Biến hoa tươi thành hoa “bất tử”

Với tình yêu hoa cỏ và bàn tay khéo léo, cô gái Nguyễn Thị Thanh Lân đã hô biến hoa tươi thành hoa khô độc đáo có độ bền lên đến 10 năm, tạo nên thương hiệu hoa tươi “bất tử” Cố đô. Đây không chỉ là hướng đi mới trong nghề cắm hoa mà còn là cơ hội để người trẻ thỏa sức sáng tạo.
0:00 / 0:00
0:00
Chị Thanh Lân bên các tác phẩm hoa.
Chị Thanh Lân bên các tác phẩm hoa.

Vốn kinh doanh hoa tươi, hằng ngày chứng kiến nhiều loại hoa không bán kịp bị héo úa phải vứt bỏ khiến chị Lân tiếc nuối, nảy ra ý định tìm cách tăng tuổi thọ cho hoa. Cuối năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát, giãn cách xã hội kéo dài. Tranh thủ thời gian này, chị Lân lên mạng tìm tòi, nghiên cứu cách làm hoa khô từ hoa tươi. Giữa năm 2022, chị quyết định “tầm sư học đạo”, khăn gói lên đường tìm đến các cơ sở sản xuất hoa khô nổi tiếng ở Thanh Hóa, Hà Nội, Đà Lạt để học nghề. Sau khi có được chút kiến thức, cuối năm 2022, chị về lại quê nhà, bắt đầu hành trình kết duyên cùng hoa khô.

Để hô biến hoa tươi thành hoa khô, chị Lân sử dụng phương pháp ướp cát với nguyên liệu ướp được nhập từ Thailand. Thời gian đầu, chị làm với số lượng ít, vừa làm vừa quan sát, ghi chép, chắt lọc kinh nghiệm. Dần dần thành thạo, mới thực hiện với nhiều loại hoa, lá khác nhau. “Việc ướp cát biến hoa tươi thành hoa khô tưởng chừng đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. Bởi mỗi loại hoa, lá có những đặc tính riêng nên thời gian ướp khác nhau, lượng cát sử dụng khác nhau và quy trình ướp cũng khác biệt. Người làm phải thật sự tỉ mẩn, quan sát kỹ càng và canh chuẩn thời gian để giữ được mầu sắc tươi mới, nguyên vẹn của hoa lá”, chị Lân nói.

Để có những bình hoa bắt mắt phù hợp làm lưu niệm hoặc làm quà tặng, chị phải nhập khẩu nhiều loại hoa, lá từ nước ngoài. Dù vậy, chị Lân vẫn ưu ái sử dụng những loài hoa bản địa như sen, súng, hoa dại để tăng tính tự nhiên, độc đáo cho những bình hoa.

Những bông hoa, chiếc lá sau khi được ướp cát, làm khô sẽ được chị Lân và thợ tuyển chọn, lên ý tưởng rồi cắm vào lọ. Công việc này đòi hỏi tính kiên nhẫn, tỉ mỉ và óc sáng tạo, thẩm mỹ của người thợ. Trung bình, để cắm xong một bình hoa cỡ nhỏ, chị Lân mất khoảng ba giờ để hoàn thành, bình cỡ lớn thì tốn cả ngày hoặc hơn. Với quy trình ướp hoa từ tươi thành khô chuyên nghiệp, bài bản cùng những yêu cầu khắt khe, sản phẩm hoa “bất tử” của chị Lân có mầu sắc tươi sáng, hương thơm dịu nhẹ, độ bền kéo dài lên đến 10 năm và đặc biệt an toàn, không sử dụng hóa chất. Để tạo hương hiệu và mong muốn lan tỏa vẻ đẹp Huế đi xa, chị đặt tên cho cơ sở sản xuất của mình là hoa tươi “bất tử” Cố đô. “Sở dĩ, tôi lựa chọn cái tên Cố đô để đặt cho xưởng hoa của mình vì tôi là một người con của Huế, tôi muốn bạn bè, khách hàng khắp nơi mỗi khi cầm trên tay ngắm nghía một sản phẩm hoa sẽ càng nâng niu, trân trọng món quà nhỏ của vùng đất Cố đô Huế hơn”, chị Lân cho biết.

Sau thời gian dài xây dựng thương hiệu và lan tỏa, sản phẩm hoa tươi “bất tử” của chị Lân đã và đang được khách hàng nhiều tỉnh, thành như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Nghệ An biết đến và ưa chuộng. Nhiều khách hàng đã đặt mua sản phẩm của chị để làm quà tặng trong những dịp đặc biệt như khai trương, sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới.

Với những thành công ban đầu, chị Lân cũng sẵn sàng chia sẻ cách làm hoa khô, mở ra hướng đi mới đầy sáng tạo trong nghề cắm hoa cho những người cùng đam mê. Bên cạnh đó, chị còn tạo công ăn việc làm cho 6 chị em tại địa phương. Gắn bó với cơ sở sản xuất hoa tươi từ những ngày đầu, chị Văn Thị Phận (huyện Phong Điền) hiện có mức thu nhập ổn định từ công việc làm hoa khô. Không chỉ được chị Lân hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm làm hoa khô, chị Phận còn tìm thấy niềm vui, niềm đam mê với hoa lá và tình yêu thiên nhiên qua mỗi ngày làm việc.

Thời gian tới, chị Lân dự định mở rộng cơ sở sản xuất, đặt mua các loại hoa sen, hoa súng do nông dân địa phương trồng để tăng tính độc đáo cho những bình hoa. Đồng thời, tăng cường quảng bá sản phẩm, đăng ký thương hiệu cho sản phẩm hoa tươi “bất tử” Cố đô và đẩy mạnh sản xuất, tạo thêm công ăn việc làm, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương.