Thừa

NDO - Lại vẫn là cô nhân viên vi tính: - Mọi người hôm qua có đọc báo không? Cái vụ măng chua ngâm tẩm hóa chất tẩy rửa, bảo quản ấy? Em đưa tờ báo cho lão chồng em. Ðọc xong, lão khiếp, tuyên bố từ nay cạch, không ăn món bún măng, món khoái khẩu của lão ấy nữa.

Ðề tài của cô nhân viên vi tính được mọi người trong phòng nhiệt tình hưởng ứng. Bà phó phòng nhanh miệng đế lời cô nhân viên vi tính:

- Thảo nào cứ lấy làm lạ, măng mọc có mùa, vậy mà quanh năm suốt tháng lúc nào cũng có măng tươi.

Tôi hướng về phía cô nhân vên vi tính:

- Bún măng là món hơi bị tiềm ẩn nguy cơ... Măng thì có chất bảo quản, tẩy rửa. Bún cũng cần chất tẩy cho trắng, chất bảo quản để chống chua.

- Nói cho mà biết - cô nhân viên vi tính dài giọng - nguy cơ tiềm ẩn thì chẳng có thứ gì thoát. Nếu không tiềm ẩn từ nguồn đất, môi trường sống, nguồn nước, phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn tăng trọng... đến khi thành sản phẩm thì lại dính thuốc tẩy rửa, hóa chất bảo quản, chất nhuộm mầu công nghiệp... Nói thật, kiểu này chỉ có cách... nhịn.

Tôi nửa đùa, nửa thật:

- Nhịn gì cũng chẳng được nữa là nhịn ăn. Thôi, nhịn ăn không được thì chịu khó nghe theo lời khuyên thế này: Chỉ mua những thực phẩm biết rõ nguồn gốc, địa chỉ nơi sản xuất. Ðặc biệt, tìm những địa chỉ tin cậy, hàng phải có bao bì ghi rõ ngày sản xuất, hạn dùng và nhất thiết phải có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn của các cơ quan y tế.

Cô nhân viên vi tính bĩu môi:

- Khuyên thế cũng bằng thừa. Chợ, một trời rau, thịt, củ, quả... anh ra đấy mà tìm địa chỉ, nguồn gốc nơi nuôi, nơi trồng, nơi giết mổ? Bây giờ tìm địa chỉ có uy tín cũng hơi bị khó. Quầy bán thức ăn chín nào ở chợ chẳng có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Thế mà cơ quan y tế kiểm tra tay của ba bà thì có tới hai bà trên tay có khuẩn côly. Siêu thị lớn là nơi có uy tín chứ gì nữa? Thì đấy, nho, táo mua ở đấy, về nhà để quên mấy tháng không chịu thối. Uy tín nhỉ?

Nói xong, cô nhân viên vi tính bĩu môi rất dài hướng về phía tôi. Tôi cười hết cỡ:

- Lời khuyên anh vừa nói là của những người có uy tín phát biểu trên các phương tiện thông tin đại chúng đấy.

Tôi lại nhận được cái nhếch mép đầy hàm ý của cô nhân viên vi tính. Ông trưởng phòng bây giờ mới tham gia câu chuyện:

- Khuyên như thế là thừa, thật đấy. Làm được như lời khuyên đánh đố ấy cũng chưa chắc an toàn. Cái chính là cơ quan chức năng phải vào cuộc một cách quyết liệt, có hiệu quả.

Tôi nhỏ giọng:

- Các cơ quan chức năng thì vẫn trong cuộc. Có điều, người, phương tiện có hạn... Ðấy, ngay như trong tháng vệ sinh an toàn thực phẩm...

Ông trưởng phòng ngắt lời tôi, giọng hơi cao:

- Tháng vệ sinh an toàn thực phẩm... Tốt thôi, nhưng vẫn là làm theo phong trào. Mà đừng có lấy lý do thiếu người, thiếu phương tiện. Thiếu người thì tuyển, thiếu phương tiện thì sắm. Người thiếu gì? Phương tiện thì chỉ cần bắt ba cái vụ làm ăn bậy bạ, phạt. Tiền đấy chứ đâu? Ai đời xử cái bọn làm hại sức khỏe, tính mạng người ta mà cứ như đập muỗi, gãi ghẻ thì làm sao ngăn được tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm?

Ngẫm ra, ông trưởng phòng nói có lý.