Muốn thêm góc nhìn mới
Ngoại trừ Võ Đăng Khoa vừa có tác phẩm đầu tay trong năm 2023, 4 tác giả còn lại đều đã ra mắt một số tựa sách, với sự đổi mới không ngừng về chủ đề và sự tiến bộ trong kỹ thuật viết. Tác phẩm của họ thể hiện những mối quan tâm của giới trẻ đương đại như sự cô đơn, định nghĩa nhân tính, tương lai loài người, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, biến đổi khí hậu…
Trong cuốn sách mới nhất mang tên “Hai người trong một ngăn tủ”, tác giả Phát Dương nghĩ đến một hành tinh nhân tạo, khi con người đã khiến trái đất không còn là nơi có thể dung thân. Với rất nhiều thay đổi của hành tinh nhân tạo, Phát Dương tự hỏi nếu đến lúc cái chết không phải là chấm hết nhờ công nghệ tái tạo gene và lưu trữ ký ức thì những điều chúng ta định nghĩa về con người và nhân tính sẽ bị đặt trước thách thức như thế nào?
Phát Dương cho hay, đây là tác phẩm lạ nhất từ trước đến nay của anh, một người thường khai thác chủ đề hiện thực với góc nhìn khá bi quan, tiêu cực. Một trong những lý do khiến anh chọn yếu tố giả tưởng trong tác phẩm lần này là muốn bạn đọc trẻ tuổi thấy được chính mình trong đó mà không có sự áp đặt hoặc quá giáo điều. “Tập truyện ngắn lần này đặc biệt ở chỗ có những truyện tôi đã viết từ 5 năm trước, bây giờ sửa lại, để ra mắt cùng các truyện mới. Khi làm điều đó, tôi nhận ra rằng, ý tưởng không cũ đi mà quan trọng là cách thể hiện của người viết”, tác giả Phát Dương chia sẻ.
Trọng Khang với “Bể trăng côi” và “Nơi không có tuyết” thì chọn cách kể lại những câu chuyện kinh điển để bày tỏ ý mình. Với “Bể trăng côi”, anh kể về hành trình của hai thầy trò phải đến một nơi giữa thời đại dịch phong tỏa khắp chốn. Song song đó là câu chuyện về thầy trò Đường Tăng. Những kiếp nạn song chiếu, những tỉnh ngộ, những thông điệp đậm tính thiền dần xuất hiện, mở ra nhiều trải nghiệm bất ngờ cho người đọc. Tiếp nối tinh thần đó, “Nơi không có tuyết” là tác phẩm đẹp đẽ được Trọng Khang lấy cảm hứng từ “Hoàng tử bé”, một tác phẩm đã để lại ảnh hưởng to lớn với hàng triệu người trên thế giới. Trọng Khang kể, khi tham gia những chương trình gặp gỡ sinh viên, câu anh được hỏi nhiều nhất là “Làm sao để có thể triển khai một cuốn sách?”. Lúc ấy, Khang hay nói, bí quyết của anh là liên tục nhìn ngắm mọi thứ chung quanh và đặt câu hỏi cho những gì mình nhìn thấy để rút ra được điều gì đó.
Nói về sự cô đơn
Trong khi đó, tác phẩm “Biến thể của cô đơn” của tác giả Yang Phan cho ta thấy được những robot hay chương trình giả lập mang theo ký ức của người thân đã mất. Yang Phan cho rằng, không đợi đến thời hiện đại mà ở giai đoạn nào cũng có những người trẻ cô đơn. Sự cô đơn ở mỗi thế hệ sẽ có điểm khác biệt. Điều quan trọng nhất là tác giả phải nhìn ra được sự khác biệt đó và khai thác theo cách riêng. “Thời đại hiện nay mọi thứ diễn ra quá nhanh, hầu như mọi người bị thu hút bởi những cái bên ngoài nên còn quá ít thời gian cho bản thân. Khi chúng ta gặp tổn thương về tâm lý và khúc mắc trong cuộc sống thì lại đi tìm kiếm những thứ bên ngoài thay vì nhìn lại bên trong. Lúc viết ra cuốn truyện, tôi nghĩ đây là hành trình đi vào bên trong chính mình”, nam tác giả cho hay.
Còn trong “Dị bản”, Đinh Khoa tạo ra hai tuyến nhân vật, một bên là trí tuệ nhân tạo, một bên là con người để nhân vật tự tìm đáp án cho câu hỏi “Tôi là ai?”. Với cuốn sách lần này, Đinh Khoa đưa ra thắc mắc rằng, trước bao vấn đề trong xã hội, những mặt tối của con người, liệu dùng công nghệ để cải tạo nên một giống người “hoàn hảo, yêu môi trường” có phải là lựa chọn tốt hơn? “Việc người trẻ cảm thấy cô đơn, căng thẳng, áp lực và gặp những vấn đề về tâm lý vẫn luôn xảy ra. Có trưởng thành, tổn thương, đau đớn nhưng khi viết tôi đều muốn gửi gắm vào sách các thông điệp tích cực và luôn có cách để mỗi nhân vật tự giải quyết vấn đề của cuộc đời mình”, tác giả Đinh Khoa bộc bạch.