Tìm hướng đi cho không gian văn hóa cộng đồng (Kỳ 2)

Kỳ 2: Bài học và gợi mở
0:00 / 0:00
0:00
Người dân rèn luyện sức khỏe hằng ngày bên một tác phẩm trong chuỗi dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân.
Người dân rèn luyện sức khỏe hằng ngày bên một tác phẩm trong chuỗi dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân.

Để các tác phẩm hay dự án nghệ thuật cộng đồng thành công và có hiệu quả lâu bền, không đơn giản chỉ là hoạt động sáng tạo mà cần có sự tổng hòa của nhiều yếu tố. Từ tầm nhìn của các ban, ngành, chính quyền địa phương (đặc biệt là vai trò của người lãnh đạo), sự ủng hộ của các đơn vị tài trợ, sự đồng hành của người dân. Cũng như không thể thiếu có sự đầu tư về chất xám của các nghệ sĩ, giám tuyển, các kiến trúc sư...

Nghệ sĩ, nghệ thuật cùng tiếng nói với người dân

Nhu cầu thưởng thức nghệ thuật trong không gian cộng đồng là xu thế lan tỏa từ văn hóa toàn cầu. Theo các chuyên gia, cần có sự hài hòa của không gian công cộng với nhu cầu cuộc sống. Bởi một số dự án trong những năm gần đây góp phần làm đẹp cảnh quan nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ cuộc sống.

Theo kiến trúc sư Tạ Thị Thu Hương, để làm ra được một tác phẩm nghệ thuật cộng đồng không phải là điều dễ dàng, bởi nghệ thuật cộng đồng không phải là tác phẩm riêng biệt mang tính cá nhân, mà đó là tác phẩm của mọi người. Người nghệ sĩ phải có cái nhìn đa chiều, biết nhìn nhận, lắng nghe những đóng góp từ phía cộng đồng để tác phẩm chỉn chu nhất, phù hợp nhất với cảm nhận từ cộng đồng.

Một thí dụ từ thành công của dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân thời gian đầu, khi địa chỉ này không chỉ mang sắc màu nghệ thuật mà còn có bóng dáng môi trường, cộng đồng. Bên cạnh việc tương tác với lịch sử, ngữ cảnh, các tác phẩm có được sự tương tác với người xem. Khi có sự thống nhất, người dân ở đây chính là những người trông nom, chăm sóc cho các tác phẩm. Các tổ trưởng dân phố cũng chia các hộ dân để tham gia dọn vệ sinh. TS, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, giảng viên Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam, người đóng vai trò quan trọng đồng thời cũng là giám tuyển trong hai dự án nghệ thuật công cộng tại phường Phúc Tân và đường phố Phùng Hưng của Hà Nội cho rằng, tác dụng và ý nghĩa của nghệ thuật công cộng-nghệ thuật cộng đồng mang lại cho người dân là điều không thể phủ nhận. Nó đóng góp quan trọng trong việc phát triển kinh tế, thu hút khách du lịch. Nhưng các dự án hiện nay lại chưa bộc lộ rõ được ý nghĩa sâu xa. Muốn làm được điều đó cần phải thay đổi cách nhìn, tư duy và phương pháp tiếp cận đối với loại hình nghệ thuật này.

Chia sẻ thêm, TS Nguyễn Thế Sơn nói: “Chỉ khi người nghệ sĩ đưa được thông điệp đó vào tâm thức của người dân khu vực này, nhận được giá trị khu vực họ đang sống, họ mới tự nguyện tham gia cùng nhóm nghệ sĩ trong việc làm sạch, giữ gìn vệ sinh và bảo vệ các tác phẩm ấy”. TS Sơn đang mong trong thời gian gần nhất, sẽ hỗ trợ cho quận Long Biên làm tiếp dự án kéo dọc đê sông Hồng dài 20km.

Không thể thiếu những đồng thuận và tiếp sức

Để các tác phẩm được giữ gìn nguyên vẹn, phát huy giá trị lâu dài, phụ thuộc vào công chúng sở tại. Trong khi có hiện tượng người thì giữ gìn, người khác lại phá vỡ. Đây cũng chính là bài toán khó cần phải giải quyết. Như bộc bạch của kiến trúc sư Tạ Thị Thu Hương thì, các bạn trẻ, nghệ sĩ nhiệt tình, nhưng nếu không được sự ủng hộ của người dân và chính quyền thì dự án không thể thực hiện được.

Còn Thạc sĩ Trần Thị Thục, giảng viên Khoa Văn học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội cho rằng: “Việc phát triển các dự án nghệ thuật công cộng là điều cần thiết nhưng vẫn phải có chính sách để duy trì và quảng bá rộng rãi. Tránh trường hợp dự án chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, ít giá trị với cộng đồng”. Theo đó, cần những chính sách tiếp cận nguồn ngân sách, hay những cơ chế miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho những công ty, tổ chức tài trợ các chuỗi hoạt động sáng tạo. Chính quyền cần thường xuyên, chủ động đồng hành và khuyến khích các hoạt động sáng tạo; cần lắng nghe các ý kiến chuyên gia, những người thực hành chuyên nghiệp trong lĩnh vực này.

TS Nguyễn Thế Sơn nhấn mạnh: “Muốn kêu gọi được sự nhận thức và chung tay của người dân thì phải tiến hành dự án từ dưới đi lên. Chỉ thi công tác phẩm khi có được sự chia sẻ từ người dân và chính quyền địa phương”. Có như thế tác phẩm nghệ thuật cộng đồng mới có thể nhận được hồi đáp tích cực của người dân, sự nhất trí cao trong cộng đồng để đi đến cam kết chung tay thu gom phế thải, bảo vệ tác phẩm sau khi dự án hoàn thành.

Sáng tạo hơn từ nền tảng đã có

Song song với việc giữ gìn không gian nghệ thuật cộng đồng thì việc biến những nơi đó thành điểm đến thu hút khách du lịch hấp dẫn, giúp quảng bá văn hóa vùng miền. Thạc sĩ Trần Thị Thục nêu ý kiến: “Việc phát triển các dự án thành điểm đến du lịch là điều cần thiết khi các dự án đều hướng tới quảng bá những giá trị văn hóa, lịch sử, đồng thời góp phần làm thay đổi cảnh quan đô thị”. Muốn vậy, phải có không gian phù hợp, thuận tiện giao thông, nội dung hướng tới giá trị văn hóa, lịch sử. Bên cạnh đó, có thể học hỏi các dự án nghệ thuật cộng đồng ở nước ngoài trong việc thu hút khách du lịch. Như nhận xét của bà Phạm Hồng Hạnh, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Ngọc Hà thì, tại không gian nghệ thuật công cộng sở tại đã diễn ra các hoạt động trong dịp lễ, Tết, giới thiệu làng nghề truyền thống, trưng bày sản phẩm... thu hút đông đảo học sinh, sinh viên và du khách tham gia. Điều đó cho thấy, khi biết khai thác nghệ thuật thì sẽ đem lại hiệu quả kinh tế.

Chia sẻ với chúng tôi, nhiều người dân sống tại phường Phúc Tân, Hoàn Kiếm mong những bức tranh cũng như không gian này không bị bỏ đi. Mong chính quyền và các nghệ sĩ sẽ cải thiện hơn nữa về chất lượng, mỗi năm nên sửa sang lại một lần vì tranh ở ngoài trời mầu sơn dễ bị phai mờ; còn những tác phẩm kim loại thì bị gỉ sét. Người dân cũng kỳ vọng sẽ có nhiều tác phẩm nghệ thuật hơn nữa, được triển khai không chỉ ở một, hai mà ở nhiều khu phố để những không gian tương tự được nhân rộng.

Với những thành công bước đầu và dù trong hiện tại, cũng đã có hiện tương mai một, lúng túng, nhưng các dự án về những không gian văn hóa, nghệ thuật cộng đồng đang ngày càng trở nên yếu tố góp phần làm đẹp đời sống. Để tiếp tục duy trì, phát triển các mô hình này, cần sự bắt tay chặt chẽ của ngành văn hóa, du lịch, sự vào cuộc của chính quyền địa phương và sự tham gia của các nghệ sĩ, từ trong nước cho đến quốc tế. Bên cạnh đó, đòi hỏi vai trò của chính quyền trong việc ưu tiên, kiến tạo các không gian công cộng, không gian dành cho nghệ thuật cộng đồng một cách phù hợp; đòi hỏi tài năng của nghệ sĩ nhằm bảo đảm tác phẩm đẹp, phù hợp với không gian để người dân được hưởng thụ và có ý thức trong việc giữ gìn không gian chung.

Đặc biệt, cần có những quy định, văn bản mang tính chính sách, cơ chế về nghệ thuật cộng đồng để hoạt động sáng tạo và các tác phẩm có thể được phát triển, tồn tại bền vững, được tiếp tục sáng tạo, đổi mới. Từ đó, về lâu dài, các ban, ngành liên quan cần xây dựng được lộ trình để phát triển nghệ thuật công cộng lên tầm vóc mới.

Kiến trúc sư Tạ Thị Thu Hương: “Điều mà tôi cùng tổ chức ABC hướng đến chính là cộng đồng, chính là người dân sở tại. Dự án phải khiến người dân có tình cảm với các tác phẩm. Như vậy, sau khi hoàn thiện thì chính người dân sẽ là những người chăm chút và bảo vệ các dự án. Hy vọng trong thời gian tới, các tổ chức và chính quyền sẽ giữ gìn, bảo vệ các dự án tốt hơn”.