Thêm phương án nhà trọ cho người nghèo

“Lăn lộn nhiều năm trong ngành xây dựng, tôi cũng từng phải đi tìm nhà thuê nên rất hiểu nỗi khổ của những người nghèo, sinh viên khi tìm chỗ ở. Điều đó thôi thúc chúng tôi quyết tâm đi theo con đường hiện tại”, đó là những chia sẻ của anh Lê Văn Hòa (38 tuổi), Tổng Giám đốc Công ty cổ phần ĐT và TMDV Việt Phát (Vifaho), đơn vị thực hiện mô hình sửa sang lại nhiều biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang ở một số khu đô thị tại Hà Nội để cho sinh viên, người lao động nghèo thuê với giá ưu đãi.
0:00 / 0:00
0:00
Cải tạo các biệt thự thành nhà thuê giá ưu đãi.
Cải tạo các biệt thự thành nhà thuê giá ưu đãi.

Nghịch lý của những biệt thự triệu USD

Bên cạnh những khu đô thị có tỷ lệ lấp đầy lớn, cơ sở hạ tầng và dịch vụ phát triển đầy đủ và hiện đại, thì Hà Nội vẫn còn không ít những khu biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang, xuống cấp vì không ai mua hoặc không có người ở. Cho tới nay, số lượng căn biệt thự bỏ hoang đã lên tới hàng nghìn căn, gây lãng phí tài nguyên đất và mất mỹ quan đô thị.

Có một thực tế là, các khu đô thị này nằm gần nhiều trường đại học, khu công nghiệp. Tại đây, nhu cầu nhà ở của sinh viên và công nhân là rất lớn trong khi nguồn cung thì lại không đủ. Nắm bắt thực tế này, những biệt thự, nhà liền kề chưa hoàn thiện nhanh chóng được các chủ nhà “linh hoạt” biến thành khu nhà trọ giá rẻ cho người lao động nghèo. Nhưng với điều kiện nghèo nàn, an ninh kém tại các biệt thự bỏ hoang này, chỉ có đối tượng thợ xây, công nhân, những người lao động, bán hàng rong từ ngoại tỉnh chọn tới ở.

Tại các khu đô thị của huyện Hoài Đức như Vân Canh, Nam An Khánh hay Lideco, người ta có thể bắt gặp không ít căn biệt thự, nhà liền kề mới xây xong phần thô, nhưng được quây rào, gia cố tạm bợ thành nơi ở cho công nhân, thợ xây… “Chỗ chúng tôi ở chỉ như chỗ tránh mưa, tránh nắng và nghỉ ngơi sau ngày làm việc mệt nhọc. Hệ thống điện phải mắc ở ngoài vào, nước cũng phải bơm từ nơi khác hoặc xách nước trữ trong nhà. Công trình phụ không có và hầu như phải cải tạo thêm. Ở đây, nhóm thợ xây chúng tôi khoảng 5-6 người cùng làm một chỗ, chủ thuê họ trả tiền thuê nhà đâu đó khoảng 3 triệu đồng/tháng chưa kể điện nước. Mặc dù điều kiện sinh hoạt cũng khó khăn nhưng phải chấp nhận thôi. Bởi thu nhập của chúng tôi chỉ khoảng 7-8 triệu đồng/tháng. Trừ đi tiền ăn, thuốc men, chúng tôi không dám bỏ ra số tiền bằng nửa tháng thu nhập cho việc thuê nhà”, anh Đặng Thế Ngữ (41 tuổi), thợ xây quê ở Hưng Yên, trọ tại một căn biệt thự cho thuê ở khu đô thị Nam An Khánh chia sẻ.

Tận dụng nhà hoang hiệu quả và nhân văn

Coi những khu biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang là nguồn khai thác tiềm năng, Vifaho đang góp phần không nhỏ hỗ trợ những người lao động nghèo, sinh viên. Bắt đầu thực hiện mô hình này từ tháng 10/2019, hiện tại công ty đã sửa sang làm mới hơn 80 căn, tương đương khoảng 1.000 phòng ở khu Vân Canh, hơn 200 phòng ở khu Lideco. “Giá thuê của chúng tôi chắc chắn rẻ hơn ở ngoài, phòng rẻ nhất hiện tại là 1,3 triệu đồng, cao nhất là phòng to rộng ở được bốn-năm người giá 3 triệu đồng. Mặc dù giá thuê rẻ và hướng tới đối tượng thu nhập thấp, nhưng chúng tôi đều có sự chọn lọc khách thuê. Các đối tượng có tiền án tiền sự hoặc thiếu văn hóa, liên quan tệ nạn xã hội đều không được thuê”, anh Hòa cho hay.

Các biệt thự thường được cải tạo thành 10-15 phòng, khoảng hai-ba phòng mỗi tầng với vệ sinh khép kín. Đa số đều có khu ban-công để phơi quần áo hoặc nấu nướng. Trong phòng cũng được lắp điều hòa, thậm chí có cả tủ quần áo, bàn và ghế nhựa. Các chi phí khác cũng được thu với giá phải chăng, như tiền điện ở mức 3.000 đồng một số, nước 90 nghìn đồng/người mỗi tháng, tiền internet 100 nghìn đồng, tiền vệ sinh 40 nghìn đồng/tháng. Mỗi căn nhà đều có sân làm chỗ để xe với camera giám sát bảo đảm an toàn. Thời gian đầu, công ty còn hạn hẹp về vốn nên việc sửa sang lại theo cách làm tiết kiệm nhất có thể. Thí dụ, như nhà không trát tường mà sơn trực tiếp một phần dưới, phần trên dùng giấy dán. Gạch để lát sàn dùng gạch lỗi. Cầu thang trát bằng xi-măng, lắp thanh vịn bằng sắt thép. Tuy nhiên, theo anh Hòa, từ một năm nay phía Vifaho đã sửa kỹ lưỡng, từ đường điện, đường nước, cho tới công trình phụ, cầu thang, trát tường và sơn hoàn chỉnh, với chi phí khoảng 300-400 triệu đồng/căn.

“Nhờ cán bộ trong trường giới thiệu, tôi đã tìm đến Công ty Vifaho để thuê nhà cho cháu, hiện là sinh viên năm thứ nhất Trường cao đẳng FPT. Tôi khá bất ngờ và quyết định nộp tiền thuê cả năm ngay vì điều kiện vật chất trong phòng rất mới, an ninh bảo đảm và cách trường chỉ khoảng 1km nhưng giá lại rẻ hơn”, ông Phạm Tuấn Đạt (45 tuổi), phụ huynh sinh viên Phạm Ngọc Sơn, chia sẻ.

Trong thời gian dịch bệnh, Vifaho cũng đồng hành với người lao động và sinh viên bằng cách giảm tiền nhà, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho những người bị mắc kẹt lại vì dịch. Công ty còn xây thêm những cửa hàng tiện ích, mở rộng sang lĩnh vực cho thuê văn phòng, nhà xưởng trong các khu đô thị. Chỉ mới hai, ba năm trước, bộ mặt khu đô thị từng hoang vắng, tiêu điều thì nay có sức sống hơn với cộng đồng người lao động, sinh viên ngoại tỉnh định cư.