Thái Kim Lan - đọng đằm tình quê hương, hồn Việt

Đã đôi lần gặp GS, TS Thái Kim Lan ở một số sự kiện văn hóa, nhưng chỉ đến khi có dịp dự cuộc ra mắt sách “Cõi đi về’’ của bà mới đây tại Hà Nội, mới được nghe thêm nhiều điều từ người phụ nữ gốc Huế - đã lập nghiệp và trưởng thành nơi “đất khách, quê người’’ khoảng 50 năm - giãi bày về những trải nghiệm trong cuộc sống và công việc thường ngày. Ở đó, luôn đọng đằm một tình yêu nhung nhớ với xứ sở cội nguồn…
0:00 / 0:00
0:00
GS, TS Thái Kim Lan.
GS, TS Thái Kim Lan.

1/Tên đầy đủ của bà là Thái Thị Kim Lan. Bà sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống ở Kim Long - một vùng đất trù phú ở bờ bắc sông Hương, một trong những khu vực có nhiều nhà vườn đẹp nhất cố đô Huế - và có bà nội là người dạy lễ nghi cho các cung nữ trong cung nhà Nguyễn thời xa xưa. Bà từng học tại Trường Đồng Khánh, rồi tiếp đó là Trường Quốc học Huế. Bởi được lớn lên giữa những ảnh hưởng lễ giáo của gia đình, trường lớp và môi trường sống, mà nếp sống của bà Thái Kim Lan luôn toát lên vẻ tôn nghiêm mà tao nhã, sang quý mà khiêm nhường.

Năm 1965, Thái Kim Lan sang Đức học theo chương trình đào tạo giáo sư Đức ngữ do Viện Goethe Sài Gòn tuyển chọn và bà đã chọn Triết học Immanuel Kant làm đối tượng nghiên cứu cho luận án tiến sĩ của mình. Đề tài này đã được Hội đồng thẩm định đánh giá cao và đó cũng là yếu tố quyết định để bà được giữ lại làm giảng viên của Đại học Tổng hợp Ludwig Maximilian, Munchen. Thái Kim Lan sinh sống và làm việc tại đây tới năm 2007, đồng thời, bà còn giảng dạy tại TP Hồ Chí Minh và TP Huế từ năm 1994. Bên cạnh công việc dạy học, Thái Kim Lan còn tham gia viết sách, viết báo, sáng tác thơ và dịch một số tác phẩm từ tiếng Đức sang tiếng Việt, hoặc từ tiếng Việt sang tiếng Đức. Bà là tác giả của nhiều tiểu luận về triết học, tôn giáo với nhiều bài ký sự, tùy bút, như “Đốt lò hương ấy”, “Thư gửi con”… Với niềm yêu hồn sắc văn hóa Việt luôn lai láng trong mình, nên dù khi đã trở thành một vị TS, GS triết học, người phụ nữ Á Đông mảnh dẻ này vẫn không bị choáng ngợp và chìm lấp trong lâu đài tri thức phương Tây đồ sộ.

2/Cuộc đời của mỗi người do sự sắp đặt của số phận - từ nơi chôn nhau cắt rốn với những ký ức tuổi thơ, tới nơi lập nghiệp và trưởng thành với những thành bại cùng những buồn vui và ước vọng. Dễ thấy trong “Cõi đi về” là sự chuyển dịch, va đập giữa những miền không gian từ phương Đông tới phương Tây, trong tâm tưởng của tác giả - một phụ nữ mộ điệu và chiêm bái Phật giáo đến độ gần như tuyệt đối. Tuy nhiên, theo tác giả Nguyên Hương từng nhận xét khá chân xác trong một bài viết, rằng “Giọng nói và chữ nghĩa của Thái Kim Lan cho chúng ta biết bà là một người rất Huế, thật Huế ngay giữa trời Tây phồn hoa. Ngắm nhìn cái cách bà đi, đứng, nói năng, gương mặt nương tựa, nhưng đầy tự hào khi nâng niu những vạt áo dài cổ, việc bà làm mỗi khi từ Đức trở về… mới thấy hai tiếng quê hương quả là có sức mạnh níu giữ con người…”.

“Cõi đi về’’ là ấn phẩm tổng hợp các bài viết của Thái Kim Lan trên Tạp chí Tia Sáng trong khoảng 15 năm qua và được Alpha Books và NXB Lao Động ấn hành, nhân kỷ niệm 30 năm “Tia Sáng’’ hòa mình trong giới xuất bản/báo chí đất Việt. Qua đó, “men theo hành trình ấy, độc giả được xuôi theo dòng chảy tâm tình của tác giả để chạm vào những miền không gian quen mà lạ, cảm nhận bản sắc tinh tế của những vùng thổ nhưỡng, chạm vào những nhân chứng lịch sử… Điều thật sự làm nên bản sắc riêng biệt của Thái Kim Lan là giàu tính âm, tạo nên dòng chảy tâm tình, luôn nhỏ nhẹ, bền bỉ và da diết. Lời văn của tác giả thật giản dị, chân thực, có lúc sâu lắng khúc chiết, có lúc thì thầm như hơi thở, đưa ta đến những miền xa hơn nữa…”, như vẳng lên giai điệu tự tình ắp đầy yêu thương cùng quê hương: Ta đã ở đó. Ta đã ở đây. Ta đã không chỉ ở đó và ở đây.

Trong “Cõi đi về”, có một phần được tác giả đề cập sâu sắc, gợi cảm, có lẽ cũng bởi góc nhìn với ưu thế nặng tình quê hương của một phụ nữ gốc Huế - một người mà khi sống xa xứ, vẫn lưu giữ, tái tạo tại chốn ở của gia đình nơi trời Tây vóc dáng những khu nhà vườn thân thương, độc đáo náu nép ven bờ sông Hương, để hằng ngày, lấy nó nuôi dưỡng mình trong đời sống tinh thần.

Có rất nhiều đề tài được tác giả Thái Kim Lan đề cập tới trong “Cõi đi về”, không chỉ đơn thuần là những tản văn, mà còn là nhiều các góc cạnh khác trong cuộc sống - mà trong đó, khá nhiều, với bối cảnh, con người nơi xứ Huế mộng mơ - và một số nhận định, nhận xét về một số nhân vật văn nghệ sĩ nổi tiếng ở Việt Nam, như Trần Văn Khê, Trịnh Công Sơn, Thái Tuấn. “Những đề tài trong cuốn sách này cũng hết sức nhỏ bé, với góc nhìn của một người đi xa quê, rồi trở về và suy tư, ngâm ngợi, đi tìm bản sắc văn hóa giữa ta và các vùng đất khác. Đó thật sự là một quá trình luôn biến đổi. Theo tôi, nếu vấn đề văn hóa được nhìn nhận đầy đủ ở Việt Nam, thì phải đặt ngang bằng với lĩnh vực kinh tế trong phát triển”, GS, TS Thái Kim Lan chia sẻ.