Đa dạng hóa nguồn cung ứng điện

Nghị định số 80 (NĐ80) của Chính phủ mới ban hành trong tháng 7 đã quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn. Các dự án điện mặt trời, gió, thủy điện nhỏ, sinh khối có thể mua bán trực tiếp qua đường dây riêng. Đây được đánh giá là một bước tiến lớn nhằm đa dạng hóa nguồn cung ứng điện, xây dựng thị trường điện cạnh tranh.
0:00 / 0:00
0:00
Phát triển điện gió tại tỉnh Ninh Thuận.
Phát triển điện gió tại tỉnh Ninh Thuận.

Bước tiến thị trường hóa ngành điện

Ông Nguyễn Quang Huân, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, NĐ80 là một chủ trương lớn được đón chờ bởi cộng đồng các nhà đầu tư phát triển năng lượng tái tạo cũng như các doanh nghiệp có lượng tiêu thụ điện lớn tại Việt Nam. Khi ra đời, nó giải quyết được nhiều vấn đề cấp bách trên thị trường mua bán điện.

“Thí dụ, chúng ta khuyến khích năng lượng tái tạo phát triển mà không làm tăng áp lực lên lưới điện. Thứ hai, những hộ tiêu thụ điện lớn như nhà máy sản xuất có thể mua điện trực tiếp mà không nhất thiết phải mua từ Tập đoàn Điện lực quốc gia (EVN). Điều này sẽ giúp giảm áp lực thiếu điện mà chúng ta phải nhập khẩu điện. Thứ ba, giảm bớt căng thẳng cho lưới điện khi lúc nào cũng phải tiếp nhận, thay đổi liên tục tần số của điện năng lượng tái tạo. Thứ tư là cho công tác dịch chuyển năng lượng để tiến tới phát thải ròng bằng 0. Quan trọng nữa, tạo ra thị trường mua bán điện cạnh tranh. Điều này, chúng ta đang hướng tới để giảm sự độc quyền của một số nhà phân phối như hiện nay”, ông Huân nói.

NĐ80 cũng được coi là một bước tiến quan trọng trong việc thị trường hóa ngành điện. Theo đó, đối tượng tham gia mua bán điện gồm bên bán là đơn vị phát điện năng lượng tái tạo hay đơn vị bán lẻ điện. Còn bên mua là khách hàng sử dụng điện lớn với sản lượng tiêu thụ từ 200 nghìn kWh/tháng trở lên. Hình thức mua bán điện trực tiếp thông qua đường dây của lưới điện quốc gia, điện gió và điện mặt trời. Còn mua bán điện thông qua đường dây riêng gồm điện gió, điện mặt trời mái nhà, thủy điện nhỏ, điện sinh khối, điện nhiệt, sóng biển hay là thủy triều, hải lưu.

Theo NĐ80, việc xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp tuân thủ ba quan điểm. Đó là phù hợp với chủ trương, chính sách của Việt Nam về khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Thứ hai, tuân thủ quy định tại Luật Điện lực và các văn bản chỉ đạo có liên quan. Thứ ba, bảo đảm đầy đủ cơ sở để các cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan triển khai thi hành.

Cần những hướng dẫn cụ thể hơn

Cũng theo NĐ80, việc mua bán điện trực tiếp thông qua hai hình thức. Một là các bên mua bán điện thông qua đường dây của lưới điện quốc gia và hai là tổ chức, cá nhân tự đầu tư đường dây riêng để mua điện trực tiếp từ nhà máy năng lượng tái tạo. Khảo sát cuối năm ngoái của Bộ Công thương cho thấy, 20 doanh nghiệp lớn mong muốn mua điện trực tiếp với tổng nhu cầu gần 1.000 MW. Cùng với đó, có 24 dự án năng lượng tái tạo với công suất 1.773 MW muốn bán điện tái tạo. Việc cho phép doanh nghiệp được mua bán điện năng lượng tái tạo trực tiếp cũng là cách giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia. Ông Nguyễn Quang Huân, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng: “Bản chất là chúng ta phải tạo ra được thị trường tự do, nhưng phải có sự điều tiết của nhà nước”.

Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu nêu quan điểm: “NĐ80 là bước khởi đầu để có thể ban hành ra cơ chế mua bán điện trực tiếp, đây là điều mà các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp châu Âu của chúng tôi quan tâm rất là lâu và trông đợi vào quá trình triển khai. Tuy nhiên, trong thời gian tới, chúng tôi cũng hy vọng Bộ Công thương sẽ có những hướng dẫn cụ thể hơn về cách tính giá và tính phí và đặc biệt là quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan ở trong hợp đồng mua bán điện trực tiếp. Đặc biệt là những hợp đồng mua qua lưới điện quốc gia.

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN: “Tập đoàn sẽ có trách nhiệm phối hợp Bộ Công thương xây dựng giá truyền tải, giá phân phối, các phí dịch vụ và cơ chế liên quan đến Luật Giá cũng như NĐ80. Chúng tôi cũng sẽ tích cực phối hợp Cục Điều tiết Điện lực để sớm ban hành các cơ chế liên quan đến hệ thống điện quốc gia thì được đưa vào vận hành ngay!”.