GS, TS Đỗ Nguyên Phương và văn hóa y đức

Tự nhiên, tôi nghĩ đến thầy - GS, TS Đỗ Nguyên Phương, nguyên Bộ trưởng Y tế, người gắn với văn hóa y đức. Trong đời tôi, tình cờ nhưng may mắn, tôi được gặp thầy, được thầy dạy và đặc biệt, tôi được thầy nói về Y đức từ khi thầy chưa làm chức vụ quan trọng nhất ngành y.
Tấm gương đạo đức của thầy Phương được nhiều thế hệ y, bác sĩ học tập và noi theo. Ảnh: BẮC SƠN
Tấm gương đạo đức của thầy Phương được nhiều thế hệ y, bác sĩ học tập và noi theo. Ảnh: BẮC SƠN

1/Thầy dạy tôi môn Triết học ở Học viện Nguyễn Ái Quốc năm 1990 (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Mùa hè năm 1990 là mùa thi cuối cùng của chúng tôi ở Học viện. Tôi may mắn được dự thi ở Hội đồng thi do thầy làm chủ tịch. Đề bài dự thi quốc gia của tôi là: Quan hệ giữa lý luận và thực tiễn. Thi vấn đáp. Thầy xem bài chuẩn bị của tôi xong và cười nói: Bài tốt. Hội đồng nhất trí với ý kiến của thầy cho tôi 9 điểm. Tôi rất vui vì đó là điểm cao rồi. Nhưng tôi rất ấn tượng khi đối thoại, thầy hỏi tôi về một vấn đề rộng hơn: Hồng và Chuyên. Rồi thầy nói thêm: Hồng và Chuyên trong ngành y tế chính là một bác sĩ giỏi nhưng phải có đạo đức của một thầy thuốc.

Giữa mùa hè năm ấy, chúng tôi đi thực tế Thanh Hóa. Thầy Phương được tỉnh mời về thăm nhân dịp thầy đi chỉ đạo chương trình đất nước đổi mới ở Thanh Hóa. Lúc về Hà Nội, không nhớ duyên cớ nào tôi lại được ngồi cùng xe với thầy và cô giáo chủ nhiệm khóa tôi. Trên xe suốt từ Thanh Hóa về Hà Nội, thầy nói rất nhiều về y đức, mà trong xe chỉ có thầy nguyên là bác sĩ. Tôi thoáng nghĩ trong đầu: Nếu thầy làm Bộ trưởng Y tế thì tuyệt vời.

Năm 1995, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, được tin thầy dạy tôi môn Triết trúng cử Ban Chấp hành Trung ương và làm Bộ trưởng Y tế, một số bạn bè tôi nói: ông ấy dạy Triết học, tại sao lại làm bộ trưởng một bộ chuyên ngành sâu về y học. Người khác bất ngờ nhưng chúng tôi thì không bất ngờ chút nào vì khi ở Trường đại học Y Hà Nội, thầy đã là TS Y học. Chỉ mấy tháng sau khi thầy làm Bộ trưởng, 12 điều Y đức trong ngành y tế đã được thông qua. Đó là sự kiện lớn của ngành y năm 1996. Y đức đơn giản nhưng quan trọng vô cùng với nhân cách người thầy thuốc. Y đức là tư cách đạo đức người thầy thuốc.

2/TS Trần Ngọc Tăng, nguyên Phó Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, là lớp trưởng lớp B42, K16 ở Học viện Nguyễn Ái Quốc năm 1989, kể: Hồi tôi mới về nhập học, anh Ngô Xuân Thắng, học viên khóa tôi bị cấp cứu ở Bệnh viện E. Thầy đến thăm ngay. Thầy xem bệnh xong, nói: Chuyển bệnh nhân ngay về Bạch Mai. Để tôi gọi lái xe của tôi đưa anh ấy đi. Thầy Phương còn gọi điện cho bác sĩ giỏi của Bạch Mai có trách nhiệm với anh Thắng. Lần ấy, may mắn anh Thắng được cứu sống.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Triệu, nguyên Bộ trưởng Y tế, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, kể: Thầy Phương còn là người con hiếu thảo của gia đình. Khi cụ ông thân sinh ốm nặng, thầy đã đến Bệnh viện Việt - Xô chăm sóc cụ như bao người bình thường. Một cái giường gấp để sẵn. Hết giờ làm việc, thầy vào viện nằm giường gấp bên cạnh cụ để chăm sóc cụ qua nhiều đêm thức trắng. Suốt bốn tháng trời: sáng đến văn phòng bộ làm nhiệm vụ của Bộ trưởng, tối vào bệnh viện, ngủ trên giường xếp, chăm bố. Trong Bệnh viện Việt - Xô, lúc đó không ai biết, đêm đêm có ông bộ trưởng đến ngủ chăm bố mình như mọi người.

3/Theo một số nguồn tư liệu, bà Võ Thị Hồng Nga, phu nhân của bác sĩ Đỗ Nguyên Phương kể: Năm 2008, khi ông mất, trong số rất nhiều đoàn khách và cá nhân đến viếng có cả những bệnh nhân của ông, những anh công nhân, những chị lao công, những người lao động từng quen biết và trò chuyện với ông cũng đến chia buồn. Bà vô cùng trân trọng mọi người đã đến viếng ông bởi đó là tấm lòng và sự yêu quý mà những người lao động dành cho ông - một cựu Bộ trưởng quan tâm đến những người khó khăn trong xã hội.

Cũng từ những bài viết còn cho biết, nhiều năm sau khi ông đã mất, mỗi dịp bà Hồng Nga ra viếng mộ ông vào ngày 20/11 hay ngày 27/2, bà vẫn thấy trên mộ ông luôn có rất nhiều hoa của học trò, của những đồng nghiệp cũ, những cán bộ dưới quyền ông một thời. Đó là những điều khiến bà và hai người con trai của ông bà luôn thấy cảm động tự hào về người chồng, người cha đức độ, nhân ái của mình.

12 điều y đức mà GS, TS, Bộ trưởng Y tế 1996 đưa ra, đã làm theo lời Bác Hồ dặn: Lương y phải như từ mẫu. Ngẫm lại bây giờ, trải qua hơn hai năm đại dịch Covid-19, rồi những vụ việc xảy ra làm mọi người ngỡ ngàng, nhưng nếu đọc kỹ lại 12 điều y đức mà thầy Phương đưa ra, thì vẫn thấy còn nguyên giá trị.