khả năng trích lập dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng còn hạn chế. Tình trạng "sở hữu chéo", định giá tài sản bảo đảm không đúng giá trị và cho vay các doanh nghiệp "nội bộ", "sân sau" vẫn còn phức tạp.

Đồng quan điểm, một chuyên gia tài chính khác nhìn nhận, Vietcombank để ngỏ khả năng bán hoặc chuyển nhượng CBBank cho nhà đầu tư tương lai đang dấy lên lo ngại về cam kết dài hạn trong việc tái cơ cấu. Nếu việc chuyển giao không mang lại kết quả như mong đợi, liệu có khả năng các ngân hàng lớn sẽ tìm cách thoái lui, để lại những vấn đề chưa được giải quyết?

Hay như khoản lỗ lũy kế 20.000 tỷ đồng cùng tỷ lệ nợ xấu lên tới 47% của OceanBank cũng là một thách thức với MB, đòi hỏi nguồn lực lớn và có thể ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của MB trong ngắn hạn và dài hạn.

Bởi thực tế, các ngân hàng bị mua lại với giá 0 đồng hoặc đặt vào diện kiểm soát đặc biệt thường liên quan đến những vụ án lớn, ảnh hưởng đến nhiều lãnh đạo và doanh nhân nổi tiếng. Trong khi tình hình sở hữu chéo trong ngành ngân hàng vẫn là vấn đề cần được giám sát chặt chẽ để bảo đảm an toàn và minh bạch cho hệ thống tài chính.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, nỗ lực xử lý các ngân hàng yếu kém hiện nay không phải là những giao dịch tài chính đơn thuần mà là một phần của chiến lược dài hạn của Chính phủ và NHNN nhằm nâng cao sức khỏe tài chính của hệ thống ngân hàng, tạo ra một môi trường tài chính vững mạnh và bền vững hơn.