Kỷ niệm 50 năm sự kiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (1972-2022)

Sự bất ngờ trên bàn cờ chính trị-quân sự

Mùa xuân 1972, lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước, trên hướng tiến công chiến lược chủ yếu Trị-Thiên, ta đã tiến hành một chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng có quy mô lớn, dài ngày nhất và đã giành được thắng lợi quan trọng. Đòn tiến công chiến lược đó đã gây bất ngờ lớn cho bộ máy điều hành chiến tranh của cả Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Đúng như nhận xét của nhà sử học Gabriel Kolko, "Cộng sản đã gây ra sự bất ngờ tối đa khi ngày 30/3, bốn mươi ngàn quân vượt qua Khu phi quân sự tại Vĩ tuyến 17 vào lúc và nơi ít ngờ nhất"1.

0:00 / 0:00
0:00
Quân Giải phóng tiến vào cứ điểm Đầu Mầu - Quảng Trị trưa ngày 31/3/1972. Ảnh tư liệu
Quân Giải phóng tiến vào cứ điểm Đầu Mầu - Quảng Trị trưa ngày 31/3/1972. Ảnh tư liệu

Cuộc tiến công mùa xuân 1972 của quân và dân Việt Nam nổ ra vào đúng thời điểm ngay sau chuyến thăm Trung Quốc và trước chuyến thăm Liên Xô (trước đây) của Tổng thống Mỹ R.Nixon là đòn bất ngờ về chiến lược, làm đảo lộn mưu đồ về quân sự và ngoại giao của Mỹ cũng như những tính toán trên bàn cờ chính trị của một số nước lớn. Sự bất ngờ đó không chỉ xuất phát từ quyết định mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, mà còn ở cả nghệ thuật chọn thời điểm và chọn hướng tiến công một cách chính xác.

Nhạy bén và linh hoạt

Sau những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của chiến tranh cách mạng ba nước Đông Dương trong hai năm 1970-1971, cục diện chiến tranh đã có những bước thay đổi quan trọng, Quân đội Sài Gòn - "xương sống" của chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" bị sa sút cả về tinh thần và lực lượng. Trên bàn cờ chính trị-quân sự, cả Mỹ và chính quyền Sài Gòn đều bị lâm vào thế lúng túng và bế tắc về chiến lược. Tình hình đó mở ra một tình thế thuận lợi mới cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân Việt Nam. Chúng ta có điều kiện để đẩy mạnh đấu tranh kết hợp ba mũi giáp công: quân sự-chính trị-ngoại giao một cách hiệu quả hơn, tiếp tục phát huy quyền chủ động tiến công giành thắng lợi mới có ý nghĩa chiến lược lớn hơn trong năm 1972. Nhạy bén trước sự biến chuyển nhanh chóng của tình hình và trước những thời cơ mới mở ra, Trung ương Đảng ta nhận thấy trên mặt trận quân sự cần phải có những đòn tiến công mạnh, tiêu diệt lớn để làm chuyển biến cục diện chiến tranh. Tháng 5/1971, Hội nghị Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng xác định: Kịp thời nắm lấy thời cơ lớn, trên cơ sở phương châm đánh lâu dài; đẩy mạnh tiến công quân sự, chính trị, ngoại giao, phát triển thế tiến công chiến lược mới trên toàn chiến trường miền nam và cả chiến trường Đông Dương... giành thắng lợi quyết định trong năm 1972.

Thấu triệt tinh thần đó, Hội nghị Quân ủy Trung ương (ngày 31/5-4/6/1971) chỉ rõ: "Tình hình đang chuyển biến mau lẹ, cần phải kịp thời nắm lấy thời cơ, hành động bất ngờ, giành lấy thắng lợi cao nhất, buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh, rút hết quân Mỹ, đánh cho ngụy quân, ngụy quyền tan rã một bước quan trọng"2.

Vấn đề đặt ra lúc này là xác định hướng tiến công. Quân ủy Trung ương dự kiến tiến hành tiến công chiến lược trong năm 1972 trên các hướng: hướng chủ yếu số một là vùng giáp ranh biên giới miền Đông Nam Bộ, hướng chủ yếu thứ hai là Tây Nguyên và hướng phối hợp quan trọng là miền tây Trị-Thiên. Trên cơ sở đề xuất của Thường trực Quân ủy, tháng 8/1971, Bộ Chính trị ra Nghị quyết mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên các hướng: miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Trị-Thiên, trong đó xác định rõ: miền Đông Nam Bộ là hướng chủ yếu. Sở dĩ chọn chiến trường miền Đông Nam Bộ làm hướng tiến công chủ yếu vì đánh trúng vào đây sẽ tạo ra một sự tác động mạnh, làm rung chuyển cơ quan đầu não của địch tại Sài Gòn.

Kể từ sau khi có nghị quyết của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương về mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972, các cơ quan chỉ đạo chiến lược tiếp tục theo dõi, bám sát mọi diễn biến trên chiến trường. Sau khi phân tích, đánh giá lại tình hình, so sánh tương quan lực lượng và cân nhắc mọi yếu tố, Thường trực Quân ủy đã đề xuất và được Bộ Chính trị đồng ý cho thay đổi hướng tiến công chủ yếu của cuộc tiến công chiến lược năm 1972 từ miền Đông Nam Bộ thành Trị-Thiên. Ngày 11/3/1972, Thường vụ Quân ủy Trung ương ra nghị quyết về kế hoạch tiến công chiến lược năm 1972, quyết định: "Trị-Thiên từ vị trí là hướng phối hợp quan trọng, nay chuyển thành hướng chiến lược chủ yếu nhằm tiêu diệt lực lượng lớn quân địch và mở rộng vùng giải phóng, góp phần làm thay đổi so sánh lực lượng giữa ta và địch, thay đổi cục diện chiến tranh ở miền nam, đưa cuộc kháng chiến tiến lên một bước mới"3.

"Khúc dạo đầu" quan trọng

Việc quyết định thay đổi hướng tiến công, đưa Trị-Thiên từ hướng phối hợp thành hướng tiến công chủ yếu trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 là một quyết định hết sức sáng suốt, thể hiện tư duy sắc sảo trong nghệ thuật chỉ đạo, điều hành chiến tranh cách mạng của Đảng. Đây chỉ mới là "khúc dạo đầu" nhưng vô cùng quan trọng, quyết định tới sự thành bại của cả cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên toàn miền.

Chọn Trị-Thiên làm hướng tiến công chủ yếu vì chiến trường này tiếp giáp với hậu phương lớn miền bắc, đầu mối giao thông quan trọng nên việc tiếp tế, bảo đảm mọi mặt sẽ rất thuận lợi. Trước ngày mở màn cuộc tiến công, tại đây ta đã tập kết được gần 12.500 tấn vật chất các loại, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu cho các lực lượng tham gia chiến dịch; tổ chức cơ động một lực lượng lớn với 4 sư đoàn BB, 7 trung đoàn pháo cao xạ, tên lửa; 7 trung đoàn pháo mặt đất; 2 trung đoàn tăng-thiết giáp; hơn 1.550 xe ô-tô các loại.

Chọn Trị-Thiên làm hướng tiến công chủ yếu vì đây là một địa bàn hết sức nhạy cảm, có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống phòng thủ phía bắc của địch. Giành được thắng lợi tại đây sẽ có tác động lớn, làm rung chuyển và đảo lộn thế bố trí chiến lược trong toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch trên toàn chiến trường miền nam. Đối với địch, mất Trị-Thiên sẽ kéo theo sự sụp đổ của chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" và sẽ đưa đến những hậu quả xấu trên bàn đàm phán ở Paris.

Chọn Trị-Thiên làm hướng tiến công chủ yếu ta đã khai thác được những sơ hở của địch, gây bất ngờ cho đối phương. Ngay khi các binh đoàn chủ lực của ta đã vào vị trí tập kết chiếm lĩnh trận địa và ở tư thế thế sẵn sàng nổ súng, thì cả Bộ chỉ huy quân Mỹ và quân đội Sài Gòn vẫn chưa tìm được câu trả lời: Khi nào đối phương sẽ ra tay đánh lớn và đâu sẽ là hướng chính? Chúng vẫn đinh ninh cho rằng đã qua những ngày đầu xuân Nhâm Tý mà các hoạt động quân sự vẫn chưa diễn ra chứng tỏ Việt cộng không có khả năng đánh lớn để chọc thủng các tuyến phòng thủ cứng như Quảng Trị. Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn thừa nhận: "Qua sự che giấu khéo léo, Cộng sản đã giữ được bí mật ngày giờ và hướng tiến công chủ yếu của cuộc tiến công dù họ đã hoạch định và chuẩn bị cuộc tiến công từ tháng 9/1971"4. Trong điều kiện chuẩn bị tập kết lực lượng và vũ khí trang bị cho một chiến dịch tiến công lớn như vậy, việc giữ được yếu tố bí mật tuyệt đối là vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, nhờ quyết định chọn hướng tiến công chủ yếu phù hợp cùng với sự chỉ đạo nghi binh khéo léo của cơ quan Tổng hành dinh và Bộ Tư lệnh chiến dịch nên ta đã làm cho kẻ địch hoàn toàn bị bất ngờ về cả hướng và thời điểm mở màn cuộc tiến công chiến lược năm 1972.

Rạng sáng 30/3, cuộc tiến công chiến lược năm 1972 nổ ra trên toàn chiến trường miền nam, trong đó chiến trường Trị-Thiên là tâm điểm. Tục ngữ Việt Nam có câu "đầu xuôi, đuôi lọt". Việc chọn hướng tiến công chính xác là yếu tố khởi đầu cho kết quả tốt đẹp của cuộc tiến công lớn có ý nghĩa chiến lược, cho dù nó phải kéo dài từ ngày 30/3/1972 cho đến ngày 31/1/1973.

Có thể hình dung một cách vắn tắt, cuộc tiến công chiến lược này trải qua hai giai đoạn: giai đoạn I (từ ngày 30/3 đến 20/6), ta tổ chức chiến dịch tiến công, giải phóng phần lớn tỉnh Quảng Trị và một phần tỉnh Thừa Thiên; giai đoạn 2 (từ ngày 28/6/1972 đến 1/3/1973) địch tập trung mọi nỗ lực tổ chức phản công nhằm giành lại những địa bàn đã mất; quân và dân Quảng Trị kiên cường tổ chức phòng ngự và phản kích quân địch. Tâm điểm của giai đoạn này là cuộc chiến 81 ngày đêm diễn ra ở Thành cổ Quảng Trị.

----------------------------

1 Gabriel Kolko: Giải phẫu một cuộc chiến tranh. Nxb QĐND.2003. Tr.498.

2 Nghị quyết Quân ủy Trung ương. Tháng 6/1971. Lưu tại Viện LSQSVN.

3 Bộ Quốc phòng 1945 - 2000 - Biên niên sự kiện, nxb QĐND,H,2003. Tr.399.

4 Cao Văn Viên: Những ngày cuối cùng của Việt nam Cộng hòa". Nxb Vietnambibliography. 2003.Tr.31.