Ngành logistics Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển nhưng trong quá trình đó cũng bộc lộ không ít hạn chế, vướng mắc cần tháo gỡ. Để đưa ngành này trở thành một trong những ngành chủ lực của nền kinh tế, các chuyên gia cho rằng cần phải chuyển đổi, tạo bứt phá trong kỷ nguyên mới…
Hiện trạng
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giá trị thị trường ngành logistics Việt Nam đạt khoảng 40 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng với tỷ lệ khoảng 14 - 15% hằng năm đến năm 2025. Ngành logistics hiện đang đóng góp khoảng 4 - 5% GDP và tạo ra công ăn việc làm cho hơn 1 triệu lao động trực tiếp. Bên cạnh đó, tốc độ phát triển hằng năm của ngành logistics Việt Nam bình quân đạt 14 - 15%, quy mô 40 - 42 tỷ USD/năm.
Ông Yap Kwong Weng, CEO Việt Nam SuperPortTM cho hay, số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) ghi nhận năm 2023, Việt Nam đứng thứ 43 trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics (LPI), thuộc nhóm 5 nước đứng đầu ASEAN. Theo bảng xếp hạng về chỉ số thị trường mới nổi của Agility (nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận hàng đầu thế giới), năm 2023, Việt Nam đứng thứ 10/50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu, tăng 1 bậc so với năm trước đó.
Điều này cho thấy, sự dịch chuyển của thương mại toàn cầu khiến Đông Nam Á trở thành trung tâm chủ lực cho sản xuất và logistics. Trong đó, Việt Nam đang dẫn đầu sự dịch chuyển của dòng chảy sản xuất và thương mại, tỷ trọng xuất khẩu từ Việt Nam chiếm hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Đông Nam Á đến một số khu vực.
Việt Nam có hơn 17.000 km đường thủy nội địa, trong đó Trung ương quản lý hơn 7.000 km, các địa phương quản lý hơn 10.000 km. Về phương tiện thủy nội địa, có hơn 270.000 phương tiện, hơn 3.000 phương tiện vận tải sông, biển. Có thể khẳng định đây là những con số ấn tượng, góp phần giảm chi phí logistics hiện nay.
Tuy có nhiều lợi thế và đạt được những bước phát triển đáng ghi nhận, nhưng theo Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung, ngành logistics Việt Nam trên thực tế vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, chính sách, thể chế đối với ngành logistics còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa có khung pháp lý đầy đủ. Trong khi, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và hạ tầng logistics như kho hàng, bến bãi, trung tâm logistics còn hạn chế, chưa đồng bộ, chưa hình thành được các hành lang vận tải đa phương thức thông suốt, còn thiếu các trung tâm logistics ở vị trí chiến lược, kết nối với hệ thống cảng, sân bay, đường bộ và cơ sở sản xuất.
Mặt khác, doanh nghiệp logistics Việt Nam còn hạn chế về trình độ, kinh nghiệm, vốn, nguồn nhân lực, khả năng cạnh tranh còn yếu, thường đóng vai trò nhà thầu phụ hay đại lý cho các tập đoàn nước ngoài. Ngoài ra, nguồn nhân lực được đào tạo chuyên ngành logistics còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là thiếu nhân sự logistics trình độ cao, có năng lực ứng dụng và triển khai công nghệ mới tại các doanh nghiệp.
Ngành logistics Việt Nam cần chuyển đổi để bứt phá trong thời gian tới. Ảnh: THÀNH SƠN |
Chuyển đổi số, xanh hóa toàn diện
Chia sẻ hướng đi cho ngành logistics, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung khuyến nghị các doanh nghiệp logistics muốn tồn tại và phát triển bắt buộc phải cải tiến hoạt động, đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư ứng dụng các công nghệ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh.
Theo ông Đỗ Thành Trung, đây là những thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp logistics Việt Nam vốn phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa với kinh nghiệm, nguồn vốn, trình độ nguồn nhân lực còn hạn chế. Tuy nhiên, đây cũng là một cơ hội lớn khi các doanh nghiệp được thúc đẩy thực hiện quá trình chuyển đổi nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, thực chất hơn. Theo đó, doanh nghiệp nào nắm bắt tốt hơn các làn sóng công nghệ mới sẽ vượt lên trên các doanh nghiệp khác, cũng như quốc gia nào nắm bắt tốt hơn các làn sóng công nghệ mới sẽ vượt lên trên các quốc gia khác.
Dưới góc độ đơn vị tư vấn, ông Yoshihiro Wake, Giám đốc Phát triển thị trường quốc tế Công ty Abeam Consulting cho biết, việc chuyển đổi số quan trọng đối với ngành logistics. Thông qua số hóa “sinh đôi” từ lượng dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ có thể tích hợp và phân tích những dữ liệu trong ngành như đường vận chuyển, phương thức vận chuyển,… Qua đó, có thể giám sát được cả quy trình trong chuỗi cung ứng. Không những vậy, việc chuyển đổi số còn giúp cải thiện năng suất, tăng tính minh bạch và dễ dàng theo dõi tiến độ dự án. Điều này tạo sự tin tưởng cho khách hàng và đối tác, giúp doanh nghiệp ứng dụng nó nổi bật trên thị trường logistics.
Còn theo ông Đinh Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Viettel Post, để có thể chuyển đổi số, bước đầu tiên là phải chuyển đổi về con người, nhân lực. Từ kinh nghiệm thực tế trong hành trình chuyển đổi số của doanh nghiệp với hơn 40.000 nhân viên, Viettel Post đã bắt đầu số hóa các quy trình và hoạt động. Đồng thời, đầu tư tất cả các khâu bằng các công cụ như IoT (internet vạn vật), các ứng dụng cho cán bộ nhân viên. Từ đó, đơn vị thu thập được dữ liệu và đưa vào phân tích tạo ra một hệ thống nền tảng quản trị mạng lưới. Câu chuyện quan trọng nhất là việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp tìm ra được điểm nghẽn trong hệ thống, từ đó phân bố nguồn lực, tái đầu tư nguồn lực một cách hợp lý.
Ngoài việc chuyển đổi số, ông Cao Hồng Phong, Phó Tổng Giám đốc cảng Gemalink (Công ty CP Gemadep) khẳng định, cần xây dựng hệ sinh thái cảng - logistics thông minh và xanh, đây cũng là xu hướng của ngành, của thế giới. Hiện nay, doanh nghiệp đang khai thác cảng Gemalink tại khu vực Cái Mép - Thị Vải, đóng vai trò huyết mạch trong kết nối giao thương giữa Việt Nam với các thị trường lớn gồm Mỹ, châu Âu và vùng nội Á.
Đối với ngành logistics, để chuyển đổi xanh hóa, các doanh nghiệp trong ngành cho rằng, nếu chỉ thực hiện từ một phía thì chưa mang lại hiệu quả. Do vậy, các doanh nghiệp mong muốn có sự đồng hành của Chính phủ và các bộ, ngành.
Riêng đối với doanh nghiệp khai thác cảng, cần hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phát triển chuỗi cung ứng xanh thông qua phát triển hạ tầng kết nối, tăng cường kết nối cảng với các hệ thống giao thông khác như đường bộ, đường sắt, đường hàng không để tạo ra mạng lưới logistics hiệu quả.
Ở góc độ quan trọng không kém, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải nhấn mạnh, vấn đề mấu chốt để kéo giảm chi phí logistics là tăng tốc kết nối hạ tầng giao thông với đầu tư phát triển các trung tâm logistics, cảng cạn, đẩy mạnh vận tải đa phương thức. Trong đó, hạ tầng là yếu tố tiên quyết thúc đẩy phát triển ngành này.
Về hạ tầng giao thông, Cục trưởng Đường thủy nội địa Việt Nam Bùi Thiên Thu cho hay, cần kết nối đồng bộ hệ thống đường thủy với hệ thống cảng biển và đường bộ. Bên cạnh đó, Nhà nước cần đẩy mạnh đầu tư công vào hạ tầng đường thủy, bởi hiện nay, chi phí đầu tư công vào hạ tầng đường thủy chiếm chưa đến 2% đầu tư vào lĩnh vực giao thông vận tải, trong khi hằng năm, đường thủy nội địa đảm nhận vận chuyển khoảng 20% tổng lượng hàng hóa.
Doanh nghiệp logistics của Việt Nam đang tăng nhanh về số lượng, đến nay đã có hơn 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics trong nước. Ngoài ra, có khoảng 25 tập đoàn logistics hàng đầu thế giới đang hoạt động tại Việt Nam.