Sống một cuộc đời đầy tình yêu

Suốt 15 năm từ khi ra trường và trở thành một cô giáo mầm non, Phương Anh không nhớ nổi mình đã được bao nhiêu đứa trẻ gọi là “Mẹ”. Với cô, những tiếng gọi thân thương ấy chính là cách mà ông trời đã bù đắp, chữa lành cho cuộc đời mình. Gương mặt nhỏ lúc nào cũng tươi tắn lại thoáng bối rối khi nhắc về bệnh tình: “Căn bệnh của mình có phát triển chậm lại nhưng chưa bao giờ ngừng phát tác. Mình vẫn cần uống thuốc để duy trì và vẫn cảm nhận cơ thể đang bị nó ăn mòn từng chút và mình sẽ không bao giờ có được thiên chức làm mẹ giống những người phụ nữ khác. Vậy nên, mình càng trân quý những tiếng “mẹ” của các con gọi”.
0:00 / 0:00
0:00
Các cô giáo và học sinh Trường mầm non Vĩnh Tuy.
Các cô giáo và học sinh Trường mầm non Vĩnh Tuy.

Cú sốc thanh xuân

Nặng chỉ 30 kg, nét trên mặt bị biến dạng co kéo xương hàm và răng nhô ra trước, mắt mũi co bé lại, xương cổ nhô ra, cơ thể teo da, cơ; chưa kể nội tạng bị xơ hóa hết như thận, tim, phổi, đại tràng… đó là vài trong số rất nhiều những tổn thương mà cô giáo Phương Anh (sinh năm 1983, trú tại Vĩnh Tuy, Hà Nội) phải chịu đựng khi cô mắc một căn bệnh lạ lúc đang trong tuổi 18 đẹp nhất của đời người.

Bắt đầu chỉ với những dấu hiệu tựa như chân tay bị nứt nẻ, da sạm đi, Phương Anh đi khám nhiều nơi, uống nhiều loại thuốc nhưng bệnh chỉ ngày một nặng thêm. Chỉ khi đến Bệnh viên Bạch Mai, Phương Anh mới biết mình mắc một căn bệnh hiếm mang tên “Xơ cứng bì toàn thể” mà cả thế giới vẫn chưa biết nguyên nhân, cũng như chưa có cách chữa trị triệt để.

“Những ngày tháng mà lẽ ra mình được mộng mơ thì lại phải đối mặt với cú sốc quá lớn, chắc khó ai mà tưởng tượng ra. Trước đó mình cũng thuộc dạng xinh xắn đó, cũng nhiều hoài bão, ước mơ lắm! Nhưng chỉ trong một thời gian, trong đầu chỉ toàn sự tiêu cực, mệt mỏi vì bệnh một phần, còn cả vì câu hỏi cứ ám ảnh - Sao điều đó lại xảy đến với mình nhỉ?”, Phương Anh trầm ngâm.

Khi được hỏi “Làm thế nào mà có thể vượt qua?” những năm tháng thanh xuân vật vã ấy, điều duy nhất Phương Anh nhớ được là việc bản thân mình chưa bao giờ từ bỏ khát khao được sống tiếp, chưa bao giờ nghĩ rằng vậy là hết, là mình chẳng còn gì.

“Kể cả khi không còn sức khỏe, không còn nhan sắc và có khi là không còn tương lai tươi sáng, mình cũng không cho phép bản thân đánh mất chính mình. Chắc cũng tại tính mình vô lo, vô nghĩ từ nhỏ, nên ngày ấy chỉ nghĩ một điều là phải chấp nhận mình như thế, sống với thực tại, sống với chính mình”. Sau 20 năm, nhắc lại về “cú sốc thanh xuân”, Phương Anh cười xòa và bình thản như vậy. Cô còn vui vẻ kể thêm giấc mơ thuở nhỏ của mình là trở thành một diễn viên hài. Giấc mơ diễn viên dĩ nhiên chẳng thể có kết quả vì căn bệnh khiến ngoại hình cô thay đổi, nhưng cũng từ đó, Phương Anh bắt đầu một giấc mơ khác, bắt đầu hành trình trở thành “cô giáo Phương Anh”.

Căn bệnh có thể cướp mất của cô gái trẻ sức khỏe, nhan sắc và nhiều cơ hội trong cuộc sống nhưng không thể làm mất đi sự tích cực, tình yêu với cuộc đời và tình yêu con trẻ cùng đam mê nghề giáo của cô gái trẻ.

Hành trình của tình yêu

Sau tiếng trống trường điểm 7 giờ sáng mỗi ngày tại Trường mầm non Vĩnh Tuy, người ta lại thấy những đứa trẻ mẫu giáo xa vòng tay cha mẹ và ùa vào vòng tay của các cô. Bế cháu này, dắt tay cháu khác, các cô đặt xuống lại tiếp tục cởi bớt áo khoác ngoài, luôn tay buộc tóc hoặc vội vã dỗ dành những đứa đang òa khóc. Giáo viên mầm non chưa bao giờ là công việc “an nhàn”, thậm chí là có vô vàn áp lực, khó khăn. Người bình thường đã vậy, chứ đừng nói là một người mang bệnh và ngày ngày vẫn phải chống chọi với nó.

Để có được những tiếng gọi thân thương ấy, cô giáo nhỏ chỉ nặng 30 kg này đã phải nỗ lực hơn nhiều những người bình thường. Cô đã dùng trái tim của một người mẹ để chăm chút tất cả những đứa trẻ mà mình dạy dỗ, từ miếng ăn, giấc ngủ đến việc chuyện trò, vệ sinh cá nhân cho các con. Và điều quan trọng hơn cả, đó là việc cố gắng để không chạnh lòng trước sự phân biệt của những phụ huynh và học trò mới.

“Có những lần phụ huynh đưa con tới trường nhận lớp thì gặp cô giáo, người thì hoang mang vì nghĩ cô gầy thế kia chăm con họ kiểu gì, người lại nhìn với ánh mắt có đôi phần kinh hãi. Buồn nhất vẫn là lúc đứa trẻ gặp cô mà chạy biến ra đằng sau lưng mẹ, nước mắt chực rơi ra vì “sợ” cô theo đúng nghĩa trẻ nhỏ sợ ma. Buồn lúc đầu, nhưng lâu dần cũng quen, các con mới đầu sợ như thế mà sau yêu cô, quý cô nhất thì có nghĩa là mình đang làm rất tốt công việc này đấy chứ”, cô giáo Phương Anh kể lại. Cô đã chứng minh là mình làm được, làm tốt trách nhiệm của người giáo viên, để những cái nhìn buộc phải thay đổi theo từng ngày, để mỗi năm học trôi qua lại có thêm những đứa trẻ gọi mẹ, nói lời yêu với cô.

Chị Trần Hương Giang (phụ huynh của hai bé Gia Hân, Gia Minh, lớp cô Phương Anh phụ trách) cho biết: “Thật sự mỗi lần ngắm cô Phương Anh chăm các con, dù là qua camera hay trực tiếp, trong lòng mình đều thấy xúc động. Việc có người thương và chăm chút từng tí cho con mình là điều mà mẹ nào cũng mong, vì thế tôi quý mến và biết ơn cô giáo nhiều lắm!”. Còn chị Hương (phụ huynh bé Tuấn Đạt) thì lại chia sẻ rằng, mình quá đỗi bất ngờ và vui khi mỗi lần con đi học về lại hồ hởi, vui vẻ kể về trường lớp, kể về cô giáo.

Có lẽ, phải thật thương, thật nỗ lực và thật trách nhiệm, người giáo viên ấy mới có thể vượt qua được tất cả và nhận được tình cảm của các con đến thế. 15 năm trôi qua, đôi khi lại vẫn có những cái nhìn khác lạ, vẫn có những hành động dè chừng, nhưng cô giáo Phương Anh luôn tin rằng, khi cô trao đi tình yêu một cách giản dị và chân thật nhất với những đứa trẻ, cô cũng sẽ nhận lại những điều y hệt như vậy.

“Cô Phương Anh là một cô gái vô cùng đáng yêu. Cách dạy, cách truyền đạt vô cùng gần gũi với học sinh, ai cũng thấy từ cô niềm đam mê”.

“Cô Phương Anh rất thông minh và tận tụy, cô còn gần gũi và hay giúp đỡ các chị em đồng nghiệp, đặc biệt trong phần liên quan đến công nghệ thông tin”.

“Có khi thấy Phương Anh rất mệt nhưng vẫn có rất nhiều câu chuyện hài hước, đem lại niềm vui cho mọi người. Dù bệnh tình như vậy nhưng chưa bao giờ cô từ chối một ai”.

Những đồng nghiệp của Phương Anh không ngần ngại dành cho cô những lời khen như vậy. Vẻ bề ngoài có thể khiến người ta nghi ngại, nhưng nỗ lực của cô giáo trẻ dần phá vỡ đi định kiến của người chung quanh. Trái tim lạc quan và thuần khiết ấy mới là thứ đang tỏa sáng. Những ngày tháng 11 trời trở lạnh, chúng tôi cảm nhận “lây” được sự ấm áp khi nghe Phương Anh kể về những món quà đặc biệt mình từng nhận được dịp này. Những tấm thiệp được bố mẹ và con dành hàng giờ để ngồi tô vẽ, những clip vô cùng đáng yêu có lời nhắn gửi yêu thương đến cô hay những bông hoa hơi méo mó của những đứa trẻ ba tuổi… tất cả đều là kỷ niệm đáng quý và là động lực của cô giáo.

Tạo hóa có thể đã dành cho Phương Anh nhiều thử thách, nhưng cô vẫn đang sống đầy lạc quan. “Sống một cuộc đời đầy tình yêu, yêu đời, yêu bản thân và yêu trẻ là thứ khiến mình hạnh phúc nhất ở hiện tại”, Phương Anh tâm sự với đôi mắt sáng lấp lánh. Trải qua những điều tưởng chừng “chỉ có trong phim”, trải qua rất nhiều sự mất mát, cô giáo mầm non ấy tin rằng trong cuộc sống, khi có tình yêu, có niềm tin thì ai trong chúng ta cũng xứng đáng sống một đời đầy hạnh phúc và ý nghĩa.