Phụ nữ đẹp trong “Em và Trịnh”
Họ có trong đời, họ đẹp trong đời, Trịnh Công Sơn đã thấy họ, đã mường tượng, suy tưởng về cái đẹp đó thành thơ nhạc, đem đến cho đông đảo công chúng. Từ âm nhạc, một lần nữa Trịnh Công Sơn đã đến với khán giả từ góc nhìn điện ảnh, chân thực, hiện hữu, giàu cảm xúc, thứ cảm xúc mang tên “cứu cánh - cội nguồn”.
Nhân vật Trịnh Công Sơn trong phim có con mắt xanh nhận ra má hồng thiếu nữ, xong anh cũng bỏ lỡ những nút thắt số phận tạo nên tiếc nuối trong đời. Tìm chọn diễn viên là một thành công của phim. Bên cạnh NSƯT Trần Lực, Avin Lu đóng Trịnh ở hai giai đoạn già, trẻ, sự trở lại của “gừng già” Trọng Trinh, Khánh Huyền đã tạo những nét chấm phá cùng dàn diễn viên trẻ tròn vai. Bùi Lan Hương thể hiện Khánh Ly theo cách của cô, sẽ có nhiều bàn cãi về sự khác biệt giữa nhân vật và nguyên mẫu, nhưng là một vai có đất diễn với nét tính cách rõ rệt, ca sĩ Bùi Lan Hương đã hát nhạc Trịnh thật hay và khá thành công với vai Mai. Michiko, nhân vật có tạo hình điện ảnh ca nhạc, cùng một số phân cảnh cơ bản, hợp lý, không mới nhưng cho thấy tính chất thể loại của phim. Tương tự cảnh Dao Ánh, hai lần đi đến sân ga tình yêu đã khiến ta nhớ lại vài khuôn hình phim ca nhạc kinh điển ở thập niên xưa, tạo sự hài hòa với chất mơ mộng của “em và Trịnh”.
Còn đó sự lúng túng trong cách “kể”, trong sáng tạo nghệ thuật từ nguyên mẫu… Truyện phim khiến khán giả không rõ đâu là nhân vật chính: các cô gái hay nhạc sĩ, hay các bài hát đã thành danh của Trịnh Công Sơn. Song “Em và Trịnh” là một bộ phim nhân văn tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ, vẻ thanh xuân mộng mơ, vẻ mặn mà cuốn hút, vẻ đẹp của bản lĩnh, thông minh… Xem để đồng cảm, tự hào, lắng lại, chi chút yêu thương những người phụ nữ quanh ta, những phụ nữ đã “cho đời chút ơn” như sinh thời, nhạc sĩ đã khẳng định.
“Trịnh Công Sơn”, cách kể mạch lạc
Không bị xé lẻ bởi những hồi ức đan xen với hiện tại, bản phim đã kể cho người xem thời thanh niên của Trịnh Công Sơn, yêu đương, sáng tác, thăng trầm, chứng kiến thời cuộc. Trịnh bị cuốn vào rồi tự bứt ra bằng cái tâm nhân đạo yêu hòa bình, phản đối chiến tranh. Một Trịnh Công Sơn đi từ tình yêu đến tình yêu. Trân trọng những vẻ đẹp mong manh nhất đang có nguy cơ bị hiện thực vùi lấp. Mối tình con với Dao Ánh và mối tình lớn với con người chung quanh anh cứ thế song hành trong 95 phút phim.
Điểm nhấn vẫn là những đại cảnh Đà Lạt trong sương mờ, trong hiu quạnh nhưng vẫn tươi mầu nắng, mầu phượng trong suy tưởng của nhạc sĩ, gắn với mối tình Dao Ánh trong sáng, thanh thoát, tươi tắn như bước chân người thiếu nữ. Mối tình đã nuôi dưỡng cảm xúc của Trịnh, tạo nên trường ca khúc thơ mộng, lãng mạn tuyệt đẹp: “Mưa hồng”, “Nắng thủy tinh”…
Vẫn là những bảng lảng hững hờ, chạm vào thanh âm, chạm vào mầu sắc, chạm vào mùa thu, chạm vào những thứ tinh tế, mà phải lặng, phải sâu mới tìm thấy. Tất cả được cảm nhận từ “Trịnh Công Sơn” trong những trường đoạn phim lãng mạn giàu hình ảnh gợi tả.
Cùng với biến động thời cuộc, là biến động trong tâm hồn chàng trai trẻ nhạy cảm tài hoa. Loạt ca khúc “Da vàng” đã hiện lên trong khúc ngoặt của số phận con người gắn với thăng trầm dân tộc. Ở đó, Trịnh đi từ đau thương mất mát, mất bạn, mất người thân, mất cái bình yên, mất cái quá vãng… đến cái được của sông núi giang tay đan kết người người trong hai từ Dân tộc. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chọn ở lại để gánh vác nỗi đau ngược vào trong, để rộn ràng hy vọng mới, mở ra thời kỳ mới hòa bình, đẹp tươi.
Nhưng… thấy gì từ nhà sản xuất
Ngỡ ngàng, kiên nhẫn, cố kiếm tìm một lý do vì tin rằng sẽ được biết một câu chuyện đã biết với hai cách kể khác nhau. Nhưng đáp lại sự kiên nhẫn, sự trân trọng nguyên mẫu, trân trọng lao động nghệ thuật của êkip, là một tư duy “sáng tạo kép” với hai phiên bản phim giống hệt nhau lên đến trên… 90/100%. Sự ấn định về cái khác biệt của hai bộ phim từ phía nhà sản xuất phô trương khác xa với thực tế. Đó cũng là điều mà khán giả không bằng lòng, thậm chí bức xúc sau khi xem xong hai bộ phim.