Tín hiệu vui của xuất khẩu rau quả

Theo các chuyên gia, xuất khẩu rau quả năm nay có thể vượt mọi dự báo và có thể đạt 7,5 tỷ USD - một kỷ lục mới, tăng 1,8 tỷ USD so với mức thực hiện năm 2023. Riêng với thị trường Trung Quốc, xuất khẩu rau quả sẽ đạt hơn 5 tỷ USD, chiếm khoảng 70% khối lượng xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Chế biến dứa xuất khẩu.
Chế biến dứa xuất khẩu.

Nhiều dư địa phát triển

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, Trung Quốc có dân số 1,4 tỷ người, là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, do đó nhu cầu tiêu thụ rau quả ngày càng lớn với tăng trưởng trung bình hơn 10%/năm. Người tiêu dùng Trung Quốc hiện nay ngày càng quan tâm đến các sản phẩm nông sản rau quả sạch, an toàn, có nguồn gốc tự nhiên, giá thành hợp lý, đây là điểm mạnh của rau quả Việt Nam. Ngoài ra, các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc giúp giảm thuế và tạo điều kiện thuận lợi cho rau quả Việt xuất khẩu.

Nhiều loại trái cây Việt Nam như sầu riêng, thanh long, chuối, mít, xoài, chanh dây, vải… được người tiêu dùng Trung Quốc biết đến và ưa chuộng nhờ hương vị thơm ngon và chất lượng không thua kém các nước chung quanh. Đáng lưu ý, các cửa khẩu ở biên giới Việt Nam nằm rất gần các chợ đầu mối bên Trung Quốc (yếu tố không nước nào có được) đã rút ngắn rất nhiều thời gian vận chuyển hàng rau quả từ nơi sản xuất đến chợ tiêu thụ phía Trung Quốc, giảm đáng kể chi phí logistics so các nước khác.

Trong chuyến xúc tiến thương mại tại Quảng Tây (Trung Quốc) mới đây, ông Cao Bá Đăng Khoa, Tổng Thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam chia sẻ, từ khi có Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với xuất khẩu dừa tươi từ Việt Nam sang Trung Quốc đã mở ra tín hiệu tích cực cho tương lai ngành dừa Việt tại thị trường đông dân này. Theo đó, việc liên tục mở rộng hợp tác, ký kết các đơn hàng lớn khiến nhiều doanh nghiệp không có đủ hàng để xuất khẩu.

Về phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ phần mềm AutoAgri chia sẻ, nhiều tập đoàn giống rau củ của Trung Quốc muốn sang đầu tư và phát triển tại Việt Nam - đây là một cơ hội tốt để các doanh nghiệp trong nước học hỏi kinh nghiệm về truy xuất nguồn gốc rõ ràng từ giống và quy trình, năng suất cao, giá thành thấp... Điều đó cũng tạo thuận lợi hơn cho quá trình đàm phán xuất khẩu chính ngạch.

Bên cạnh việc tiêu thụ rau củ quả tươi, Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ lớn các mặt hàng thực phẩm chế biến. Thương nhân Trung Quốc cũng nắm giữ nhiều hệ thống phân phối thực phẩm lớn trên thế giới. Vì vậy, nếu có cơ chế hợp tác, có những chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào liên kết sản xuất, thu mua và chế biến rau củ quả tại Việt Nam, giảm chi phí bảo quản, giảm thất thoát hư hao và chống lãng phí thực phẩm thì Việt Nam còn nhiều tiềm năng cho ngành rau củ quả xuất chính ngạch sang Trung Quốc.

Phải cạnh tranh với các đối thủ

Mặc dù cơ hội xuất khẩu chính ngạch đang mở cho các doanh nghiệp trong nước, nhưng hàng Việt Nam khi sang Trung Quốc phải cạnh tranh với các đối thủ từ Thailand, Malaysia, Philippines, Campuchia, Australia và một số nước ở Nam Mỹ như Chile, Peru, Ecuador. Đặc biệt, một số loại như chuối, thanh long, vải, nhãn, bưởi, gừng, tỏi…, xuất khẩu còn phải cạnh tranh với hàng nội địa Trung Quốc. Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của nước này ngày càng nghiêm ngặt, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải cập nhật và đáp ứng được các yêu cầu.

Quy định về vệ sinh thực vật và kiểm dịch động, thực vật của Trung Quốc khá phức tạp mất thời gian. Hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam phải có mã số vùng trồng do hải quan Trung Quốc kiểm tra cấp. Các cơ sở chế biến, đóng gói cũng phải đăng ký xin mã số của hải quan Trung Quốc cấp sau khi kiểm tra nghiêm ngặt. Hơn nữa, việc tìm kiếm khách hàng và xây dựng kênh phân phối tại Trung Quốc cũng là một thách thức không nhỏ bởi phần lớn hàng rau quả Việt Nam được bán cho thương lái nhỏ lẻ của Trung Quốc tập trung nhiều ở biên giới phía bắc Việt Nam. Đặc biệt, doanh nghiệp Việt chưa thâm nhập sâu được vào thị trường nội địa và các tỉnh, khu vực phía bắc Trung Quốc.

Vì vậy, bà Nguyễn Thị Thành Thực cho biết, đơn vị đang xây dựng sàn giao dịch nông sản tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến, trí tuệ nhân tạo, các tính năng định vị xác thực, thời gian thực trên nhật ký điện tử,… hỗ trợ hàng chục nghìn nông hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu, từ đó thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch rau củ quả Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, khai thác tiềm năng, lợi thế của Việt Nam.

Lưu ý doanh nghiệp khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Trung Kiên, chuyên viên Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công thương cho rằng, ngoài xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu, các doanh nghiệp phải tuân thủ quy định của Trung Quốc về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm - kiểm dịch, bao bì truy xuất nguồn gốc và tiếp tục đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm.

Đặc biệt, chú trọng khai thác thị trường doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C) Trung Quốc thông qua các nền tảng thương mại điện tử. Cùng với đó, để ủng hộ lộ trình chuyển dịch từ tiểu ngạch sang chính ngạch, các địa phương cần thay đổi thói quen tận dụng hình thức trao đổi cư dân biên giới để buôn bán lớn; rủi ro ùn tắc hàng hóa vào các thời vụ cao điểm trong năm nhằm đưa hoạt động trao đổi của cư dân biên giới về đúng bản chất.

Về phía hiệp hội, theo ông Đặng Phúc Nguyên, các doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong nắm bắt thời vụ sản xuất hàng rau quả nội địa của Trung Quốc để có biện pháp ứng phó hoặc điều chỉnh lịch sản xuất, xuất khẩu hàng của Việt Nam, tránh bị cạnh tranh như thanh long, chuối, xoài, nhãn, vải, dưa hấu. Đầu tư vào công nghệ sản xuất, chế biến, áp dụng các kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm; du nhập hoặc nghiên cứu các công nghệ tiên tiến bảo quản, chế biến rau quả nhằm tạo điều kiện tối ưu kéo dài thời gian “bán hàng” cho sản phẩm rau quả Việt Nam.

Ngoài ra, cần tạo dựng hình ảnh tốt cho sản phẩm rau quả Việt Nam trên thị trường Trung Quốc nhằm chiếm trọn niềm tin người tiêu dùng Trung Quốc vào chất lượng sản phẩm rau quả Việt Nam thông qua thực hành sản xuất tốt như VietGAP, GlobalGAP. Các sản phẩm phải có bao bì đẹp, nhãn mác rõ ràng và dễ dàng truy xuất nguồn gốc xuất xứ, tạo sự an tâm cho người tiêu dùng. Đặc biệt, doanh nghiệp cần phối hợp với các thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc nhằm đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường, mặt hàng để không chỉ tập trung vào các chợ đầu mối mà có thể mở rộng thêm đến các siêu thị lớn, các thị trường ngách sâu trong nội địa hơn. Chú ý khai thác các tỉnh, khu vực địa phương phía bắc Trung Quốc như Sơn Đông, Bắc Kinh, Thượng Hải… Kết hợp với các doanh nghiệp Trung Quốc để cùng nhau xây dựng chuỗi cung ứng và phân phối các sản phẩm rau quả Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc trên tinh thần đôi bên cùng có lợi.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, 10 tháng năm 2024, Việt Nam xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc thu về 4,09 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 66% tổng xuất khẩu rau quả của Việt Nam.