Thúc đẩy xu hướng “du lịch chậm”

Từng hành trình khám phá chậm rãi, thảnh thơi trong sự lắng đọng của vùng đất Cố đô xưa được nhóm Journeys in Hue (JiH) sắp xếp vào các chương trình tham quan để du khách lựa chọn. Dựa vào nếp sinh hoạt, lối sống của con người và cảnh vật, phong cách “du lịch chậm” ở Huế được JiH tạo ra được khá nhiều du khách yêu thích và đang trên đà phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Những chuyến du lịch theo chuyên đề "Travel to learn" được nhiều du khách yêu thích.
Những chuyến du lịch theo chuyên đề "Travel to learn" được nhiều du khách yêu thích.

Đi chậm cảm nhận sâu

Ba năm qua, nhóm JiH với sáu thành viên gồm Đoàn Công Quốc Tuấn (trưởng nhóm, SN 1992), Trần Trí Quân (SN 1995), Phạm Thị Quỳnh Thi, Trần Quang Thành, Lê Đức Hoàng (cùng SN 2000) và Nguyễn Quang Huy (SN 2001) ngày ngày cần mẫn góp nhặt từng câu chuyện, nhân vật lịch sử để xây dựng các tour du lịch thật khác biệt.

Là người tìm hiểu, xác minh thông tin những câu chuyện, nhân vật về lịch sử và di sản văn hóa của Huế cho JiH, Quang Huy góp phần không nhỏ vào sự thành công của cả nhóm. Bản thân thích được kết giao với người am hiểu văn hóa, lịch sử, được lăn xả trong những chuyến đi tìm về những lăng mộ cổ, Quỳnh Thi đã bén duyên với JiH. Chàng trai trẻ Quang Thành đến từ Gia Lai lại khác, xuất phát từ sự trân trọng nét kiểu cách, tế nhị của người xưa ở Huế đã thúc đẩy Quang Thành quyết định gắn bó với vùng đất này. Hay đôi bạn Trí Quân và Đức Hoàng sau khi tìm hiểu những câu chuyện ẩn chứa đằng sau những mảng tường rêu phong của vùng đất Cố đô lại thêm gắn kết và mong muốn được kể lại với du khách một cách chi tiết hơn.

Anh Đoàn Công Quốc Tuấn cho biết: “Từ thực tế khách du lịch đến với Huế chỉ lưu trú trong thời gian ngắn nên nhóm muốn gợi mở thêm không gian hơn cho khách tham quan. JiH tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm ngay trong mỗi chuyến đi cùng khách, tăng sự tương tác bằng nhiều giác quan đến tất cả thành viên trong đoàn”.

Phát huy những điểm mạnh của Huế từ vẻ đẹp thiên nhiên, ẩm thực đến nét uy nghiêm chốn cung đình, nhóm JiH đặt mục tiêu tái hiện những khung cảnh thời xưa ở Huế. Những chiếc áo Nhật Bình, áo dài ngũ thân, hình ảnh rồng, phượng trên mái nhà ngày trước, một gian bếp nơi nấu ra món ăn đậm chất Huế… từng câu chuyện ẩn sau mỗi chi tiết cũ đều được các thành viên JiH truyền tải đến khách tham quan. “Hành trình du lịch “chậm” và “sâu” chú trọng vào cảm xúc, tạo những trải nghiệm trọn vẹn nhất cho khách. Đó chính là giá trị sâu mà JiH hướng đến”, anh Quốc Tuấn bày tỏ.

Phát huy thế mạnh vùng đất Cố đô

Một số thành viên trong nhóm JiH như Đức Hoàng, Quỳnh Thi, Quốc Tuấn sinh ra và lớn lên ở đây vì vậy JiH là cầu nối để những người trẻ xứ Huế lan tỏa, giới thiệu nét văn hóa quê hương đến khách thập phương. Những chủ đề như “Người Huế có sống khép kín?”, “Người Huế có gia trưởng?”, “Bánh Pháp lam được làm thế nào”… dần được nhóm JiH làm rõ bằng nét tinh tế, sáng tạo qua góc nhìn của người trẻ.

Ba năm từ ngày thành lập, hơn 100 chuyến đi của JiH cùng du khách len lỏi khắp xứ thơ. Từng lăng tẩm, ngôi mộ cổ, đình làng đều có bước chân của sáu bạn trẻ. Đặc biệt, từ năm 2021 đến nay, nhóm JiH đã dành nhiều thời gian đồng hành cùng mệ Trí Huệ (101 tuổi), người may gối trái dựa trong cung ngày xưa. Trong căn nhà của mệ Trí Huệ, từng chiếc gối trái dựa dần hoàn thiện mang theo câu chuyện văn hóa, lịch sử cung đình đến khách du lịch gần xa.

Hiện tại, JiH bắt đầu tổ chức những chuyến đi “Travel to learn” định kỳ đi sâu khám phá về Huế qua từng thời kỳ. Lần đầu tham gia “Travel to learn”, bạn Thanh Thảo (Đại học Đà Nẵng) cho biết: “Thay vì chỉ dừng lại chụp vài tấm ảnh để check-in thì việc được khám phá ý nghĩa từng câu chuyện phía sau mỗi di tích, công trình kiến trúc mang lại cho tôi thêm nhiều kiến thức bổ ích và khó quên hơn”.

Theo Ths Quản Bá Chính, giảng viên Trường đại học Du lịch Huế, “du lịch chậm” là xu hướng du lịch khá phổ biến tại nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam chúng ta có nhiều tiềm năng và lợi thế do các yếu tố lịch sử, văn hóa tạo nên để có thể phát triển loại hình này. Phát triển loại hình “du lịch chậm” sẽ đem lại cho du khách những trải nghiệm khó quên, tiết kiệm về tiền bạc và thời gian, giúp phát triển kho tàng kiến thức bản thân và sống có trách nhiệm hơn với giá trị di sản cũng như cộng đồng. “Với cương vị là một giảng viên giảng dạy về Văn hóa du lịch, tôi rất vui khi thấy các bạn sinh viên trẻ của trường yêu thích và bắt đầu tham gia vào quá trình nghiên cứu, phát triển du lịch trong mảng lịch sử, văn hóa trên địa bàn Huế”, Ths Chính chia sẻ.