LHQ thúc giục hành động toàn cầu vì khí hậu

Cũng như tại Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP29), vấn đề tài chính khí hậu là một trong những chủ đề nổi bật tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Tuy nhiên, bất đồng trong vấn đề này chưa được thu hẹp ngay trước thềm cuộc gặp của các nhà lãnh đạo G20 tại Brazil.
0:00 / 0:00
0:00
LHQ thúc giục hành động toàn cầu vì khí hậu

Hành động quyết liệt hơn

Trong cuộc gặp Tổng thống Brazil Lula da Silva ngày 16/11, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rio de Janeiro, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhắc lại cam kết thúc đẩy phối hợp toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Hai nhà lãnh đạo nhất trí về tính cấp thiết của việc áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn, nhất là cam kết toàn cầu về giảm khí thải và thực hiện mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt Trái đất dưới 1,5 độ C.

Hai bên cũng thảo luận về tầm quan trọng của việc tăng cường chủ nghĩa đa phương, cải cách cấu trúc tài chính quốc tế và thể chế quản trị toàn cầu, cũng như giải quyết những thách thức cấp bách nhất như phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng của thế giới.

Đảm nhận vai trò Chủ tịch G20 năm 2024, Brazil lựa chọn chủ đề “Xây dựng một thế giới công bằng và một hành tinh bền vững”, phản ánh mối quan tâm lớn đến sự phát triển bền vững của các nền kinh tế, đặc biệt là nỗ lực chống biến đổi khí hậu, đói nghèo và bất bình đẳng xã hội.

Tổng Thư ký LHQ kêu gọi G20 có “hành động quyết đoán” trong ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là nỗ lực khử hoàn toàn carbon trong sản xuất điện vào năm 2035. Theo ông Guterres, đến năm 2030, việc sản xuất và tiêu thụ tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu phải giảm ít nhất 30% và công suất năng lượng tái tạo toàn cầu phải tăng gấp 3 lần.

Nhắc lại quan ngại về thực trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng trên thế giới, khi cứ 10 người thì có một người thường xuyên nhịn ăn cả ngày, ông Guterres cho đây là “điều thật sự hổ thẹn” của thế giới.

Bất đồng chưa được thu hẹp

Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Rio de Janeiro diễn ra trong hai ngày 18 và 19/11, trong bối cảnh vòng đàm phán khí hậu tại COP29 bước vào tuần làm việc thứ hai ở Baku (Azerbaijan), với chủ đề nổi bật là tài chính khí hậu. Tại COP29, các bên tiếp tục tranh luận về số tiền mà các nước giàu có sẽ chi để giúp các nước đang phát triển ứng phó biến đổi khí hậu. LHQ hy vọng rằng, một thông điệp mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo G20 sẽ giúp tạo động lực chính trị cho một thỏa thuận tại COP29 về tài chính khí hậu.

Tuy nhiên, đến trước ngày khai mạc Hội nghị, các cuộc thảo luận của G20 vẫn chưa thu hẹp được bất đồng trong một loạt vấn đề, nhất là nguồn tài trợ hành động khí hậu và vấn đề đánh thuế nhóm siêu giàu.

Ngày 16/11, một số nhà ngoại giao tham gia đàm phán tại Rio de Janeiro cho biết, thảo luận đã rơi vào bế tắc do “vấn đề bất đồng quen thuộc”. Các nước phát triển muốn một số nước đang phát triển có thu nhập cao đóng góp tài chính để giải quyết tình trạng nóng lên toàn cầu, nhưng các nước đang phát triển lại cho đây là trách nhiệm của các quốc gia giàu nhất thế giới.

Theo các nhà ngoại giao, thỏa thuận toàn cầu càng khó đạt được khi Tổng thống đắc Mỹ Donald Trump trở lại nắm quyền và được cho là đang chuẩn bị rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu một lần nữa.

Việc đánh thuế những người giàu nhất, một đề xuất được Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva coi trọng, cũng gặp phải trở ngại, khi Argentina đổi ý vào phút chót và từ chối đưa đề xuất này vào tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh G20.

Sự phản đối của Argentina đối với việc đánh thuế giới siêu giàu được đưa ra sau khi Tổng thống Argentina Javier Milei đến thăm ông Donald Trump tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida và là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm Tổng thống đắc cử Mỹ.