Tạm kết cho một câu chuyện dài

Ngày 13/3, tại California (Mỹ), ba nhà lãnh đạo quốc gia gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã ra một tuyên bố chung, chính thức ra mắt dự án tàu ngầm hạt nhân AUKUS. Như Thủ tướng Anh đánh giá, đây là "quan hệ đối tác quốc phòng đa phương quan trọng nhất trong nhiều thế hệ".
0:00 / 0:00
0:00

Và tất nhiên, bởi vậy, giới quan sát quốc tế vẫn chờ đợi những tác động của nó đến cục diện địa chính trị quốc tế, nhất là ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương (Indo-Pacific), với rất nhiều hoài nghi.

Đã từng là một trong những "điểm nóng" ngoại giao quốc tế, Hiệp ước an ninh ba bên Mỹ-Anh-Australia (AUKUS) tạo nên những phản ứng trái chiều ngay từ khi liên minh này tuyên bố thành lập hồi tháng 9/2021.

Phải đến tận tháng trước, trang The Interpreter thuộc Viện nghiên cứu Lowy (Australia) mới có thể "thở phào" nhận định: "Quan hệ Pháp-Australia đang trở về guồng quay bình thường", sau khi những nỗ lực "làm lành" của Canberra với Paris cuối cùng cũng đạt được các kết quả khả quan tại cuộc tham vấn Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao lần thứ hai giữa hai bên.

Trước đó, Thủ tướng A.Albanese đã "đích thân" công du tới Pháp, và để thể hiện thiện chí, Chính phủ Australia cam kết sẽ trả 830 triệu AUD (580 triệu USD) tiền bồi thường cho Tập đoàn Naval của Pháp, vì đã hủy hợp đồng (trị giá 36,5 tỷ USD cho 12 tàu ngầm) để tiến hành triển khai dự án mới trong khuôn khổ AUKUS (điều khiến Điện Elysee ngày ấy nổi cơn "thịnh nộ", với cả ba nước thành viên AUKUS).

Có lẽ không còn thời điểm nào thích hợp hơn lúc này, để các nhà lãnh đạo AUKUS tuyên bố triển khai dự án tàu ngầm hạt nhân của họ, từ kế hoạch thành thực tế.

Nếu như cách đây 18 tháng, cuộc khủng hoảng ngoại giao xuất phát từ sự ra đời của AUKUS ấy làm rõ hơn những rạn nứt và chia rẽ về lợi ích trong lòng thế giới phương Tây, thì hiện tại, các biến động địa chính trị quốc tế trên quỹ đạo tái định hình trật tự thế giới đã và đang góp phần quan trọng siết lại các mối dây liên hệ từng trở nên lỏng lẻo và lạnh nhạt.

Mọi chuyện đã trở nên dễ dàng hơn, để dự án đầy tham vọng và nhiều giai đoạn-trang bị tàu ngầm hạt nhân cho hải quân Australia, thông qua chuyển giao công nghệ từ Anh và Mỹ-được công khai tương đối cụ thể.

Theo tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo AUKUS, năng lực chế tạo của Anh và Australia sẽ được phát huy tối đa để tạo ra một tàu ngầm lớp mới mang tên SSN-AUKUS, dựa trên thiết kế tàu thế hệ tiếp theo của Anh, được đóng tại Anh và Australia kết hợp với công nghệ tiên tiến của Mỹ.

Anh và Australia mỗi nước cũng có kế hoạch đóng ít nhất tám tàu ngầm trị giá hàng tỷ USD. Những chiếc tàu đầu tiên của Australia dự kiến sẽ hoạt động vào đầu những năm 2040, trong khi Anh còn "dự trù" mở rộng hạm đội tàu ngầm lên 19 chiếc trong tương lai.

Trong khi đó, tờ Financial Times dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết, giai đoạn đầu của dự án, Hải quân Mỹ sẽ triển khai bốn tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia đến Perth (Australia), bắt đầu từ năm 2027, trong khi Anh sẽ gửi một tàu ngầm lớp Astute sau đó vài năm.

Và một điều cực kỳ quan trọng, có giá trị như một chiếc "van" ngăn chặn căng thẳng: Tổng thống Mỹ Joe Biden nêu rõ: Các tàu ngầm trong dự án này gọi là tàu ngầm hạt nhân, nhưng chỉ sử dụng năng lượng hạt nhân chứ không trang bị vũ khí hạt nhân. Vấn đề này sẽ được thực hiện thông qua những trao đổi với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Vấn đề là, chỉ những tuyên bố đó thôi, liệu có làm các cường quốc ở tây Thái Bình Dương không cùng chia sẻ các giá trị phương Tây, như Nga và Trung Quốc, yên lòng?

Cho đến hiện tại, AUKUS vẫn được giới phân tích quốc tế đánh giá là cơ chế phản ánh vai trò lãnh đạo lâu dài mà các nước thành viên AUKUS hướng tới, tại khu vực Indo-Pacific. Như ngày ấy, ông chủ Nhà trắng hiện tại tuyên bố: "Hôm nay, chúng ta đã có một bước đi lịch sử, để làm sâu sắc hơn và chính thức hóa quan hệ hợp tác giữa ba nước, vì chúng ta đều có nhận thức chung về động lực bảo đảm hòa bình và ổn định ở Ấn Độ-Thái Bình Dương trong dài hạn".

Vậy nên, kể cả khi Chuyên gia nghiên cứu tại Hội đồng địa chiến lược (Anh) Patrick Triglavcanin diễn giải một cách giản lược rằng dự án tàu ngầm này chỉ là một thỏa thuận công nghệ chứ không phải một hiệp ước phòng thủ quân sự, thì có lẽ nhiều nhà quan sát vẫn sẽ e ngại về những phản ứng từ bờ tây Thái Bình Dương.