Thu thuế kinh doanh trên nền tảng số

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký công điện về tăng cường công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, tiết kiệm chi, chủ động điều hành ngân sách nhà nước trong tháng 12 và những tháng đầu năm 2024.
0:00 / 0:00
0:00

Trong đó, Thủ tướng đặc biệt lưu ý rà soát toàn bộ nguồn thu phát sinh, số thuế còn được gia hạn; nắm chắc các đối tượng trên địa bàn, lĩnh vực để có giải pháp quản lý thu phù hợp, hiệu quả các nguồn thu còn nhiều dư địa như kinh doanh trên nền tảng số…

Kinh doanh trên nền tảng số, hay thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến… từ lâu đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Tốc độ tăng trưởng bình quân của thương mại điện tử giai đoạn 2016-2019 là 30%. Trong giai đoạn đại dịch Covid-19, trong khi hầu hết các ngành nghề kinh tế bị ảnh hưởng trầm trọng, thì thương mại điện tử lại được hưởng lợi đáng kể. Chỉ tính riêng chương trình ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam 2020 đã ghi nhận trên 113 triệu lượt xem, thị trường ghi nhận 3,7 triệu đơn hàng giao dịch trong 60 giờ.

Nhưng bên cạnh sự bùng nổ của thương mại điện tử trong một thời gian ngắn, chúng ta cũng chợt nhận ra đây cũng là mảnh đất còn quá nhiều “dư địa” đối với thất thu thuế. Chỉ tính riêng Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay có khoảng 36% doanh nghiệp xây dựng website, cho phép người tiêu dùng đặt hàng và thanh toán trực tuyến. Việc thu thuế thì gặp quá nhiều khó khăn, trở ngại. Các cá nhân, tổ chức kinh doanh không có địa chỉ kinh doanh cố định. Người kinh doanh qua mạng xã hội, sàn giao dịch điện tử chưa tự giác đăng ký kinh doanh, kê khai nộp thuế…

Có thời gian người người, nhà nhà rủ nhau đi bán hàng online (trực tuyến). Người đi trước bày cho người đi sau, chỉ việc lấy hàng từ nguồn về rồi bán trên mạng xã hội. Hóa đơn bán hàng lúc có lúc không, xuất xứ nguồn gốc cũng tùy thuộc vào may rủi, uy tín người bán hàng và đặc biệt là nghĩa vụ thuế gần như rất ít người có hình dung rõ ràng. Thương mại điện tử giống như một phiên chợ khổng lồ, đầy mầu sắc nhưng mạnh ai nấy làm, thiếu sự quản lý chặt chẽ và đồng bộ.

Nguy cơ thất thu thuế, đồng thời đi kèm nguy cơ gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh đối với thương mại điện tử. Vấn đề ai cũng có thể nhìn ra nhưng hầu như không đơn thuần có thể giải quyết chỉ nhờ vào sức người. Chỉ riêng việc phối hợp với các ngân hàng thương mại, từ đó xác minh thông tin các tổ chức, cá nhân có giao dịch trên các nền tảng như: Google, Facebook, TikTok… đã là một khối lượng công việc khổng lồ.

Xét cho cùng, dù khó đến mấy đó cũng là con đường tất yếu, chúng ta phải đi. Nếu truy thu thuế đầy đủ với các hoạt động thương mại điện tử, sẽ mang lại rất nhiều lợi ích nhìn thấy ngay. Ngân sách nhà nước được bổ sung, các hoạt động gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh trong môi trường kinh doanh được giảm mạnh… Có nên chăng cân nhắc thương mại trên nền tảng số, thực chất là một công nghệ. Muốn quản lý chặt chẽ cũng cần quan tâm những công nghệ phù hợp và hiệu quả (như AI hay Bigdata) để quản lý, giám sát chứ không đơn thuần chỉ dựa vào sức người và các biện pháp hành chính thông thường.