Giá trị sau mỗi tấm ảnh
“Thú vui nhiếp ảnh này đã nhiễm vào máu của tôi rồi. Rừng núi Sơn Trà luôn hấp dẫn bởi nơi đây còn nguyên vẹn từng vạt rừng, những con suối. Không khí rất trong sạch, chúng ta còn mê thì voọc thích sống ở đây là quá đúng”, NAG Lê Văn Lộc khẳng định. Trong khi các NAG ngồi đợi “mẫu ảnh” xuất hiện, từng kỹ năng sử dụng máy ảnh, cách xác định giới tính hay những tư thế đẹp của voọc lại được mang ra chia sẻ. Trong nhóm, vài thành viên vốn là chuyên gia đếm, nghiên cứu chuyên sâu về loài voọc trở thành người hướng dẫn cho các thành viên mới.
Những ngày cuối tuần, số lượng NAG lên núi nhiều hơn. Họ chia thành từng nhóm, đặt máy ảnh sẵn sàng đón voọc. Từ núi cao nhìn xuống thành phố biển, bóng dáng nhanh nhẹn, bộ lông mượt của voọc hòa với sắc vàng của hoa lim xẹt càng tăng thêm vẻ đẹp cho toàn thành phố.
Voọc chà vá chân nâu (tên khoa học là Pygathrix nemaeus) thuộc họ Khỉ cựu thế giới. Ngoài ra, chúng còn có những tên gọi khác như voọc ngũ sắc, khỉ chú lính, giấu đầu hở đuôi... Đây là loài đặc hữu của vùng Đông Dương, chủ yếu phân bố ở Việt Nam, Lào và một phần nhỏ ở đông bắc Campuchia. Tại Việt Nam, bán đảo Sơn Trà được xem là nơi có quần thể lớn, dễ quan sát nhất trên thế giới với số lượng khoảng 1.300 cá thể voọc.
Khi đặt chân đến bán đảo Sơn Trà, các NAG đều hiểu voọc chà vá chân nâu được xếp hạng Cực kỳ nguy cấp (CR) trong Sách đỏ thế giới IUCN. Đồng thời, chúng có tên trong danh sách bị cấm buôn bán toàn cầu của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Với vẻ ngoài xinh đẹp, mầu sắc nổi bật nhất trong các loài linh trưởng, voọc chà vá chân nâu dễ dàng thu hút mọi ánh nhìn ngay từ lần gặp đầu tiên. Tuy nhiên, để tìm và chụp được những tấm ảnh đẹp, độc đáo về chúng là điều không đơn giản.
Từ năm 2018, trên nền tảng mạng xã hội Facebook, nhóm Sơn Trà Mãi Xanh (SFG) được NAG Dương Đức Khánh thành lập. Đến nay, nhóm đã kết nối khoảng 1.500 thành viên yêu mến voọc chà vá chân nâu. Mỗi ngày trôi qua, từng khoảnh khắc về voọc luôn được các thành viên chia sẻ, thảo luận cùng nhau. Chụp ảnh voọc chà vá chân nâu là sở thích chung nhưng giá trị ẩn chứa phía sau là ý thức cùng chung tay gìn giữ một bán đảo Sơn Trà xanh mát, yên bình.
Hiểu để yêu và giữ
Nhiều NAG nói vui rằng, tốc độ màn trập máy ảnh có thể nhanh nhưng chưa chắc nhanh bằng tốc độ voọc chuyền cành. Cầm trên tay chiếc ống nhòm, NAG Phạm Tài Minh quan sát những cành cây lim xẹt, cây sung có voọc thường lui tới. Anh cho biết, voọc chà vá chân nâu thích ăn nhiều loại cây lá ở bán đảo Sơn Trà. “Anh em chụp ảnh đã tạo ra một chiếc thang dây bắt ngang qua con đường bê-tông bên dưới. Lối đi trên dây đó giúp voọc di chuyển an toàn. Đó cũng là nơi cho ra nhiều tấm ảnh thú vị khi voọc mẹ cõng voọc con qua cầu hay cả gia đình chúng lần lượt đi qua”, anh Minh chia sẻ.
Như một cái duyên, những ai tìm đến bộ môn nhiếp ảnh “tốn thời gian” này đều hiểu, muốn chinh phục được vẻ đẹp của voọc chà vá chân nâu thì cần hiểu rõ về chúng. Ở bán đảo Sơn Trà có khoảng 150 loài cây là thức ăn của voọc, nổi bật là quả sung, lá đa, lá chò non… Trời càng về chiều, số lượng voọc chà vá chân nâu đi kiếm ăn tăng cao. Đó là thời điểm “vàng” để NAG săn ảnh. Vốn là loài vật nhạy cảm, mỗi bước chân, động tác của con người đều bị voọc nhận ra. Sáng tác nghệ thuật dựa trên nền tảng thiên nhiên nên mỗi cú bấm máy, từng NAG đều dành sự tôn trọng không gian riêng của voọc.
“Ngày nào tôi không thể sắp xếp lên xem voọc chà vá chân nâu thì y rằng hôm đó trong lòng rất khó chịu. Đôi khi chỉ mang theo cái bánh lót dạ, chai nước nhưng ngồi phơi nắng cả ngày cũng được. Nhiều khi, tôi chỉ chụp được một tấm nhưng rất ưng ý, phấn khởi cực kỳ. Chúng ta cùng trân trọng giá trị thiên nhiên thì sau này con cháu mình mới được thừa hưởng những giá trị tốt đẹp”, NAG Lê Văn Lộc nói.