Nỗ lực hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành 15/15 chỉ tiêu của năm 2024. Đặc biệt tăng trưởng GDP nếu quý IV đạt khoảng 7,5% thì cả năm sẽ đạt hơn 7%.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều doanh nghiệp chú trọng việc nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: BẮC SƠN
Nhiều doanh nghiệp chú trọng việc nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: BẮC SƠN

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng như kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, bội chi, nợ công, nợ chính phủ thấp hơn nhiều phạm vi cho phép, nợ nước ngoài giảm nhanh.

Nền kinh tế hoạt động tốt nhất ở châu Á

Cụ thể, kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng tích cực trong cả ba khu vực: Khu vực nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định; khu vực công nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực, tháng 10 tăng 4% so với tháng 9 và tăng 7% so cùng kỳ, tính chung 10 tháng tăng 8,3%; khu vực dịch vụ tiếp tục tăng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,5%. Du lịch phục hồi mạnh với khách quốc tế tháng 10 đạt 1,42 triệu lượt, tăng 27,6%; tính chung 10 tháng đạt 14,1 triệu lượt, tăng 41,3%.

Trong bối cảnh đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực, lấy lại được đà tăng trưởng như giai đoạn trước dịch, doanh nghiệp tiếp tục khôi phục niềm tin vào triển vọng kinh tế.

Là lãnh đạo doanh nghiệp chuyên cung cấp các sản phẩm băng tải, con lăn, giải pháp tự động hóa, công nghệ và năng lượng trong các nhà máy, ông Hoàng Hữu Yên, Tổng Giám đốc Intech Group chia sẻ, kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 10 tháng đầu năm tăng 30% so với năm ngoái.

Doanh nghiệp kỳ vọng sẽ bứt phá vào tháng cuối năm. Đây cũng là thời điểm nhiều đơn vị, nhà máy đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị phục vụ cao điểm sản xuất, kinh doanh. “Đến nay, khi nền kinh tế sôi động trở lại, cộng đồng doanh nghiệp đã đầu tư trang thiết bị sản xuất quyết liệt hơn. Vì vậy, chúng tôi đã có đơn hàng đến hết năm và đang tiếp tục đàm phán cho đơn hàng năm 2025”.

Với nhiều điểm sáng, kinh tế Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Ông Tim Evans, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết, sau năm 2023 và quý I đầy vất vả, Việt Nam đã trở lại là ngôi sao tăng trưởng của ASEAN. Đáng chú ý, tăng trưởng quý III đạt mức 7,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn dự báo của HSBC là 6,2%. Những tháng cuối năm, hoạt động xuất khẩu sẽ tiếp tục tích cực hơn nữa khi việc lãi suất ở Mỹ giảm và người tiêu dùng Mỹ bắt đầu chi tiêu nhiều hơn.

Sự phục hồi của thương mại ban đầu chỉ tập trung trong lĩnh vực điện tử nhưng giờ đang cho thấy dấu hiệu lan rộng, như xuất khẩu dệt may và da giày. Bên cạnh đó, ngành du lịch vẫn rất phát triển và thu hút nhiều khách nước ngoài với lượng khách quốc tế đến Việt Nam cao hơn so với trước dịch Covid-19. Nếu người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng vào tương lai, họ sẽ chi tiêu nhiều hơn một chút, giúp doanh số bán lẻ tại địa phương tăng lên. Tăng trưởng của Việt Nam sẽ đạt mức 6,5% vào năm tới và một lần nữa, sẽ trở thành nền kinh tế hoạt động tốt nhất ở châu Á.

Giai đoạn đầy thách thức

Theo bà Nguyễn Thúy Hạnh, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, dù khả năng hoạt động của nền kinh tế tốt hơn so với kỳ vọng của thị trường, song từ nay đến cuối năm vẫn là giai đoạn đầy thách thức. Do tác động của cơn bão Yagi đến nền kinh tế có thể chưa được phản ánh qua mức tăng trưởng GDP quý III mạnh mẽ ở mức 7,4% và sẽ tác động vào đầu quý IV. Những trở ngại thương mại toàn cầu, địa chính trị, giá dầu toàn cầu tăng, sự không chắc chắn về tốc độ cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có thể tạo nên biến động trên thị trường tài chính và có tác động đến nền kinh tế.

Bất chấp những xu hướng giảm gần đây, giá dịch vụ giáo dục, nhà ở và vật liệu xây dựng, chăm sóc sức khỏe, thực phẩm và vận tải tăng cao đã giữ lạm phát ở mức hơn 4% cho đến thời gian gần đây và có thể vẫn là nguyên nhân gây áp lực gia tăng lạm phát trong những tháng tới. Do đó, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam khuyến nghị các ngành sản xuất phải giảm được tác động tiêu cực từ những diễn biến bất lợi trên toàn cầu bằng cách đa dạng hóa các lĩnh vực sản xuất và thu hút vốn FDI từ các khu vực khác trong trung hạn. Các biện pháp ứng phó với thiên tai của Việt Nam sẽ ngày càng trở nên quan trọng. Việc quản lý lạm phát, chính sách tiền tệ và biến động ngoại hối cũng sẽ được theo dõi chặt chẽ.

Về phía doanh nghiệp, theo ông Yên, để có thể cạnh tranh và phát triển trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay, công tác nghiên cứu đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, đưa doanh nghiệp phát triển bền vững. Vì vậy, doanh nghiệp đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) để tập trung vào việc nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tại đây, đơn vị chế tạo thử và chạy thử, kiểm nghiệm độ bền và tuổi thọ của sản phẩm. Khách hàng cũng có thể đánh giá, kiểm tra sản phẩm của doanh nghiệp, từ đó, tạo niềm tin cho khách hàng.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác. Ngoài ra, Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất ban hành các chính sách tiếp tục miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền thuê đất để triển khai ngay từ đầu năm 2025, trong đó có giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) để kích thích tiêu dùng, sản xuất trong nước. Tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, đặc biệt là chuyển đổi số quốc gia.

Về xuất khẩu, tăng cường xúc tiến thương mại; củng cố các thị trường lớn, truyền thống; mở rộng các thị trường mới (Trung Đông, Halal, Mỹ latinh). Bộ trưởng Công thương làm Tổ trưởng đàm phán các hiệp định thương mại tự do, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng đàm phán các hiệp định bảo hộ đầu tư với các nước Trung Đông, Pakistan, Ai Cập. Về tiêu dùng, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Bộ Công thương chủ trì, nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng các giải pháp thúc đẩy thị trường, kích cầu trong nước. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương xây dựng chính sách thu hút du lịch; Bộ Công an, Bộ Ngoại giao nghiên cứu, triển khai chính sách thị thực, trong đó miễn thị thực đơn phương cho một số nước để thu hút du khách. “Phấn đấu đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2024, trong đó tốc độ tăng GDP quý IV khoảng 7,4-7,6%, cả năm đạt hơn 7%, gần gấp đôi so với mức trung bình của ASEAN và thế giới”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Xuất khẩu tiếp tục tăng cao, tháng 10 tăng 4,4% so với tháng 9 và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2024, xuất khẩu tăng 14,9%; nhập khẩu tăng 16,8%; xuất siêu 23,3 tỷ USD.