Thiết kế logo trên nền văn hóa

Đơn thuần là sản phẩm thiết kế cho đồ án tốt nghiệp, thậm chí chỉ là đồ án môn học nhưng “Nhà hàng Công chúa Y”, “Mai Music Studio” đã mang lại dấu ấn cho hai sinh viên trẻ Lê Tuấn Phú (Trường đại học Văn Lang, TP Hồ Chí Minh) và Huỳnh Thanh Mai (Trường đại học Duy Tân, Đà Nẵng). Không chỉ được nhà trường đánh giá cao, hai chiếc logo độc đáo đã mang về các giải thưởng quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Logo “Nhà hàng Công chúa Y” của sinh viên Lê Tuấn Phú.
Logo “Nhà hàng Công chúa Y” của sinh viên Lê Tuấn Phú.

Sáng tạo thú vị

Lấy cảm hứng từ bối cảnh vàng son của thời Nguyễn cuối thế kỷ 19 tại kinh thành Huế, logo “Nhà hàng Công chúa Y” do Tuấn Phú thiết kế tạo sức hút với những chi tiết vừa hoài cổ vừa hiện đại. Logo tạo điểm nhấn bằng hình ảnh công chúa Y trong trang phục truyền thống của cung đình Huế ngày xưa trên nền biểu tượng đài các đậm chất Á Đông.

Theo chuyên gia thương hiệu Nguyễn Trọng Thái, “Nhà hàng Công chúa Y” là một thí dụ về sự chắt lọc từ nguồn dữ liệu đồ sộ về văn hóa, ẩm thực cung đình triều Nguyễn mà không phải bạn trẻ nào cũng đủ tinh tế để làm thật tốt. Người ta dễ dàng nhận ra trong logo “Nhà hàng Công chúa Y” những dấu ấn đặc trưng nhất, gợi liên tưởng đến đời sống cung đình Huế qua các họa tiết, đường nét của áo Nhật Bình, khung viền phù điêu trong cung đình và cả bố cục đối xứng không thể khác để tạo ấn tượng trải nghiệm thưởng thức bữa ăn cao cấp cho thực khách. Cách sắp xếp hợp lý từ đường nét đến mầu sắc của chiếc logo đem tới cho người xem một cảm giác vừa sang trọng vừa có chút bí ẩn.

Trong khi đó, “Mai Music Studio” của Thanh Mai ghi điểm vì biết cách thể hiện rõ tính đương đại trong phong cách hoài cổ. Mai cho biết, đã sử dụng các hình ảnh tượng trưng cho cảm xúc nội tâm được biểu hiện trên đĩa vinyl, như con mắt tượng trưng cho sự khám phá, đôi cánh thể hiện cho ước mơ còn mặt trời, đám mây, mặt trăng tạo nên không gian âm nhạc đầy cảm xúc. “Các nốt nhạc, ngôi sao đang xoay quanh chiếc đĩa vinyl tạo nên một vũ trụ âm nhạc trước mắt người nhìn. Logo được sử dụng các lớp phân chia, phối hợp đường nét và mầu sắc một cách hợp lý trên nền tông trầm tạo hiệu ứng chiều sâu với nhiều lớp làm cho người xem không bị rối mắt”, Mai cho biết thêm.

Chuyên gia thiết kế thương hiệu Mai Nguyễn (Red Onion, Hà Nội) cho rằng, điểm thu hút lớn nhất của “Mai Music Studio” nằm ở cách kết hợp khéo léo và đẹp mắt các họa tiết quen thuộc, để tạo ra một không gian đa chiều của vũ trụ cảm xúc trong một bố cục hình tròn hoàn chỉnh. Biểu tượng đạt được một trong những tiêu chí quan trọng nhất của một thiết kế logo đó là sáng tạo và độc đáo.

Sản phẩm từ lớp học trực tuyến

Là đồ án môn học nhưng “Mai Music Studio” đã xuất sắc giành được hai giải thưởng quốc tế uy tín là giải vàng “Graphis New Talent Annual 2022” của tạp chí Graphis (Mỹ). Logo “Nhà hàng Công chúa Y” cũng giành được giải khuyến khích trong cùng hạng mục. Ngoài ra, “Mai Music Studio” còn giúp Mai đoạt được giải khuyến khích tại International Design Awards - IDA 21. Đây là giải thưởng nhằm công nhận, tôn vinh và quảng bá những người có tầm nhìn thiết kế và khám phá những tài năng mới nổi trong lĩnh vực Đồ họa, Kiến trúc, Nội thất, Sản phẩm và Thiết kế thời trang.

Nhiều người thích thú khi biết rằng, hai chiếc logo sáng tạo này là sản phẩm từ quá trình học tập, thực hành trực tuyến. Ông Nguyễn Tri Phương Đông, giảng viên hướng dẫn trực tuyến cho hai tác giả cho biết, chính sự chủ động, bố trí thời gian hợp lý và cá tính nghệ thuật đã giúp các sinh viên này hoàn thành tốt sản phẩm của mình dù cách xa người hướng dẫn nửa vòng trái đất. Bên cạnh việc đi đi về về giữa Mỹ và Việt Nam để giảng dạy tại một số trường đại học, từ năm 2018 đến nay, nhà thiết kế Phương Đông tổ chức khá nhiều chương trình dạy trực tuyến cho các sinh viên. Rất nhiều đồ án, sản phẩm thực tế đã ra đời sau các buổi học, trao đổi và góp ý trực tuyến theo phương thức 1:1.

Nhà thiết kế Phương Đông cho biết, những giải thưởng mà Phú và Mai mang về từ đấu trường quốc tế phần nào cho thấy, việc học trực tuyến, từ một khía cạnh nào đó, đã tỏ ra hiệu quả nếu biết hiệu chỉnh phương pháp, lấy thực chất và hiệu quả làm đầu. Theo ông Đông, khoảng cách địa lý và phương thức học trực tuyến không khiến người học lơ là, mà ngược lại, các bạn còn đầu tư nhiều hơn để nâng cao chất lượng trong từng sản phẩm. Khi quỹ thời gian giới hạn, người học sẽ nghiêm túc hơn, chuyên nghiệp hơn để tận dụng tối đa việc trao đổi, góp ý của giảng viên.