Ðến giờ nghỉ giải lao, lính ta chủ động cử ngay một cậu vào loại lém lỉnh, xung phong hát một bài, nhưng lại ra điều kiện: hát xong có quyền chỉ định bất cứ ai, kể cả đại biểu. Mọi người giơ tay tán thành. Thế là hát xong một bài, cậu ta chỉ ngay vào mục tiêu đã ngắm sẵn là chị đại biểu. Không phải chờ lâu, chị ta đứng ngay dậy và nói: 'Thưa các anh, vinh dự được các anh chỉ định hát, nhưng rất tiếc là em không biết hát. Ðể thay thế, em làm một bài thơ để tặng các anh. Nhưng, mới nghĩ được hai câu thì bí... vậy em cứ xin đọc và mong các anh bổ sung tiếp, để bài thơ được hoàn chỉnh. Rồi chị ta đọc: 'Áo anh đứt chỉ đường tà. Em ngồi em vá, thấy ba con rận kềnh'. Chị ta ngồi xuống với vẻ thách thức và chờ đợi...
Lính ta bị ngay một đòn quá bất ngờ, từ chỗ chủ động thành ra bị động cho nên cứ ngồi nhìn nhau suy nghĩ... Ðã mấy phút trôi qua mà không có cậu nào lên tiếng. Vốn lâu nay tôi rất thích thơ và cũng hay làm thơ (loại thơ báng súng, chỉ vài câu) và cũng năng xem báo cho nên đã phát hiện ra, hai câu thơ chị đại biểu vừa đọc là chị ta đã 'thuổng' ở báo Vui sống, tờ báo của quân khu 3 lúc đó. Còn việc làm tiếp hai câu thơ chị vừa đọc, với tôi không khó và tôi đã nghĩ ra rồi. Ðể xua tan bầu không khí trầm lặng, tôi đứng dậy xin bổ sung thêm vào hai câu của chị thành sáu câu hoàn chỉnh: Áo anh đứt chỉ đường tà. Em ngồi em vá thấy ba con rận kềnh. Mối tình cá nước quân dân. Thương anh vệ túm, rận kềnh em có ngại chi đâu. Mai ngày ta gặp lại nhau. Chuyện xưa nhắc lại... biết đâu lại bởi: cái con rận kềnh. Ôi tôi vừa đọc xong, thì một tràng vỗ tay kéo dài. Có anh lại tếu: gợi ý khéo thế, chắc được làm rể Hội phụ nữ đến nơi rồi! Riêng chị đại biểu thì mặt đỏ gay, nhưng cũng đến bắt tay tôi rồi nguýt yêu và nói khẽ: 'Còn lâu nhé!'.
Thế là đến lượt tôi lại đỏ bừng mặt và lính lại được một trận cười thỏa thích.