Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha:

Sự hàm ơn đặc biệt với thế hệ cha anh

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha (ảnh nhỏ) được biết đến là tác giả của nhiều tác phẩm thơ và nhạc được công chúng mến mộ. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông có những chia sẻ tâm huyết về trường ca “Lòng chảo” và hợp xướng “Điện Biên”, hai tác phẩm ông viết để tri ân những chiến sĩ trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
0:00 / 0:00
0:00
Những sáng tác về Điện Biên của nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha là cách để ông tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì đất nước. Ảnh: KHIẾU MINH
Những sáng tác về Điện Biên của nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha là cách để ông tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì đất nước. Ảnh: KHIẾU MINH

Phóng viên (PV): Thưa nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha. Ông đã bắt đầu có ấn tượng về Chiến thắng Điện Biên Phủ như thế nào ạ?

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha: Tôi chỉ thật sự biết đến Chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng thế giới đúng 10 ngày sau kỷ niệm tròn một năm chiến thắng (7/5/1954-7/5/1955). Đấy là ngày chủ nhật đầu tiên, Hải Phòng hưởng không khí hòa bình cùng cả miền bắc. Đó là vì sau hiệp định Genève, Hải Phòng được chọn là “vùng 300 ngày” để cho đồng bào lựa chọn cuộc sống. Ngoài những người ở lại miền bắc, cũng có nhiều người lựa chọn miền nam. Bởi thế, Hải Phòng đón hòa bình chậm hơn cả miền bắc 300 ngày kể từ ngày 20/7/1954, hiệp định Genève về Việt Nam được ký kết.

Cuộc đời thật kỳ lạ. Mới chủ nhật trước, xe lính Pháp còn đi rầm rập qua phố nhà tôi, vậy mà đến chủ nhật này, cờ đỏ sao vàng đã tung bay khắp thành phố cửa biển này. Mẹ dắt tôi lên trung tâm thành phố mua sắm. Trong những thứ mẹ mua có một quyển báo ảnh có tên là “Hình ảnh Việt Nam”. Quyển báo ảnh giới thiệu trọn vẹn các hình ảnh của trận Điện Biên từ lúc mở chiến dịch cho đến ngày ta chiến thắng. Và từ đấy, Điện Biên đã nhập vào tôi như một niềm kiêu hãnh của dân tộc. Ít lâu sau, cậu ruột em mẹ tôi cũng là chiến sĩ Điện Biên được giải ngũ về ở nhà tôi chơi ít lâu trước khi về nhà cậu ở Thái Bình. Cậu dạy tôi hát bài “Chiến thắng Điện Biên” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Tôi mê quá! Còn mê hơn khi loa phóng thanh đầu nhà sáng nào cũng chào bình minh bằng giai điệu hành khúc này qua bản thu âm của dàn nhạc lớn. Điện Biên là âm thanh đánh thức tôi từng ngày.

PV: Khi đó ông vẫn còn là một cậu bé. Có lẽ ấn tượng ấy, cảm xúc ấy đã được ông nuôi dưỡng và chín dần theo năm tháng, để sau này ông viết rất nhiều về Điện Biên?

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha: Có thể nói như vậy! 30 năm sau, khi đã làm nghề văn nghệ, cũng vào dịp kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi đã có bài thơ “Cảm ơn Điện Biên” in báo Văn nghệ. Còn bài hát “Hát về Điện Biên” của nhạc sĩ Nguyễn Thịnh mà tôi làm lời đã được Đài Tiếng nói Việt Nam thu âm và phát trên làn sóng qua giọng hát Lê Dung. 40 năm sau, dịp kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, báo Quân đội nhân dân in bài thơ “Âm thanh đồi A1” của tôi và báo Văn hóa thì in bài tôi viết về đoạn thơ Trần Dần viết về Chiến thắng Điện Biên Phủ trong trường ca “Bài thơ Việt Bắc”. 50 năm sau, dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi biên soạn một tập thơ nhạc gồm 50 bài thơ và 50 bài hát về Điện Biên trong một ấn phẩm của NXB Thanh niên. Cứ thế cảm xúc về Điện Biên cứ chín dần trong tôi qua thời gian. Cũng năm 2004, tôi còn viết kịch bản và lời bình cho phim tài liệu có tên “Ngoạn mục Điện Biên”. Phim cũng đã phát trên VTV.

PV: Có thể thấy được cảm xúc và tâm huyết của ông dành cho mảnh đất lịch sử này. Nhưng dường như phải đến trường ca “Lòng chảo” và hợp xướng “Điện Biên” thì cảm hứng về Điện Biên trong ông mới thật sự thăng hoa nhất. Xin hỏi, ông đã viết hai tác phẩm này trong hoàn cảnh nào?

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha: Một cú thúc mạnh vào tâm hồn tôi khi tôi được bay lên Điện Biên dịp kỷ niệm 55 năm chiến thắng. Tôi đi cùng đoàn nghệ sĩ biểu diễn chương trình ca nhạc “Hoa ban và đại bác” do tôi viết kịch bản. Cả đời người, đúng năm ấy, năm 2009, tôi mới có dịp chìm vào thiên nhiên và những di tích về chiến thắng lẫy lừng này ở chính mảnh đất Điện Biên. Thật xúc động khi vào thắp hương ở nghĩa trang Điện Biên. Bao người đã ngã xuống để đổi lấy hòa bình cho nửa đất nước. Để rồi lại tiếp tục ngã xuống 20 năm nữa để đất nước liền một dải. Cú thúc mạnh ấy đã khiến tôi khi trở về Hà Nội đã phải viết ngay trường ca “Lòng chảo”. Trường ca đã được in trong ấn phẩm “Trường ca ngắn - kịch thơ” của tôi dịp 30/4/2014.

Nhưng có một lối rẽ rất bất ngờ là nhân tiến tới kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2014), Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã thông qua Trường đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội lúc ấy do nhạc sĩ Đức Trịnh làm hiệu trưởng đã đặt hàng một số nhạc sĩ viết nhạc phẩm về Điện Biên nhân dịp kỷ niệm này. Lại thêm một cú thúc mạnh nữa khiến tôi đi đến quyết định viết hợp xướng về Điện Biên.

Để viết hợp xướng này, tôi lấy chương I của trường ca “Lòng chảo” in đậm chất sử thi làm chất liệu chính. Tôi cũng nhanh chóng xác định kế thừa hành khúc bất tử “Chiến thắng Điện Biên” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận trong tư duy âm nhạc. Tôi lấy ngay giai điệu mở đầu hành khúc để khởi ra một đoạn giọng ngâm (Vocalise) cho hợp xướng cũng là để mở đầu. Sau đó là sự xuất hiện của giọng nam trung lĩnh xướng với sự phụ họa của dàn hợp xướng nhằm dựng lên một Điện Biên thiên nhiên sơ khai hoang dã. Đoạn này phải tự viết lời ca không dựa ngay vào trường ca được. Đấy cũng chính là sự vừa đa thanh nhưng vừa khác biệt giữa hợp xướng và trường ca.

PV: Từ một trường ca vạm vỡ và đầy chất thơ đến một hợp xướng hùng tráng, tha thiết, giàu thi ảnh, biểu đạt được tâm thế, vị thế của chiến dịch Điện Biên Phủ. Sự gợi mở và hoàn thiện này hẳn để lại cho ông rất nhiều cảm xúc, nhất là vào những dịp kỷ niệm như thế này?

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha: Hợp xướng viết xong trọn vẹn, tôi như trả được món nợ với các anh hùng, liệt sĩ Điện Biên sau một hoa giáp lục tuần 60 năm. Bản hợp xướng được hội đồng duyệt chấp nhận khiến tôi như muốn bay lên.

Những người lính Điện Biên đã bất tử cùng chiến công vang dội hành tinh của họ. Tôi là người lính, là thế hệ tiếp nối của họ, góp phần kéo dài sự bất tử ấy bằng thơ ca, âm nhạc của mình, đó là điều tôi phải làm. Đấy là sự hàm ơn đặc biệt đối với sự dâng hiến và hy sinh của thế hệ cha anh. Và tôi cảm thấy mình đã được chia sẻ, được đồng điệu, được cổ vũ khi cuối năm 2014 tôi được nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam ở hạng mục thơ cho tập “Trường ca ngắn - kịch thơ”, trong đó có in trường ca “Lòng chảo”; hợp xướng “Điện Biên” thì được trao Giải nhất Giải thưởng hằng năm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Đó đúng là năm kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Để hàm ơn những người lính Điện Biên, suốt 70 năm qua, đã bao tác phẩm văn nghệ từ thơ, văn xuôi, hội họa, âm nhạc, sân khấu, múa, điện ảnh, nhiếp ảnh… làm về Điện Biên đã được thực hiện. Nhưng như vậy vẫn chưa hề đủ. Điện Biên sẽ phải được ca ngợi mãi mãi như một trận đánh vang dội hành tinh mang tầm nhân loại. Tôi nói lại những lời này để giãi bày lòng biết ơn những người lính Điện Biên năm xưa. Năm nay, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, những cảm xúc trong tôi lại sống dậy, bồi hồi. Vẫn nguyên vẹn đó, cảm xúc về Điện Biên của cậu bé xem sách ảnh năm xưa và cảm xúc của người làm thơ, làm nhạc về Điện Biên sau này…

PV: Cảm ơn nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha vì những chia sẻ ý nghĩa này!