Tiếp cận Lịch sử bằng phương pháp đa chiều

Với số điểm 17/20, Trần Mai Anh (12 chuyên Văn, Trường THPT chuyên Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang), đã xuất sắc giành Giải nhất môn Lịch sử tại Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2022-2023. Để những kiến thức tưởng chừng như khô khan, khó nhớ trở nên sinh động, dễ nhớ như thế nào, Thời Nay đã có cuộc trò chuyện cùng cô bạn nữ sinh mảnh khảnh (trong ảnh) về các kỹ năng để biến Sử thành môn học được ưa thích.
0:00 / 0:00
0:00
Tiếp cận Lịch sử bằng phương pháp đa chiều

Phóng viên (PV): Là học sinh chuyên Văn nhưng bạn lại giành giải nhất với môn Lịch sử. Điều này liệu có mâu thuẫn?

Trần Mai Anh: Tôi theo học môn Văn từ khi ở cấp THCS rồi thi vào chuyên Văn. Vào lớp 10, tôi theo môn Sử một phần là nhờ sự ảnh hưởng của cô giáo dạy Lịch sử Nguyễn Thị Thu Phương. Là giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, tôi thấy cách dạy của cô Phương rất hay và hiệu quả. Cô hay kể nhiều câu chuyện để tôi thấy Lịch sử không khô khan mà rất sống động, thú vị. Lý do nữa mà tôi yêu thích với môn học này là do tôi đã tìm hiểu được phương pháp học hiệu quả. Tôi đã nắm bắt và xác định được từ khóa, trọng điểm khi đọc một vấn đề lớn.

PV: Sinh ra và lớn lên trên quê hương cách mạng, hẳn đây là thuận lợi cho bạn khi đến với bộ môn Lịch sử?

Trần Mai Anh: Được sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Tuyên Quang đã giúp tôi bồi đắp, rèn luyện được lòng yêu nước, trân trọng những công lao đóng góp của cha ông. Hiện, ở Tuyên Quang có tới gần 200 di tích lịch sử mà bản thân tôi mới được đến một số địa điểm tiêu biểu. Tôi nghĩ rằng, việc học lịch sử thông qua các điểm tham quan là cách học khá hiệu quả, thú vị. Tôi nghĩ cần thiết phải có những buổi trải nghiệm thực tế để học sinh có cách nhìn nhận đa chiều với lịch sử chứ không chỉ đơn thuần thông qua sách vở.

PV: Để đạt được số điểm cao như vậy, bạn có thể chia sẻ một vài bí quyết?

Trần Mai Anh: Đề thi Lịch sử những năm gần đây gồm có bảy câu, trong đó có hai câu lịch sử thế giới, năm câu lịch sử Việt Nam. Tôi đánh giá các câu hỏi trong đề thi năm nay đều có sự mới mẻ nhằm giúp tăng khả năng tư duy và hiểu sâu vấn đề của học sinh. Khi làm đề thi này, trước hết tôi đã vạch ra dàn ý sơ lược để tóm tắt được ý chính, sau đó khi bắt đầu viết tôi đã triển khai sâu hơn vấn đề. Trong các câu hỏi mà tôi thấy tâm đắc và cũng là câu tôi nghĩ mình làm khá tốt là về chủ trương của Đảng tác động qua ba sự kiện Nhật kéo quân vào Đông Dương (1940), Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), Nhật đầu hàng Đồng minh (15/8/1945).

PV: Bạn có lời khuyên nào cho nhiều bạn trẻ đang cho rằng Sử là môn học khô khan, khó nhớ?

Trần Mai Anh: Là môn học có kiến thức trải dài từ quá khứ đến hiện tại qua rất nhiều thế kỷ nên nhiều người coi đây là môn khô khan, khó học, khó nhớ nhưng tôi cho rằng, đó là bởi các bạn chưa hiểu rõ được bản chất vấn đề cũng như chưa tìm được phương pháp học hiệu quả. Tôi nghĩ để học tốt Lịch sử, trước hết các bạn cần có niềm say mê đối với môn học này, sau đó cần có những phương pháp học mới mẻ, sáng tạo để khiến môn học trở nên thú vị, như: Học qua hình ảnh, qua việc xem các video lịch sử hay tìm kiếm thông tin qua internet. Bạn cũng có thể trao đổi với những người có kinh nghiệm để hiểu sâu hơn về môn học này. Tôi mong các bạn có thể tìm hiểu và quan tâm tới Lịch sử nhiều hơn, bởi đây thật sự là môn học cần thiết giúp có thêm vốn hiểu biết về lịch sử dân tộc, học được nhiều bài học làm hành trang cần thiết cho tương lai.

PV: Cụ thể Lịch sử đã mang lại cho bạn những bài học gì làm hành trang cần thiết cho tương lai?

Trần Mai Anh: Học Lịch sử đã giúp tôi trau dồi lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc và từ những hiểu biết về đóng góp của cha ông trong quá khứ nhắc nhớ tôi phải luôn cố gắng, nỗ lực học tập, rèn luyện với mong muốn đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Hơn nữa, học Lịch sử giúp tôi luôn có sự kiên định, vững vàng trước những âm mưu của các thế lực thù địch đang ngày càng phức tạp, tinh vi. Đồng thời, học Lịch sử giúp tôi có cái nhìn khách quan, công tâm với những sự kiện đang diễn ra trên thế giới. Có thể nói môn học này vừa giúp mỗi người thấu hiểu về quá khứ cũng là để hướng tới tương lai với cái nhìn đa chiều.

PV: Xin cảm ơn Mai Anh về cuộc trò chuyện thú vị này!