Thời khắc khó khăn

Thảm họa động đất kinh hoàng, những bất đồng nội khối cũng như các nguy cơ khủng bố,… thế giới đã và đang trải qua những thời khắc vô cùng khó khăn, đòi hỏi thống thiết tinh thần đoàn kết cùng những bàn tay tương trợ.
0:00 / 0:00
0:00
Công tác cứu hộ nạn nhân thảm họa động đất đang được tiến hành khẩn trương.
Công tác cứu hộ nạn nhân thảm họa động đất đang được tiến hành khẩn trương.

1. Lực lượng tìm kiếm, cứu nạn chật vật để cứu những người mắc kẹt dưới đống đổ nát, khi tổng số người thiệt mạng do động đất kinh hoàng tại hai nước Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã vượt con số 11.000 người (tính đến hết ngày 8/2 (giờ Việt Nam), theo Reuters), và điều kiện thời tiết khắc nghiệt gây khó khăn cho hoạt động cứu trợ tại các vùng bị ảnh hưởng. Theo tờ The New York Times, năng lượng giải phóng ra từ trận động đất tương đương 32 quả bom nguyên tử đã thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản cách đây gần 80 năm.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định khoảng 23 triệu người, trong đó có 1,4 triệu trẻ em, tại hai nước có thể chịu ảnh hưởng của trận động đất. Cơ sở hạ tầng dân sự và khả năng cả cơ sở y tế đều bị thiệt hại. WHO đang gửi hàng cứu trợ khẩn cấp, trong đó có các bộ dụng cụ phẫu thuật, đồng thời kích hoạt mạng lưới đội ngũ y tế khẩn cấp nhằm hỗ trợ khu vực xảy ra động đất. WHO cảnh báo nhu cầu viện trợ nhân đạo đang ở mức độ cao nhất tại Syria, sau gần 12 năm nước này rơi vào khủng hoảng kéo dài và phức tạp. Syria vốn cũng đang chật vật với cuộc khủng hoảng nhân đạo nhiều năm nay do xung đột và dịch tả bùng phát.

2. Ủy ban châu Âu (European Commission) thông báo với các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) rằng việc EU rút khỏi một hiệp ước năng lượng quốc tế gây tranh cãi dường như là "không thể tránh khỏi", trong bối cảnh một số nước thành viên đã thực hiện điều này.

Hiệp ước Hiến chương Năng lượng được ký kết vào năm 1994, với sự tham gia của EU và khoảng 50 quốc gia. Hiệp ước này được đề ra để bảo vệ các công ty trong ngành năng lượng, bằng cách cho phép các công ty khởi kiện chính phủ về các chính sách ảnh hưởng đến đầu tư của công ty. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hiệp ước này đã được sử dụng để phản đối các chính sách của chính phủ yêu cầu các nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch phải đóng cửa - điều có thể gây trở ngại cho nỗ lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Pháp, Đức, Hà Lan, Ba Lan và Tây Ban Nha đã tuyên bố kế hoạch rút khỏi hiệp ước, sau khi Italy rút vào năm 2016. Theo EC, việc đàm phán lại hiệp ước là không khả thi. Tuy nhiên, EU sẽ cần sự ủng hộ của ít nhất 15 nước thành viên và Nghị viện châu Âu mới có thể hoàn toàn rút khỏi hiệp ước này.

3. Đại sứ quán Mỹ tại Thụy Điển cảnh báo các công dân Mỹ ở đất nước Bắc Âu này, về các cuộc tấn công trả đũa có thể xảy ra sau vụ một chính trị gia Thụy Điển đốt bản sao cuốn kinh Koran trong một cuộc biểu tình ở Stockholm vào tháng trước, nhằm phản đối việc Thổ Nhĩ Kỳ từ chối nỗ lực gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Thụy Điển. Bộ Ngoại giao Thụy Điển cũng đã đưa ra khuyến cáo công dân Thụy Điển ở Thổ Nhĩ Kỳ tránh tụ tập đông người và biểu tình.

Ankara cũng đã triệu đại sứ chín nước phương Tây, để phản đối việc các nước phương Tây tạm thời đóng cửa các lãnh sự quán tại nước này và đưa ra các khuyến cáo an ninh trong tuần qua. Thổ Nhĩ Kỳ đã ban bố cảnh báo du lịch đối với Mỹ và châu Âu để đáp trả những động thái đó. Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định không tìm thấy bằng chứng về bất cứ nguy cơ an ninh nào đối với người nước ngoài.

Thời khắc khó khăn ảnh 1
EU hạn chế tình trạng nhập cư bất hợp pháp vào khối.

4. Theo Cơ quan Bảo vệ biên giới châu Âu, số vụ vượt biên vào EU đã lên tới 330.000 vụ vào năm ngoái, con số cao nhất kể từ năm 2016. Dự kiến tại Hội nghị cấp cao EU ngày 9-10/2 tại Brussels (Bỉ), Thủ tướng Italy Georgia Meloni sẽ kêu gọi các nhà lãnh đạo 27 quốc gia EU đưa ra một cam kết "khả thi hơn" và dựa trên các nguồn lực tài chính để thực thi tất cả các biện pháp, từ kiểm soát biên giới đến chống buôn người, với các quốc gia nằm dọc các tuyến đường di cư.

Rome cũng tìm kiếm một "Hiệp ước cho châu Phi" mới để hỗ trợ đầu tư, giáo dục, đào tạo, kinh doanh và việc làm tại châu lục nghèo nhất thế giới này. Chính phủ Italy đề xuất tạo ra "các hành lang nhân đạo" để đưa người vào EU một cách an toàn và hợp pháp.