Năm học mới 2022-2023

Thêm giáo viên để đáp ứng yêu cầu nhân lực

Mới đây, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quyết định số 72-QĐ/T.Ư về biên chế các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị ở T.Ư và các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc T.Ư giai đoạn 2022-2026. Theo đó, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ năm 2022 đến 2026, riêng năm học 2022-2023 tạm giao 27.850 biên chế giáo viên cho các địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Giờ thực hành hóa học của học sinh Trường THCS Thống Nhất (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: BẮC SƠN
Giờ thực hành hóa học của học sinh Trường THCS Thống Nhất (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: BẮC SƠN

Ưu tiên tuyển dụng giáo viên các môn học mới

Để triển khai thực hiện tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông theo Quyết định số 72-QĐ/T.Ư, ngày 2/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố triển khai việc tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị UBND các tỉnh, thành phố triển khai tổ chức tuyển dụng 27.850 biên chế giáo viên cấp mầm non và phổ thông bổ sung cho các tỉnh, thành phố năm học 2022-2023. Số lượng biên chế bổ sung cụ thể của từng cấp học được Bộ quy định cụ thể.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ, ưu tiên tuyển dụng giáo viên các môn học mới để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và ưu tiên tuyển dụng giáo viên mầm non cho các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Các địa phương cần tập trung các giải pháp để bảo đảm nguồn tuyển dụng biên chế giáo viên như thông tin rộng rãi về biên chế tuyển dụng, làm việc với các cơ sở đào tạo để có nguồn tuyển dụng, trao đổi với các địa phương khác để phối hợp tuyển dụng theo các môn học đáp ứng yêu cầu...

Về lâu dài, các địa phương cần có lộ trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành giáo dục để bảo đảm có nguồn tuyển dụng cho lộ trình cấp bổ sung biên chế đến năm 2026; đồng thời, tiếp tục chỉ đạo rà soát, xác định cụ thể số lượng, cơ cấu giáo viên còn thiếu của địa phương theo từng cấp học, môn học đến năm 2026 báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ để bổ sung biên chế giáo viên trong tổng số biên chế giáo viên bổ sung đến năm 2026 theo Quyết định số 72-QĐ/T.Ư nhằm bảo đảm lộ trình và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/T.Ư, Nghị quyết số 19-NQ/T.Ư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Theo đó, chỉ đạo sắp xếp, dồn dịch các điểm trường một cách hợp lý, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, bảo đảm tính hiệu quả và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường; xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích các cá nhân và doanh nghiệp thành lập các cơ sở giáo dục ngoài công lập, tham gia xã hội hóa giáo dục để giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước và đồng bộ các giải pháp khác.

Thêm giáo viên để đáp ứng yêu cầu nhân lực ảnh 1

Khối tiểu học được ưu tiên tuyển bổ sung nhiều giáo viên. Ảnh: AN NHƯ

Tuyển dụng theo đúng số lượng phân bổ

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) nhìn nhận: “Đây là thông tin rất vui, thể hiện sự quan tâm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với ngành giáo dục. Đây là sự động viên rất lớn trước thềm năm học mới 2022-2023, tạo động lực cho các cấp quản lý, các thầy, cô giáo của ngành”.

Trước đó, xuất phát từ nhu cầu giáo viên, đặc biệt là cấp mầm non và tiểu học do tăng dân số cơ học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung 27.850 biên chế giáo viên cho các địa phương năm 2022, bảo đảm nguyên tắc có học sinh phải có giáo viên đứng lớp.

Số lượng này xuất phát từ thực trạng thiếu giáo viên giảng dạy các cấp học, môn học hiện nay và dự báo trên cơ sở phân tích nhu cầu giáo viên cần có để tiếp tục triển khai Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo lộ trình. Vì vậy, theo đại diện Bộ GD&ĐT, với số lượng gần 66.000 giáo viên được bổ sung giai đoạn 2022-2026; trong đó năm học 2022-2023 được bổ sung 27.850 giáo viên mầm non, phổ thông thì về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực cho ngành giáo dục, trong đó có việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang triển khai xây dựng Chương trình giáo dục mầm non sau năm 2020, việc bổ sung biên chế giáo viên mầm non đã giải quyết dần tình trạng thiếu giáo viên mầm non trong thời gian qua cũng như bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục mầm non, giảm áp lực cho giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Vấn đề được đặt ra hiện nay, với số lượng được bổ sung như trên, các địa phương cần tiếp nhận, điều phối như thế nào để bảo đảm cân đối, hài hòa nguồn lực giáo viên? Trả lời về vấn đề này, ông Vũ Minh Đức cho rằng, các địa phương phải tổ chức triển khai tuyển dụng, bổ sung biên chế theo đúng số lượng đã phân bổ ở từng cấp học theo Quyết định của Bộ Chính trị và bảo đảm chất lượng.

Trường hợp vào năm học mới nhưng chưa tuyển dụng đủ số lượng được giao hoặc chưa hoàn thành công tác tuyển dụng thì phải có các giải pháp tạm thời để bảo đảm có đủ số lượng giáo viên đứng lớp như: ký hợp đồng giáo viên… Đồng thời, phải có các giải pháp để bảo đảm nguồn tuyển dụng như: thông tin rộng rãi về biên chế tuyển dụng, làm việc với các cơ sở đào tạo để có nguồn tuyển dụng, trao đổi với các địa phương lân cận để phối hợp tuyển dụng theo các môn học đáp ứng yêu cầu…

Khó khăn tuyển dụng tại các trường công lập

Năm học mới đang đến gần, tuy nhiên, nhiều địa phương hiện nay vẫn thiếu giáo viên, nhất là ở một số bộ môn như Tin học, tiếng Anh, Nghệ thuật… Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ cho hay, khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, 7, 10 từ năm học 2022-2023, nguồn tuyển rất khó khăn, tỉnh thiếu giáo viên Tin học, tiếng Anh ở tiểu học; cấp THPT thiếu giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật. Trừ ba trường phổ thông liên cấp, còn lại 43/46 trường THPT của tỉnh này chưa có giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật.

Hay tại Sở GD&ĐT tỉnh An Giang còn thiếu 185 giáo viên dạy Tin học lớp 3 cho năm học 2022-2023. Tỉnh này cũng chưa có giáo viên dạy các môn tích hợp là Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Ở cấp THPT, địa phương này chưa có giáo viên môn Âm nhạc, Mỹ thuật, đó là chưa kể đến việc lựa chọn tổ hợp các môn học theo chương trình mới đối với học sinh lớp 10 năm học 2022-2023 còn nhiều bỡ ngỡ.

Thực tế cũng cho thấy, để chuẩn bị cho năm học mới 2022-2023, các phòng GD&ĐT địa phương đang xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên cho bậc mầm non và phổ thông. Tuy nhiên, nhiều địa phương cho biết, sẽ khó lòng tuyển đủ giáo viên tại các trường công lập như mong muốn và câu chuyện thiếu giáo viên chưa thể giải quyết được ngay.

Hằng năm, đầu ra của các trường đại học có đào tạo ngành sư phạm Âm nhạc và Mỹ thuật hiện không nhiều. Bên cạnh đó, việc tuyển dụng giáo viên mầm non cho các trường công lập cũng chưa hết khó khăn. Nguồn đào tạo của các trường thì có nhưng khó thu hút, phần vì nguồn ít, phần vì thu nhập chưa hấp dẫn.

Em Nguyễn Thu Hoài, vào tháng 6 vừa qua tốt nghiệp lớp đại học chính quy, Khoa Giáo dục mầm non, Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2 cho biết, bản thân đã có việc làm trước khi tốt nghiệp ở một trường mầm non tư thục tại TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) với mức lương khởi điểm hơn 10 triệu đồng/tháng. Nếu ra trường mà về một trường công lập nào đó ngay tại TP Vĩnh Yên công tác, phải mất thời gian dài mới có được mức lương cao như vậy.

Còn tại nhiều địa phương, nhất là ở các huyện vùng sâu, vùng xa, việc thu hút sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp đại học chính quy về công tác ngày càng khó. Nguyên nhân đầu tiên là nguồn đào tạo không đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng. Bên cạnh đó, mức thu nhập và điều kiện sống của giáo viên ở trường huyện so với các trường ở thành phố là khá chênh lệch. Điều này dẫn tới sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường chỉ muốn ở lại thành phố, không muốn về địa phương công tác. Thậm chí, ngay ở khu vực thành thị, nhiều trường công lập cũng đang phải cạnh tranh khá gay gắt với các trường tư thục trong tuyển dụng giáo viên, bởi khu vực trường công lập và tư thục có mức chênh lệch thu nhập khá lớn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các địa phương, ngoài việc khẩn trương tuyển dụng giáo viên còn thiếu theo số biên chế được giao, tích cực phối hợp với các cơ sở đào tạo, các địa phương khác để có nguồn tuyển dụng; đồng thời chủ động có kế hoạch để đào tạo giáo viên chuẩn bị cho lộ trình triển khai Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, nhất là các môn học đặc thù.

Bên cạnh đó, các địa phương cần căn cứ vào số lượng giáo viên hiện có, điều kiện thực tế của địa phương để tổ chức dạy học liên trường, ký hợp đồng giáo viên theo Nghị quyết 102 của Chính phủ, hợp đồng thỉnh giảng, sắp xếp số lượng lớp học phù hợp… để bảo đảm chất lượng triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhất là với các môn học đặc thù.