Kỳ 1: Đổi thay ngoạn mục nhưng chưa bền vững
Các dự án nghệ thuật cộng đồng đem lại thay đổi đáng kể về nhận thức xã hội của người dân, góp phần thay đổi cảnh quan, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp. Nhưng có những nơi, việc bảo vệ các không gian, tác phẩm nghệ thuật còn chưa được tốt.
“Lột xác” từ nơi ô nhiễm
Thời gian qua, các không gian văn hóa, công trình nghệ thuật cộng đồng đang trở nên quen thuộc, gần gũi hơn trong đời sống. Nhiều người dân thích thú với những nét mới được tạo nên ở các không gian công cộng, không gian sinh hoạt chung của cộng đồng. Bởi các yếu tố đó ngày càng tạo điểm nhấn cho đô thị, tôn vinh giá trị văn hóa, nghệ thuật, bảo vệ môi trường.
Có thể kể đến các công trình như: Dự án “Nông nghiệp sạch-Thành phố xanh” tại thôn Chử Xá, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm. Đây là một dự án cộng đồng về phát triển không gian công cộng và kinh tế địa phương thông qua hoạt động vẽ tranh tường nghệ thuật. Dự án có 15 bức tranh khổ lớn được triển khai tại các con đường bao quanh thôn Chử Xá và tại cánh đồng trồng rau của thôn.
Cùng với đó, Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân ven sông Hồng (thuộc Dự án cải tạo bức tường bảo vệ hành lang bờ sông Hồng, phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm) đã lấy cảm hứng từ chính địa thế đặc trưng là nơi giao thoa của nhiều yếu tố văn hóa, lịch sử của mảnh đất Thăng Long-Kẻ Chợ, từng là nơi tấp nập trên bến dưới thuyền, cửa ngõ giao thương một thời của chốn kinh kỳ, nơi chứng kiến những cơn lũ mỗi mùa nước lên gắn liền ký ức của bao thế hệ người dân nơi đây. Hay dự án nghệ thuật tranh tường ABC ở 39 Pháo Đài Láng (phường Láng Thượng, quận Đống Đa), ở Tập thể Học viện Phụ nữ T.Ư với 20 cụm tranh tương tác 3D tại các vị trí phù hợp mang đặc trưng văn hóa Hà Nội cũng như sức sống của tuổi trẻ. Bên cạnh đó còn có các dự án như “Sân chơi vườn công cộng” tại ngõ 279 Đội Cấn, Ngọc Hà, Ba Đình và “Vườn rừng” tại ngách 43/32 Bạch Đằng, Chương Dương, Hoàn Kiếm…
Anh Lê Hồng Phương (30 tuổi, ở Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội) còn nhớ ở nơi anh sống, trước kia có khoảng đất trống nhưng là nơi tập kết rác, người dân đi làm về muộn tiện tay vứt rác khiến nơi này trở thành một bãi rác bất đắc dĩ. Nhưng “Sau khi được các tổ chức và chính quyền quan tâm, người dân ủng hộ, nơi này đã xuất hiện những bức tranh tường và không ai xả rác nữa, chúng tôi rất phấn khởi. Không còn mùi hôi thối của rác, các cháu nhỏ có chỗ vui chơi”, anh Phương nói. Bà Nguyễn Thị Minh Thu (70 tuổi, cùng ở Sài Đồng) cũng chia sẻ: “Trước đây tôi muốn ra ngoài hóng gió thì chỉ ra đến sân hoặc đầu ngõ nhà mình vì đi xa hơn sẽ thấy những bãi rác chung quanh bốc mùi. Nhưng nhờ những dự án như thế, những người già như chúng tôi có chỗ ngồi trò chuyện. Tôi thấy việc đó rất có ích, tạo thêm thẩm mỹ trong mắt người dân”.
Tại khu vực 279 Đội Cấn, bà Lê Việt Hồng sinh sống trên địa bàn cho biết, trước đây, nơi này tập kết rác của cả phường. Các đợt dịch sốt xuất huyết, dịch tả, tiêu chảy thì Ngọc Hà là nơi có nhiều ca mắc hơn cả. Nhưng nay, mọi thứ đã thay đổi. Bà Phạm Hồng Hạnh, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Ngọc Hà cho biết, được sự hỗ trợ từ nhiều phía, người dân đã tham gia dự án đặc biệt của tổ chức “Vì một Hà Nội đáng sống”. Mọi người trực tiếp tham gia dọn dẹp thường xuyên. Người dân đã ý thức cao hơn trong giữ cảnh quan môi trường, không còn vứt rác bừa bãi nữa.
Theo kiến trúc sư Tạ Thị Thu Hương, công tác tại Cục Quản lý đô thị (Bộ Xây dựng), người đồng sáng lập tổ chức ABC, cũng là giám tuyển của dự án ABC, nghệ thuật cộng đồng khá phát triển ở các nước châu Âu nhưng còn khá mới ở nước ta. Sau một thời gian nghiên cứu với bối cảnh phù hợp và tìm được nhà tài trợ, với sự ủng hộ của các bên liên quan, dự án tại 39 Pháo Đài Láng được triển khai đã thay đổi diện mạo cho khu dân cư. Khảo sát cho thấy, một số công trình không gian văn hóa, nghệ thuật cộng đồng hiện được giữ gìn sạch đẹp nhờ sự chung tay bảo vệ của người dân cũng như trách nhiệm từ phía chính quyền. “Sáng sớm mọi người đến đây tập thể dục đều mang theo nước để tưới cây và quét dọn trước khi tập. Các bác bảo vệ luôn túc trực để nhắc nhở mọi người tránh vứt rác khi chưa đến giờ tập kết rác”, bà Lê Việt Hồng phản ánh. Nhiều người dân mong muốn ngày càng có nhiều không gian công cộng như thế để tăng sự gắn kết cộng đồng, chính quyền các cấp cần quan tâm nhiều hơn đến những dự án mang tính phúc lợi như vậy.
“Chiếc áo mới” chưa được giữ lành
Hầu hết người dân đều đón nhận những tác phẩm nghệ thuật theo hướng tích cực. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng gạch xóa, vẽ lên các tác phẩm làm mất thẩm mỹ và giảm giá trị của tác phẩm. Qua đó, có thể thấy sự nhìn nhận về nghệ thuật công cộng vẫn chưa đầy đủ, khiến cho các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật chưa thể hiện được vai trò quan trọng của nó.
Một thí dụ, trong khoảng thời gian gần đây, với dự án tranh tường ABC đã có một số tác phẩm không còn được giữ gìn nguyên vẹn mà đã bị xuống cấp, một số bị phá hủy. Còn theo lời của một bảo vệ tại phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, khu dân cư cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn, nhưng để thay đổi điểm tập kết rác thì còn khó khăn. Tuy đã thay đổi giờ đổ rác từ cả ngày sang có giờ quy định, có gắn biển báo ghi mức phạt và cử người túc trực, nhưng vẫn chưa khắc phục được việc có hộ dân đổ trộm rác.
Đã có tình trạng một số không gian văn hóa, nghệ thuật dần xuống cấp. Tại khu vực làng Chử Xá, bà Nguyễn Thị Tiến (63 tuổi) tiếc nuối: “Trước đây các bức tranh vẽ lên rất đẹp, thu hút nhiều người tham quan. Nhưng theo thời gian và không được sự quan tâm của cơ quan chức năng nên những bức tranh tường này bị phá đi khi những ngôi nhà mới được hình thành. Còn sót lại một số bức thì vẫn thu hút được người dân chung quanh”. Khu vực Phúc Tân cũng gặp tình trạng tương tự. Khi mới hình thành, các bức tranh tường được người dân gìn giữ nhưng một thời gian sau bị phá bỏ dần, không còn giữ được nguyên vẹn. Còn tại ngách 43/32 phường Chương Dương, tuy đã cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường nhưng hiện tại sân chơi và các đồ chơi cho trẻ không còn được bảo đảm về chất lượng. Thậm chí, không gian dần bị lấn chiếm, trở thành nơi nuôi gia cầm của một số hộ gia đình chung quanh.
Qua đánh giá hiện trạng và từ những chia sẻ của người dân, có thể nhận rõ nguy cơ một số không gian nghệ thuật cộng đồng đang bị xuống cấp và đối mặt nguy cơ biến mất. Có hai khó khăn phải đối mặt trong việc gìn giữ, duy trì và bảo vệ các tác phẩm nghệ thuật cộng đồng nằm ở nguồn nhân lực bảo vệ và nguồn vốn. Ngoài sự ảnh hưởng của mưa nắng tự nhiên thì việc thiếu nguồn vốn cũng dẫn đến việc các không gian văn hóa, nghệ thuật cộng đồng chưa được hoàn thiện như ở bờ sông Hồng, ngách 43/32 phường Chương Dương hiện tại. Khu vực này vẫn còn sơ sài, chưa có nhiều đồ chơi cho trẻ em và thiết bị tập cho người lớn tuổi, chưa có rào chắn phía ra bờ sông. Các bên quản lý dự án nghệ thuật và chính quyền còn thiếu biện pháp bảo vệ và chưa có quy định xử lý triệt để với những hành vi cố ý hay vô tình phá hỏng các tác phẩm.
Thêm vào đó, không ít người dân cũng chưa thật sự hiểu tầm quan trọng của các không gian nghệ thuật. Phía chính quyền cũng còn thiếu các hình thức tuyên truyền sinh động, phù hợp để mọi người nâng cao nhận thức, hành động giữ gìn và bảo vệ không gian nghệ thuật cộng đồng.
Anh Lê Hồng Phương: “Tôi thấy những bức tranh và hình vẽ rất thú vị và ý nghĩa. Sáng kiến này rất đáng khen, vừa trang trí cho phố phường, vừa giữ được cảnh quan cho môi trường. Sự khéo léo, tâm huyết, nhiệt tình của các họa sĩ đã làm chúng tôi rất cảm động”.
(Còn nữa)