Sống động ký ức Biệt động Sài Gòn

Hầm chứa vũ khí, Hộp thư bí mật - Hầm nổi, Trạm giao liên, Nhà - hầm Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định Trần Hải Phụng và nhiều địa điểm khác từng là nơi hoạt động quan trọng của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn năm xưa đã được anh Trần Vũ Bình (quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) lần lượt chuộc lại, phục dựng phục vụ người dân đến tham quan, tìm hiểu. Mấy chục năm miệt mài với việc bảo tồn ký ức hào hùng, con trai của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (Mai Hồng Quế) chưa bao giờ thấy đủ.

Căn hầm chứa hàng chục người, 3 tấn vũ khí các loại của quán cà-phê Đỗ Phủ (quận 3, TP Hồ Chí Minh) từng là “địa chỉ đỏ” của lực lượng Biệt động Sài Gòn. Ảnh tư liệu
Căn hầm chứa hàng chục người, 3 tấn vũ khí các loại của quán cà-phê Đỗ Phủ (quận 3, TP Hồ Chí Minh) từng là “địa chỉ đỏ” của lực lượng Biệt động Sài Gòn. Ảnh tư liệu

Hành trình kiếm tìm di tích

Sinh năm 1969, tuổi thơ gắn liền những năm tháng ác liệt của Sài Gòn - Gia Định, tận bây giờ, tiếng súng liên hồi, tiếng rầm rập của xe nhà binh vẫn là chuỗi âm thanh khiến anh Trần Vũ Bình ám ảnh. Cha anh là thành viên đơn vị 159 Biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, hoạt động bí mật trong nội thành dưới vỏ bọc của một nhà tư sản, nhiều lúc Bình tủi thân vì không được gần gũi, thể hiện tình cảm với đấng sinh thành như những đứa trẻ bình thường khác. Ngày đất nước liền một dải, anh vui khi nghĩ rằng từ đây cha con sẽ được sum vầy, bù đắp khoảng thời gian khổ cực vì chiến tranh. “Vậy mà… lúc đó ba tôi cứ đi mãi, đi mãi. Khi thì thăm đồng đội, lúc lo chế độ, chính sách cho người này, người kia, còn gia đình, con cái vẫn sống chật vật, nhà cửa dột chỗ này, hỏng chỗ nọ. Lúc đó tôi giận ba mình ghê gớm nhưng sau này mới hiểu và trân quý. Tôi biết được đó là cách ông trả ơn những đồng đội vào sinh ra tử cùng mình. 15 tuổi, tôi quyết định tìm hiểu về cuộc đời hoạt động của ba, điều mà ông luôn giấu kín, ngay cả với mẹ tôi…”, anh Bình kể lại.

Càng tìm hiểu, càng biết nhiều về chiến sĩ Năm Lai ngày ấy, anh Bình cảm thấy tự hào và tự dặn lòng phải làm điều gì đó thiết thực để lưu giữ ký ức lịch sử cho thế hệ sau. Lần lượt, anh tìm ra những căn nhà từng là nơi trú ẩn, hoạt động bí mật của cha mình và quyết tâm chuộc lại, sửa chữa, phục dựng. Di tích đầu tiên được anh được nhận lại thành công vào năm 2005 là Hộp thư bí mật - Hầm nổi của Biệt động Sài Gòn (tại đường Đặng Dung, quận 1) nay đã trở thành điểm đến quen thuộc của người dân thành phố, du khách trong và ngoài nước.

Sống động ký ức Biệt động Sài Gòn ảnh 1

Những hộp đạn, vũ khí cất giấu dưới hầm.

Khách đến “quán cà-phê Biệt động Sài Gòn” thường chọn một góc yên tĩnh, ngồi nhâm nhi ly nước trong không gian xưa, ngắm nhìn hàng trăm hiện vật lịch sử, nghe kể những câu chuyện ly kỳ về biệt động thành. Người thuyết minh tại di tích này chính là các nhân chứng lịch sử, thế hệ con cháu của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn ngày ấy. Họ đến đây gìn giữ hiện vật, dẫn chuyện và gợi lại ký ức quân và dân Sài Gòn những tháng năm chiến đấu oai hùng. Anh Bình nhớ lại giai đoạn mới bắt đầu: “Lúc đó nhiều người nghĩ tôi điên, mua căn nhà cả chục năm không xong mà vẫn theo. Khó khăn trăm bề, người ta sợ tôi mua xong sẽ đập phá nhà xây thành cao ốc kinh doanh nên không muốn trao. Tôi chẳng trách ai, cứ ngày qua ngày tìm đến bày tỏ suy nghĩ, rồi “mưa dầm thấm lâu”, người ta đồng ý cho tôi được nhận lại nhà. Vui hơn là có người còn đem tặng nhiều hiện vật quý giá”.

Suốt mấy chục năm liền anh Bình dành dụm, vay mượn khắp nơi, tìm cách mua cho bằng được những căn nhà lưu dấu chặng đường chiến đấu của cha mình cùng các cộng sự. Khi nắm trong tay các căn nhà biệt động thành, anh đầu tư tâm sức vào phục dựng, sưu tầm hiện vật và kết nối các nhân chứng lịch sử. Bằng những tài liệu có được từ người cha quá cố, những câu chuyện kể từ đồng đội của cha hay tài liệu thu thập từ nhân chứng, các thư viện lớn nhỏ tại TP Hồ Chí Minh, anh Bình xâu chuỗi, làm mới các sự kiện trên nền tảng công nghệ thông tin để tạo nên nguồn dữ liệu quý giá cho Bảo tàng thông minh Biệt động Sài Gòn ra đời không lâu sau đó. Tiếp đó, lần lượt nhiều di tích quan trọng khác được phục dựng.

Sống động ký ức Biệt động Sài Gòn ảnh 2

Anh Bình luôn mong mỏi con trai lớn của mình là Trần Trọng Nghĩa sẽ nối nghiệp cha trong việc duy trì, phát triển những căn nhà di tích Biệt động Sài Gòn.

Những điểm đến 24/7

Gần 10 điểm đến giới thiệu về Biệt động Sài Gòn của anh Bình tại TP Hồ Chí Minh luôn mở cửa 24/7 để ai muốn cũng có thể ghé thăm dù đó là lúc… nửa đêm. Mỗi căn nhà trưng bày hàng trăm hiện vật nhưng cái nào cũng có câu chuyện riêng. Bảo tàng ngồi, bảo tàng công nghệ là hướng đi của anh với mong muốn tạo không gian tìm hiểu, trải nghiệm lịch sử thoải mái nhất cho khách tham quan. Câu chuyện của thế hệ trước được tích hợp bằng công nghệ 3D, thậm chí 12D phần nào gia tăng hứng thú cho người xem.

Tại những địa chỉ này, anh còn tổ chức nhiều chương trình gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, các chiến sĩ biệt động thành hay con cháu của họ nhằm giúp người nghe hiểu hơn về giá trị của độc lập, hòa bình. “Người quản lý và nhân viên tại di tích Biệt động Sài Gòn khổ lắm, làm bằng hai, ba lần bình thường. Nhưng cực mấy họ vẫn vui vì thêm nhiều người biết về những câu chuyện của cha ông. Ở mỗi địa chỉ, chúng tôi có những cách kể chuyện riêng và làm sao để nó sống động, dễ đi vào lòng người nhất. Muốn người khác yêu thích lịch sử thì mình phải làm bằng cả tâm huyết. Điều này tiền không giúp được. Đó là kiến thức, là nỗ lực và cả tình người”, anh Bình trải lòng.

Bên cạnh các di tích tại khu vực quận 1, quận 3, quận Phú Nhuận, anh còn tìm về huyện Bình Chánh, Củ Chi và nhiều tỉnh, thành khác để mua lại những căn nhà lịch sử, những hiện vật gắn liền các sự kiện quan trọng. Có căn nhà gần 30 năm mới mua được, mừng rơi nước mắt. Những ngày tháng 4 này, anh lại tiếp tục với việc thương lượng, tìm nhà thầu lên kế hoạch phục dựng ngôi biệt thự số 8 Nguyễn Thị Huỳnh, là nơi sản xuất tranh kiệt, bàn ghế, nệm, các loại màn trang trí nội thất… phục vụ trong Dinh Độc Lập, là nơi hội họp, nuôi giấu cán bộ công tác nội thành Sài Gòn. Năm 1964, hai tử tù Côn Đảo là chiến sĩ cách mạng Phạm Trọng Bình và Phạm Quốc Sắc về ở tại đây và được đưa ra chiến khu an toàn. Anh nói việc phục dựng sao cho giống nguyên bản vô cùng gian nan nhưng phải cố hết sức để người yêu lịch sử có thêm một điểm đến giá trị.

Chưa bao giờ hứa hẹn điều gì, cứ lặng lẽ làm, thế nhưng đến nay anh Bình đã chuộc lại và phục dựng hơn 20 căn nhà di tích. Người đàn ông hào sảng này luôn cười tươi và nói bản thân may mắn khi sớm nung nấu ý tưởng tìm hiểu về Biệt động Sài Gòn, về những địa điểm lịch sử vì nếu tiến hành trễ quá có thể anh không “cứu” kịp nhiều căn nhà quý giá. Hiện tại, anh đang tập trung vào việc hoàn thiện ba công trình lớn mang tên Bảo tàng Biệt động Sài Gòn tại TP Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi và Thái Bình. Nhiều người thắc mắc sao lại mở rộng khắp bắc - trung - nam làm gì cho tốn kém, mất công, những lúc như vậy anh Bình chỉ cười, không giải thích gì thêm: “Mình muốn nhiều người biết về Biệt động Sài Gòn thì tại sao lại giới hạn không gian. Ở đâu cần, tôi sẽ đem câu chuyện về những chiến sĩ biệt động đến đó giới thiệu, trưng bày. Sắp tới, sẽ có thêm nhiều bảo tàng Biệt động Sài Gòn ở chuỗi nhà cổ ở các tỉnh miền tây và một di tích quan trọng tại sân bay Phước Long, tỉnh Bình Phước. Thế hệ trước hy sinh không cần đền đáp thì phận con cháu mình phải làm gì đó có ý nghĩa với đời”.