Sau này, lính chúng tôi vẫn cứ buộc túm, nhưng chẳng những ống quần, mà còn túm buộc tất cả những chỗ quần áo rách mặc trên cơ thể, để khỏi hở da thịt, cho nên ý nghĩa chữ vệ túm càng thêm phong phú.
Cuối năm 1947, lúc đó tôi phụ trách một đơn vị công binh, ở tiểu đoàn 56 Trung đoàn 42 (quân khu 3) sản xuất và sửa chữa vũ khí. Một hôm, tôi được lệnh đi nhận quân trang cho đơn vị và ai cũng rất mừng vì sau mấy năm nhập ngũ, có mấy bộ quần áo đem theo, nay chỉ còn một, nhưng đã cà tàng. Nhưng, hóa ra 20 người, mà chỉ được cấp có năm bộ (quần áo bà ba, may bằng vải khổ hẹp, nhuộm nâu và nhúng bùn), vậy biết phát cho ai, mà ai cũng rách cả.
Tuy đơn vị chỉ có 20 người, nhưng lại đóng quân độc lập, to nhỏ gì thì tôi vẫn là chỉ huy, hằng ngày phải quan hệ nhiều, mà ăn mặc rách rưới quá thì cũng khó coi, cho nên tôi định xin anh em một cái áo, nhưng nghĩ đến câu đã được học... 'Hậu thiên hạ chi lạc' (hưởng sau thiên hạ) tôi lại không dám và để tập thể giải quyết.
Sau một hồi bàn bạc, anh em đề nghị bốc thăm. Bí quá, tôi đành đồng ý với cách giải quyết đó, nhưng vẫn băn khoăn bởi: nhỡ có người, lành rách đã có hai bộ lại bốc trúng, ngược lại người chỉ có một bộ, lại không bốc được, như thế tuy bốc thăm là công bằng, nhưng chưa hợp lý, cho nên tôi vẫn vận động dùng chung, người bốc trúng chỉ hơn là được giữ và tất nhiên cũng được mặc nhiều hơn.
Thế là tôi viết năm chữ quần và năm chữ áo vào giấy, vo viên cùng mười tờ giấy trắng bỏ vào hộp, rồi lần lượt từng người bốc. Kết quả là mười tiếng reo lên vui mừng và... mười người thì... tiu nghỉu (trong đó có tôi... thủ trưởng) đành lại túm buộc vá víu, như cái tên hài hước... chàng 'vệ túm'.