Nhiều đơn vị vào cuộc
Bão số 3 (Yagi) được đánh giá là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua. Cơn bão này đã có ảnh hưởng rộng khắp từ khu vực Bắc Bộ đến tỉnh Thanh Hóa. Hà Nội là một trong những địa phương có diện tích lúa thiệt hại nhiều nhất trong số 26 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 với tổng diện tích lúa bị đổ là 27.318 ha. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), bão số 3 khiến gần 196 nghìn ha lúa bị ngập úng, thiệt hại cùng nhiều tổn thất khác trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Ngay sau bão, chính quyền các địa phương và ngành nông nghiệp đã nhanh chóng vào cuộc, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để khắc phục hậu quả, đồng thời để đánh giá lại vấn đề trước mắt và lâu dài của cây lúa trước thiên tai.
GS, TS Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Di truyền nông nghiệp, Bộ NN&PTNT nói: “Cơn bão này là một lời cảnh tỉnh rằng những trận lụt, trận bão như thế hoàn toàn có thể xảy ra và bây giờ là lúc chúng ta có điều kiện để chuẩn bị cho nông nghiệp, để người nông dân sẵn sàng đối phó các yếu tố bất lợi như thế xảy ra đối với sản xuất”. Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn ThaiBinh Seed cùng quan điểm: “Chúng ta phải quy hoạch lại hệ thống sản xuất. Tiếp theo, chúng ta phải xây dựng một quy trình canh tác sao cho phù hợp với từng địa phương, phải nhanh chóng nghiên cứu tạo ra những giống cây trồng có khả năng khắc phục với biến đổi khí hậu”.
“Đây là lúc chúng ta phải xem lại chiến lược chọn, tạo giống để ứng phó với biến đổi khí hậu. Chúng ta nên đưa việc chọn, tạo giống ứng phó với biến đổi khí hậu thành mục thường xuyên trong các chương trình chọn, tạo giống, không chỉ đối với cây lúa mà rất cần với cả các cây trồng khác”, GS, TS Lê Huy Hàm chia sẻ.
Ngay từ đầu những năm 2000, Viện Di truyền nông nghiệp, Bộ NN&PTNT đã nhìn nhận được tiến trình này và mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác quốc tế, đặc biệt với Viện Nghiên cứu lúa quốc tế, nhằm chuyển giao các gien chịu ngập, chịu mặn tới Việt Nam. Phương pháp chọn, tạo giống cho phép giống bản địa được hội nhập thêm những gien mới có khả năng chống chịu những yếu tố bất lợi của môi trường trong khi vẫn giữ được nguyên các đặc tính cơ bản.
GS, TS Lê Huy Hàm cho biết: “Chúng tôi là những người đầu tiên đề xuất nhiệm vụ chọn, tạo giống lúa ứng phó với biến đổi khí hậu mà hai đặc tính chúng tôi tập trung vào là chịu mặn và chịu ngập. Chúng tôi đã tạo ra được một số giống lúa có thể chịu mặn đến 5‰ - 6‰. Tiếp theo, chúng tôi tiến hành tạo ra giống lúa kháng đa yếu tố. Trong một giống, chúng tôi đưa cả yếu tố chịu ngập và chịu mặn vào”.
Thí dụ, giống lúa chịu ngập SHPT3 được chọn tạo bằng công nghệ sinh học phân tử từ tổ hợp lại có ưu điểm mang gien chịu ngập. Năm 2019, giống SHPT3 được chính thức công nhận có phạm vi lưu hành tại các tỉnh phía bắc đến Thừa Thiên Huế. Năm 2021, Cục Trồng trọt đã ký quyết định lưu hành giống lúa tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Trải nghiệm trồng giống lúa này từ năm 2021 đến nay, ông Nguyễn Văn Thái, nông dân xã Đại Đức (huyện Kim Thành, Hải Dương) nhận xét: “Giống lúa này cây cao, kháng bệnh tốt, đẻ nhánh rất hiệu quả. Giống lại kháng đạo ôn nên không thấy dịch bệnh xuất hiện, sản lượng đạt cỡ 3 tạ đến hơn 3 tạ lúa tươi”.
Hiện tại, các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao ĐBSCL (HA-TRI), Viện Cây lương thực và cây thực phẩm, Viện Di truyền nông nghiệp, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam không ngừng nỗ lực trong khảo nghiệm, tìm ra các giống lúa thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.
Mới đây, Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao ĐBSCL (HA-TRI) đã tổ chức đánh giá các giống lúa trồng khảo nghiệm vụ hè thu năm 2024 tại cánh đồng lúa khảo nghiệm thuộc phường Thới An Đông (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ). 75 giống lúa và 7 giống nếp có chung đặc tính ngắn ngày, năng suất khá cao, phẩm cấp gạo đạt tiêu chuẩn, được đưa vào khảo nghiệm các đặc tính về chống chịu sâu bệnh hại, chống chịu khô hạn thiếu nước, chống chịu với xâm nhập mặn và chống chịu với ngập úng. Theo đó, đã tìm ra 5 giống lúa triển vọng, đạt năng suất cao, ít sâu bệnh trong đợt nắng nóng lịch sử vừa qua gồm Hatri 10, Hatri 7-2-2, Hatri 1-9-2, Hatri 22 và Hatri 9-2-8.
Theo Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao ĐBSCL, Hatri 10 là một trong nhiều giống lúa thích ứng tốt với biến đổi khí hậu mà viện lai tạo, nhân giống. Đến nay, “ngân hàng lúa giống” của viện đã có tới hơn 1.000 giống. Trong đó, hàng chục giống đã được cung cấp cho các địa phương ĐBSCL và miền trung, Tây Nguyên trồng khảo nghiệm; một số giống lúa đã hoàn thành khảo nghiệm và được phép lưu hành.
Ông Nguyễn Văn Bé, nông dân ở huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) thử nghiệm gieo trồng giống lúa mới. Ảnh: TTXVN |
Khoa học - công nghệ luôn phải sẵn sàng
Việc nghiên cứu các giống lúa mới, thích ứng với biến đổi khí hậu, chống chịu thiên tai không chỉ là nhiệm vụ của các viện nghiên cứu mà cũng được các doanh nghiệp sản xuất giống hết sức quan tâm.
Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo cho biết: “Việc nghiên cứu tạo ra những giống lúa, kể cả những giống cây trồng khác mà ThaiBinh Seed nghiên cứu đều hướng tới khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu như chống đổ tốt hơn, chống bệnh tốt hơn mà vẫn bảo đảm năng suất và chất lượng”. Hơn 10 năm qua, Công ty CP Tập đoàn ThaiBinh Seed đã hợp tác với các viện trong nước và nước ngoài để chọn, tạo ra các giống lúa thuần có khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu. Trong đó, giống lúa TPR97 được đánh giá là giống có khả năng chống chịu tốt trong dông bão và đã được kiểm chứng qua nhiều cơn bão lớn.
Anh Nhâm Xuân Tùng, Phó Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty CP Tập đoàn ThaiBinh Seed chia sẻ: “Giống lúa TPR97 có thời gian sinh trưởng ngắn, giúp bà con nông dân thu hoạch sớm, đặc biệt trong vụ mùa có thể thường xuyên bị mưa, gió, bão lụt thì thời gian sinh trưởng là một trong những yếu tố rất quan trọng. Ngoài ra, giống có chiều cao cây vừa phải, cứng cây và chống đổ tốt. Đấy là những yếu tố quan trọng để giúp cây có khả năng chống chọi tốt với điều kiện thiên nhiên bất lợi”.
Đây là vụ thứ ba gia đình ông Đỗ Văn Hảo ở xã Yên Phương (huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) cấy giống lúa TPR97. Sau siêu bão Yagi, ông Hảo tự tin khi toàn bộ diện tích lúa của gia đình giữ được gần như nguyên vẹn. “Qua cơn bão số 3, chung quanh đây, tôi thấy các loại lúa đều bị đổ. Riêng giống lúa TPR97 không bị đổ vì lúa cứng cây, phù hợp với đồng đất của mình”, ông Hảo nói.
Bà Lê Thị Ngọ ở xã Yên Phương (huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) chia sẻ: “Lúa này rất dễ chăm, mọc khỏe mà cứng cây, không đổ ngã. Vừa rồi bão số 3 gió mạnh những vẫn không bị đổ. Gạo nấu cơm thì ngon và có mùi thơm. Nông dân chúng tôi mà có được những giống lúa như thế để trồng thì rất phấn khởi”.
Với những ưu điểm vượt trội, giống lúa TPR97 được nhiều địa phương đưa vào cơ cấu giống, bà con nông dân tin tưởng lựa chọn giống lúa này để gieo cấy, đặc biệt là vào vụ mùa vì trong năm đây là khoảng thời gian thường xuyên xuất hiện những cơn bão lớn.
“Khi chọn, tạo ra một giống mới, phải mất 5-10 năm. Trong thời gian 5-10 năm đó, mọi thứ có thể đã biến đổi rồi như khí hậu, tác nhân gây bệnh... Vì thế, khoa học - công nghệ luôn luôn phải đi trước, luôn luôn phải sẵn sàng”, GS, TS Lê Huy Hàm chia sẻ.
Để cây lúa nói riêng và ngành trồng trọt nói chung thích ứng với biến đổi khí hậu, theo các chuyên gia, cần có những giải pháp tổng thể, đồng bộ từ hệ thống sản xuất nông nghiệp đến hệ thống quản lý mùa vụ, từ hệ thống thủy lợi đến công tác chọn, tạo giống và đặc biệt, việc đưa vào các phương thức canh tác lúa thân thiện với môi trường cùng cách ứng xử của mỗi người nông dân trên đồng ruộng cũng sẽ góp phần xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.
Hướng tới tạo ra một hệ sinh thái canh tác bền vững, ngành khoa học nông nghiệp thời gian qua đã chọn, tạo ra được nhiều giống lúa thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, từ đó góp phần bảo đảm và từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất lúa của nông dân trước tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt như hiện nay.