Cựu chiến binh vui kể

Sao lại cáng thương bệnh binh ra trận?

Cuối năm 1952, chiến dịch Tây Bắc mở ra nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch và giải phóng hoàn toàn Tây Bắc.

Trung đoàn 174, trong đội hình của sư đoàn 316, đảm nhiệm một mũi tiến công vào Tây Bắc từ phía Yên Bái. Trung đoàn đang đóng quân trên vùng Ðông - Bắc được lệnh hành quân qua Thái Nguyên, tập kết ở Âu Lâu (tả ngạn sông Thao, thuộc Yên Bái). Trung đoàn trưởng đi khảo sát thực địa và lo kế hoạch tác chiến. Ðối với trung đoàn, đây là một chiến trường mới. Ðoàn cán bộ đi trinh sát phải vượt qua vùng rừng núi rất ẩm ướt, rậm rạp, đầy vắt, muỗi. Sau đợt đi trinh sát kéo dài 11, 12 ngày, tất cả cán bộ chủ chốt đều bị bệnh sốt rét. Bản thân trung đoàn trưởng cũng bị sốt rét, nằm bẹp không dậy nổi.

Ngày giờ của chiến dịch tác chiến đã định như đinh đóng cột. Lấy ai chỉ huy hành quân và tác chiến?

Trung đoàn trưởng ra lệnh cho Ban Quân y, tập trung liều lượng thuốc cao, chạy chữa cho cán bộ. Riêng trung đoàn trưởng tăng gấp đôi lượng thuốc để đẩy lùi cơn sốt, để cùng trung đoàn ra trận.

May thay một số tiểu đoàn trưởng, đại đội trưởng chủ chốt đã gượng dậy được và bám lấy đơn vị. Ðại đội trưởng trinh sát Sáu Nhật phải nằm lại, khiến trung đoàn gặp thêm khó khăn.

Giờ xuất quân đã đến. Trung đoàn trưởng Ðặng Văn Việt ra lệnh làm một cái cáng, cho khiêng ông ra trận vì ông còn bị sốt. Qua các đoạn đường có nhiều dân công, anh chị em xì xào: 'Sao lại cáng thương bệnh binh ra trận?'.

Nằm trên cáng, trung đoàn trưởng cảm thấy mình là linh hồn chiến đấu của toàn trung đoàn mà ra trận trên cáng thì còn đâu là khí thế của người chỉ huy... Ðồng chí kiên quyết bỏ cáng, cố gắng nhờ người đỡ bò lên lưng ngựa. Mặc dù cơn sốt vẫn còn, sức yếu nhưng đồng chí cảm thấy tự nhiên có một luồng hưng phấn - một sức mạnh vô hình vực mình lên trên bệnh tật. Ðồng chí trụ được trên lưng ngựa đến tận chân đồi sở chỉ huy đánh trận Cà Vịnh.

Các bộ phận quân ta hiệp đồng tuyệt đẹp tiêu diệt đồn Cà Vịnh, thu toàn bộ vũ khí, quân dụng, bắt sống tên quan hai chỉ huy và 20 tù binh. Anh 'bệnh binh nằm cáng' đã chỉ huy trận đánh thắng lợi giòn giã, tiêu diệt đồn địch, bệnh sốt rét cũng bạt vía tiêu tan theo quân địch lúc nào không biết.