Họa sĩ Công Quốc Hà:

Thấy mình khi đi tìm sự mới mẻ

Họa sĩ Công Quốc Hà ghi dấu ấn với những tác phẩm sơn mài truyền thống. 10 năm qua, theo con gái sang Thụy Điển sinh sống, mới đây, anh trở về Hà Nội tổ chức triển lãm đánh dấu 40 năm đi theo hội họa.
0:00 / 0:00
0:00
“Phố Hà Nội”. Tranh: CÔNG QUỐC HÀ
“Phố Hà Nội”. Tranh: CÔNG QUỐC HÀ
Thấy mình khi đi tìm sự mới mẻ ảnh 1

Phóng viên (PV): Anh có thể chia sẻ lý do triển lãm vừa rồi của mình chọn bày ở không gian một khách sạn?

Họa sĩ Công Quốc Hà (CQH): Tôi có bày 18 bức trong triển lãm “Không gian nghệ thuật Công Quốc Hà” ở 136 phố Hàng Trống (Hà Nội). 18 tranh này là những tác phẩm tôi yêu thích từ 1982 đến nay. Nhưng thú vị hơn là được bày trong khách sạn Apricot Hotel, được xây mới trên nền cũ của khách sạn Phú Gia.

Trở về Hà Nội lần này, tôi thấy sự rõ nét trong việc dành nhiều không gian cộng đồng cho mỹ thuật, đặc biệt các triển lãm nghệ thuật với sự cởi mở về tư duy sáng tạo của nghệ sĩ được tôn trọng. Các lớp nghệ sĩ bậc thầy của tôi đã có nhiều cống hiến cho sự hình thành một “cốt cách mỹ thuật Hà Nội”. Tôi yêu nơi mình sinh ra và được nuôi dưỡng, bởi vậy tôi vẽ về con người và những sinh hoạt của Hà Nội cũng như sự tri ân với quê mình vậy.

PV: Vì sao anh theo đuổi đề tài phố cổ Hà Nội?

CQH: Tôi sinh ra ở Hà Nội, sống rất gần khu phố cổ. Tình yêu phố cổ vì thế bắt đầu từ thơ bé. Sau này, được đến nhiều quốc gia trên thế giới, tôi nhận thấy phố cổ Hà Nội có kiến trúc rất độc đáo. Tuy không đồ sộ nhưng phố cổ Hà Nội mang hơi thở đặc biệt của một nước vùng nhiệt đới. Các ngõ nhỏ, phố nhỏ ấm áp, thơ mộng, những hàng cây, mái ngói... Mỗi con phố thường gắn với những kỷ niệm, để khi đi xa, làm nên nỗi nhớ trong tôi. Tôi đặc biệt yêu những con phố mang chứa trong đó một không gian sống động, giúp người ta cảm nhận được đời sống của con người ở đó...

PV: Bảng màu hội họa của anh cho thấy sự thay đổi khá mạnh mẽ khi sử dụng chất liệu sơn mài Nhật Bản thay vì sơn mài truyền thống? Anh có thể chia sẻ lý do sự chuyển dịch này?

CQH: Quả thật, tôi được nhiều người nhớ tới với nhiều tác phẩm sơn mài truyền thống. Và vẽ sơn mài truyền thống vẫn là một niềm thích thú của tôi. Tuy nhiên, cá nhân tôi không coi chất liệu đóng vai trò quyết định cho tác phẩm. Tôi vẽ sơn mài Nhật Bản từ khi nó xuất hiện ở Việt Nam và thấy rất nhiều điều phù hợp với sáng tạo của mình. Nhất là khi sang định cư ở Thụy Điển, điều kiện không cho phép mình duy trì liên tục niềm đam mê này nên tôi cũng đã dùng nhiều chất liệu sơn mài Nhật Bản.

Trên hành trình tìm kiếm sự mới mẻ cho mình, tôi đã tìm thấy chính mình. Khi va chạm thường xuyên, liên tục với hội họa thế giới, tôi nhận ra một điều, chúng ta đôi khi khá nệ cổ. Tôi cho rằng, mỗi chất liệu đều có ưu điểm, vấn đề là người họa sĩ có thích hay không. Thích rồi thì có biết khai thác đúng và trúng cho mỗi bức tranh, mỗi thời đoạn sáng tác hay không mà thôi. Mỗi chất liệu đều có một thế mạnh riêng và mình cũng nên tận dụng nó để thể hiện cảm xúc của mình: ở sơn mài, nếu họa sĩ có cách nhìn có tính ước lệ cao thì sẽ mang đến vẻ đẹp hiện đại; ở sơn dầu, điểm mạnh của nó là tả thật; còn acrylic thì ghi lại được những cảm xúc sáng tạo một cách nhanh chóng. Chính vì thế, ở thời điểm hiện tại, tôi thường xuyên làm việc cùng lúc trên cả ba chất liệu này.

PV: Được biết anh đang có tác phẩm tham gia Europartfair - Hội chợ Triển lãm Nghệ thuật tại châu Âu. Anh có thể chia sẻ thêm sự kiện này?

CQH: Tôi có nhiều triển lãm cá nhân trên nhiều quốc gia song tôi rất quan tâm tới các triển lãm quốc tế như Europartfair Amsterdam, đây là dịp giao lưu rất tốt với các bạn bè đồng nghiệp quốc tế về nghề.

Năm nay tại Amsterdam (Hà Lan), Europartfair giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật độc đáo của hơn 100 nghệ sĩ đương đại và các gallery chuyên nghiệp của hầu hết các quốc gia EU. Các tác phẩm được sáng tạo với nhiều chất liệu như: đồng, đá, gỗ, thủy tinh, vải, nhựa, sơn dầu, acrylic... Tại triển lãm này tôi giới thiệu với công chúng quốc tế về chất liệu sơn mài Việt Nam. Có thể nói chúng ta có những đóng góp tích cực vào nền nghệ thuật quốc tế ở chất liệu sơn mài.

PV: Xin trân trọng cảm ơn anh!