Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Tâm huyết cống hiến xây dựng Thủ đô văn minh, giàu đẹp

Năm nay đã 79 tuổi nhưng PGS, TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội vẫn luôn bận rộn, tràn đầy năng lượng. Bà chia sẻ, còn sức khỏe còn cống hiến, bởi niềm vui trong công việc và tiếp xúc với mọi người tiếp thêm năng lượng tích cực cho bà đam mê cống hiến, sống vui, sống khỏe.
0:00 / 0:00
0:00
PGS, TS Bùi Thị An phát biểu tại Nghị trường Quốc hội khóa XIII.
PGS, TS Bùi Thị An phát biểu tại Nghị trường Quốc hội khóa XIII.

Sinh ra trong một gia đình nhà nho có truyền thống yêu nước ở Vụ Bản (Nam Định), ông nội Bùi Trình Khiêm là nhà giáo, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa 1, từ nhỏ bà Bùi Thị An được rèn giũa đường ăn nết ở, siêng năng học hành, gìn giữ nếp nhà vốn quý chữ như vàng. Noi gương ông học giỏi nhất vùng, cô bé An rất chăm học, năm nào cũng đứng đầu lớp. Năm 1958, từ quê lên Hà Nội học, An đều là học sinh xuất sắc, được bầu làm lớp trưởng, bí thư đoàn. Bạn bè cùng lứa đến giờ vẫn nhắc về nữ sinh tiêu biểu, ba lần được chọn là đại diện học sinh Thủ đô trong những lần Bác Hồ đón nguyên thủ các nước thăm Việt Nam. Vinh dự ấy tiếp thêm động lực, ngày 10/5/1963, An được kết nạp Đảng khi vừa học xong lớp 10.

Ý chí không ngừng cố gắng, tinh thần trách nhiệm cao cùng cá tính thẳng thắn, nếp sống giản dị, trọng chữ, trọng tình ngấm sâu trong huyết quản suốt cuộc đời. Thời chiến gian khổ, phải đi sơ tán, điều kiện muôn vàn khó khăn, nữ sinh viên cần cù phấn đấu học giỏi, lao động giỏi để không thua thầy, kém bạn, không hổ danh là cán bộ lớp, đảng viên trẻ gương mẫu, nhiệt huyết. Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp chuyên ngành hóa lý, An về Phòng Kỹ thuật nhiệt đới (Viện Khoa học tự nhiên) công tác, theo đuổi ước mơ cháy bỏng làm nghiên cứu. Kiến thức sách vở và thực tiễn khác xa nhau, không chỉ học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, nữ cán bộ trẻ cần mẫn tự học trau dồi chuyên môn. Buổi đầu bỡ ngỡ chóng qua, tiếp đó là những năm tháng triền miên trong phòng thí nghiệm, hay lăn lộn đi thực tế ở các xí nghiệp, cầu cảng, đường sá tìm tòi những vật liệu bảo vệ phù hợp điều kiện khí hậu nhiệt đới của Việt Nam, nghiên cứu chế tạo các loại lớp phủ bảo vệ. Thực hiện đề tài nào, công việc gì bà cũng nỗ lực hoàn thành tốt nhất, chẳng nề hà.

Lý tưởng đam mê cống hiến cùng những giây phút thăng hoa, hạnh phúc khi kết quả nghiên cứu thành công đã vượt qua mọi nỗi nhọc nhằn. Từ người cán bộ rồi dần trưởng thành, bà An được bổ nhiệm Viện trưởng Kỹ thuật nhiệt đới. Phương pháp làm việc khoa học, chỉn chu, gương mẫu, phong thái hòa đồng, lối sống trọng danh dự, cả đời giữ chữ liêm của người đứng đầu cùng với cách điều hành đúng quy chế, góp ý chân thành, đúng mực, biết phát huy sức mạnh trí tuệ tập thể, khích lệ cán bộ làm tốt công tác chuyên môn, Viện ngày càng phát triển vững mạnh.

Dự án hợp tác với Pháp về bảo vệ vật liệu từ năm 1994 tạo điều kiện cho nhiều cán bộ có cơ hội vừa nghiên cứu, vừa được cử đi đào tạo tiến sĩ, các đề tài nghiệm thu đạt kết quả tốt, sản phẩm đầu ra bảo đảm chất lượng, đội ngũ cán bộ kế cận giỏi chuyên môn nghiệp vụ, cơ sở vật chất được nâng cấp, chỉnh trang là những dấu ấn nổi bật trong chỉ đạo, điều hành. Chủ trì và tham gia nhiều chương trình, đề tài cấp nhà nước, bà lặng lẽ cống hiến, chẳng màng chuyện báo cáo thành tích, khen thưởng.

Là đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố, rồi đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, bà luôn đau đáu ấp ủ làm thật nhiều điều để tri ân Thủ đô, mảnh đất dù không là nơi sinh ra những đã gắn bó hơn 60 năm. Với bề dày mối quan hệ và kinh nghiệm công tác, từ khi nghỉ hưu, bà năng động tìm nguồn tài trợ từ các quỹ, tổ chức quốc tế để triển khai 20 đề tài, dự án về tài nguyên, môi trường, đặc biệt là vấn đề xử lý môi trường nước các hồ ở Hà Nội với tầm nhìn xa, tính ứng dụng cao và thiết thực cho cộng đồng.

Cuộc sống nhiều người dân đổi thay nhờ các giải pháp hữu hiệu được thực thi như quản lý và bảo vệ môi trường tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai; các xã Phù Đổng, Dương Hà, Cổ Bi, huyện Gia Lâm; tạo nguồn nước tưới an toàn cho các vùng rau màu ngoại thành, xử lý nước sinh hoạt tại một số vùng nội, ngoại thành bằng vật liệu lọc, xây dựng mô hình liên kết khả thi trong sản xuất, tiêu thụ rau an toàn...

Tâm huyết cống hiến xây dựng Thủ đô văn minh, giàu đẹp ảnh 1

Xây dựng mô hình liên kết khả thi trong sản xuất, tiêu thụ rau an toàn là tâm nguyện của bà Bùi Thị An (ngoài cùng, bên trái).

Nhiều vấn đề nóng như tự cháy của các xe cơ giới; phòng ngừa ma túy học đường, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, chăm sóc sức khỏe cộng đồng hậu Covid-19... cũng được bà tích cực hiến kế trên cương vị Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng; Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội; Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội... Nhiều hoạt động ý nghĩa, sáng tạo, hấp dẫn thu hút đông đảo hội viên tham gia, tạo “sân chơi” gắn kết, hỗ trợ chuyên môn, cùng nghiên cứu, triển khai các đề tài đóng góp cho thủ đô, đất nước.

Mọi người biết tiếng bà An là đại biểu dân cử tâm huyết, chính trực, phát biểu hăng hái, khảng khái ngay cả vấn đề được cho là nhạy cảm mà không ít người còn đắn đo cân nhắc khi cất lời. Lúc còn công tác, môi trường tiếp xúc chủ yếu với cán bộ khoa học đơn thuần, từ khi làm đại biểu HĐND thành phố, va đập thực tiễn nhiều hơn, bà càng thấu hiểu, đồng cảm với cuộc sống khó khăn của không ít công nhân, người lao động, nông dân và những mảnh đời không may khốn khó. Thấy mình còn may mắn hơn rất nhiều người, bà tự nhủ gắng sức nhiều hơn nữa, làm tốt nhất bổn phận người đại biểu để giúp đỡ cử tri.

Trở thành ĐBQH khóa XIII, điều bà mãn nguyện là nhiều phát biểu tâm huyết tại nghị trường, chuyển tải tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đông đảo cử tri Thủ đô và cả nước được ghi nhận, tiếp thu. Đi công tác ở một tỉnh, thấy một con đường xuống cấp nhiều năm chưa được quan tâm đầu tư giải quyết vì thiếu vốn, bà rốt ráo gặp lãnh đạo các bộ, ngành liên quan để nắm rõ nút thắt và khẩn trương kiến nghị. Không ít vấn đề gai góc, bức xúc bà không ngần ngại lên tiếng.

Khi Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội vừa được thông qua đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ vì xa rời thực tiễn, bà An cùng một số ĐBQH đã thể hiện bản lĩnh, trách nhiệm cao với cử tri, mạnh dạn đề xuất sửa đổi. Phát biểu tại nghị trường, bà thẳng thắn nhận thiếu sót mình đã bấm nút thông qua do chưa hiểu thấu đáo và khi điều luật được sửa đổi, thấy nhẹ lòng. Cũng với tâm nguyện đặt quyền lợi cử tri lên trên hết, bà An là đại biểu phản ứng mạnh mẽ nhất chủ trương nhập tàu thủy cũ về phá dỡ, bởi trong đó có nhiều vật liệu chứa các nguyên tố độc hại. Nữ ĐBQH tha thiết bộc bạch những lời gan ruột từ đáy lòng, khi đã biết độc hại rồi mà không cấm thì “có tội với dân”. Cuối cùng, kiến nghị thấu tình đạt lý được chấp thuận. Dẫu biết có những phát biểu, chất vấn có thể làm người này, người kia phật ý vì đụng chạm, hay chưa hiểu thấu đáo, nhưng bà chẳng e ngại, bởi thâm tâm hiểu rõ điều mình làm không vì định kiến mà trên tinh thần xây dựng, ích nước, lợi dân.

Quốc hội bàn luận nhiều vấn đề quốc kế dân sinh, bản thân không hiểu biết tất cả các lĩnh vực, để có những phát biểu trọng lượng, thuyết phục, tầm khái quát cao, bà An giành thời gian tìm hiểu, bổ khuyết kiến thức bằng cách đọc kỹ tài liệu, tìm kiếm thông tin qua báo chí và nhiều kênh. Là dân khoa học, bà có cách đọc không tốn nhiều thời gian, kỹ năng nắm bắt, tổng hợp vấn đề nhanh chóng. Nhận được đơn thư kiến nghị của cử tri, bà thận trọng trao đổi, tìm hiểu, thẩm định thông tin từ nhiều nguồn để biết cụ thể căn nguyên, đúng sai, từ đó kiến nghị kịp thời, chính xác, đúng nơi, đúng chỗ và theo đuổi đến cùng.

Với cách làm việc cẩn thận, chu đáo và trách nhiệm cao, tạo dựng uy tín, các cơ quan hữu quan nhanh chóng vào cuộc chung tay giải quyết và ngày càng nhiều người dân từ khắp mọi miền đất nước tìm đến bà An giãi bày và trông cậy. Không ít người mang sẵn trong mình nỗi bức xúc đến gặp, bà khéo léo hạ nhiệt, lắng nghe, chia sẻ để tìm hiểu mấu chốt vướng mắc và một khi đã hứa với cử tri thì không phụ sự tin cậy, trông chờ ở họ. Bà An không nhớ hết bao nhiêu trường hợp đã giúp đỡ nhưng ấn tượng nhất là nhờ kiến nghị kịp thời mà một bà cụ canh cánh nỗi buồn vì chồng mình chưa được công nhận là liệt sĩ do vướng thủ tục, giấy tờ, đang trong cơn thập tử nhất sinh mau chóng bình phục. Để mang lại niềm vui vô bờ đó, bà đôn đáo gọi điện, gặp gỡ lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, Cục Người có công, lãnh đạo, ĐBQH tỉnh Thái Bình, kiên trì đeo bám, đốc thúc sớm giải quyết.

Diện mạo Thủ đô có nhiều đổi thay, đời sống người dân ngày một nâng cao nhưng vẫn còn bộn bề nỗi lo về môi trường, văn hóa, quản trị hành chính... Điều bà luôn trăn trở là làm sao để Thủ đô phát triển vừa cổ kính, lưu dấu được nét văn hóa ngàn năm văn hiến nhưng vẫn mang hơi thở cuộc sống hiện đại. Sau hàng loạt bằng khen, phần thưởng, được vinh danh công dân Thủ đô ưu tú 2022 là nguồn động viên để bà An thêm tâm huyết đóng góp xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp, dẫu đã ở tuổi bát thập.