Ông Ba Châu từng tâm sự rằng, những giai đoạn quan trọng nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông luôn gắn liền với hình bóng của anh Hai Hùng, tức Phạm Hùng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng Chính phủ) - người ông luôn thần tượng và ngưỡng mộ. Sinh ngày 29-9-1929 tại xã Khánh An, U Minh (Cà Mau), đang học năm thứ ba trung học ở Sài Gòn thì Cách mạng Tháng Tám nổ ra, chàng thanh niên Lữ Triều Phú tham gia bộ đội chống Pháp, vinh dự được gặp và làm việc với anh Hai Hùng - một người tầm thước, nguyên tắc nhưng rất tình cảm, cẩn thận, chu đáo và cởi mở, làm việc gì ra việc đó. Sau khi được chọn đi Liên Xô học ngành Tài chính ngân hàng, tháng 12-1964, Lữ Triều Phú tốt nghiệp về nước, được bồi dưỡng thuần thục nghiệp vụ ngoại thương, ngoại hối và thanh toán quốc tế, đồng thời trau dồi tiếng Pháp, tiếng Anh và học tiếng Khmer, học nghiệp vụ tình báo, rồi qua Phnom Penh làm quản lý công ty Nam Dân - một công ty xuất nhập cảng do Trung ương Cục miền nam thành lập. Nhiều cơ sở tài chính của ta hoạt động trong các lĩnh vực thầu khoán (xây dựng), mở ga-ra, xuất nhập cảng, nhà in... tại Campuchia mở rộng quan hệ buôn bán, kết nối với miền bắc, tạo được vỏ bọc vững chắc.
Năm 1965, ông Phạm Hùng đề xuất thành lập tổ chức đặc biệt B29 - mật danh của Quỹ ngoại tệ đặc biệt. Để giữ bí mật, B29 chịu sự chỉ đạo đơn tuyến, có văn phòng tại Ngân hàng Trung ương. Với nhiệm vụ tập trung các nguồn vốn ngoại tệ dành riêng cho miền nam, B29 được hoạt động độc lập và nằm ngoài ngân sách nhà nước. B29 có các loại tiền từ đô-la Mỹ, bath Thái, tiền Sài Gòn đến riel Campuchia, kip Lào... Khi nguồn tiền từ miền bắc chi viện vào ngày càng nhiều, Ban Kinh tài Trung ương Cục miền nam lập ra Ban công tác đặc biệt để làm nhiệm vụ chuyển tiền theo hệ thống ngân hàng. Để bảo đảm bí mật, lúc đầu ban này có bí danh là B6, sau đổi thành D270, rồi N.2683, ông Ba Châu giữ chức Phó ban.
Để hợp thức hóa việc giao, chuyển tiền, B29 và N.2683 sử dụng phương thức vận hành FM: dùng các nguyên tắc chuyển khoản, lợi dụng hệ thống ngân hàng thế giới và ngân hàng của chính quyền Sài Gòn để chuyển tiền cho ta. Phương thức này đòi hỏi một hệ thống tổ chức bảo mật tinh vi vì hoạt động ngay trong lòng địch. Nhóm Ba Châu tổ chức mạng lưới kinh doanh tiền tệ mang bí số C130 tập trung các thương gia chuyên về vàng bạc đá quý hoặc các đại gia xuất nhập khẩu ở Sài Gòn có tài khoản tại các ngân hàng thương mại ở Sài Gòn, Pháp, Thụy Sĩ, Hồng Công... Khi ta cần một lượng lớn tiền Sài Gòn, các đại gia sẽ rút tiền từ ngân hàng với lý do sản xuất kinh doanh, cung cấp thẳng cho ta. Hoặc nhiều thương gia xuất hàng từ Sài Gòn, bên nhập hàng ở nước ngoài mở L/C thanh toán rồi rút tiền giao cho C130 nhằm hợp thức hóa tài chính, tránh bị nghi ngờ. Từ C130, N.2683 có thể nhận được tiền mặt Sài Gòn trước với số lượng lớn. Sau đó, N.2683 dùng điện đài mã hóa đề nghị chi trả gửi cho B29, trưởng phòng thanh toán ở Hà Nội gửi lệnh chi trả đến tài khoản Vietcombank ở nước ngoài (tài khoản này hoàn toàn do B29 sử dụng). Tiền đô-la sẽ được chuyển ngân vào tài khoản nước ngoài của các thương gia Sài Gòn. Cũng có khi để an toàn, ta phải chuyển ngân qua một tài khoản bí mật ở Paris rồi từ đây thực hiện lệnh chi trả. Ngoài ra còn có cách trả tiền theo séc cầm tay do N.2683 ký phát séc còn bên cầm séc là thương gia cung cấp hàng hóa cho vùng giải phóng, được hưởng hoa hồng 1%. “Séc” thật ra là một tờ lịch cũ được mã hóa số tiền chi trả, loại tiền, địa điểm. Nếu chẳng may bị địch bắt thì cũng không kết tội gì được.
Vào cuối tháng 2-1970, khi Trung ương Cục miền nam triển khai phương án thu gom tiền đưa về Phnom Penh đổi tiền mới thì Lonnol đảo chính lật đổ chính quyền Norodom Sihanouk, khủng bố, tàn sát Việt kiều, chặn các con đường về căn cứ, nên nhiều tiền mới đổi được bị kẹt lại Phnom Penh. Dưới sự chỉ đạo của ông Ba Châu, chỉ trong hai ngày, một khối tiền khổng lồ gồm đô-la và riel được chôn giấu cẩn thận dưới một nền xi-măng của nhà kho chịu được xe tải hạng nặng, không để lại một dấu vết. Nhận lệnh của cấp trên “bằng mọi cách, phải đưa tiền về cho Trung ương Cục”, một kế hoạch mạo hiểm được nhóm Ba Châu triển khai, bí mật đóng tiền vào túi ni-lông, bỏ vào từng hũ mắm bò hóc chất đầy lên hai xe tải. Hai chiếc xe chở mắm bò hóc nồng nặc đã ung dung đi ra khỏi thành phố, qua mặt tất cả trạm canh gác của Lonnol, vượt vòng vây của địch tại Phnom Penh, về biên giới Việt Nam. Tiền về đến căn cứ Trung ương Cục miền nam an toàn, ông Hai Hùng không ngớt lời khen ngợi.
Sau cuộc giải cứu này, việc cung cấp tiền cho các chiến trường gặp nhiều trở ngại vì các cơ sở kinh tài của ta ở Phnom Penh và Sài Gòn đều bị bể. Khôi phục lại cơ sở ở Sài Gòn để tổ chức làm FM là đòi hỏi cấp bách, nếu không thì không thể đáp ứng được nhu cầu của chiến trường. Ông Phạm Hùng giao nhiệm vụ cho Ba Châu tổ chức lại mạng lưới, có thể làm việc cho địch để “thọc sâu trèo cao”, nếu cần thì lập luôn ngân hàng để “tạo bề thế” cho sau này. Sau nhiều tháng nếm mật nằm gai ở xã biên giới Vĩnh Lợi Tường bên sông Tiền, trong vai người từ Campuchia chạy loạn muốn về Sài Gòn tìm vợ con, cuối cùng ông Châu cũng qua mắt được bọn “Phượng hoàng”, có được thẻ căn cước hợp pháp. Về Sài Gòn, ông liên lạc với các đầu mối để bắt tay tổ chức lại mạng lưới. Vào ngân hàng Sài Gòn tín dụng làm thư ký Hội đồng quản trị, rồi được đề bạt lên hàng giám đốc, phụ trách “sở chi nhánh” của ngân hàng nên ông Ba Châu tận dụng triệt để vỏ bọc này hoạt động cách mạng.
Ông Lữ Minh Châu (đứng sau) cùng ông Mai Hữu Ích lúc hoạt động tại Campuchia
Gần đến ngày giải phóng, Ba Châu được tổ chức yêu cầu báo cáo các điểm ngân hàng, tài chính của chính quyền Sài Gòn. Ngày 30-4-1975, ông được lệnh từ Trung ương Cục tiếp Đoàn tiếp quản của Ban Kinh tài tại ngã tư Bảy Hiền. Lúc này ông mới biết mình được bổ nhiệm giữ chức Trưởng ban Quân quản các ngân hàng Sài Gòn - Gia Định. Ba Châu trực tiếp tiếp quản toàn bộ tiền, vàng chế độ cũ. Khi tiếp quản còn hơn 1.000 tỷ đồng tiền giấy, gấp đôi lượng tiền lưu hành thời điểm đó (615 tỷ đồng, trong đó tiền mặt là 440 tỷ đồng, còn lại là tiền gửi), lưu thông cho đến khi đổi tiền năm 1976. Số vàng còn ở trong kho đã trở thành tài sản quốc gia.
Một thời gian sau, ông Châu đảm nhiệm chức danh Giám đốc Ngân hàng quốc gia Sài Gòn - Gia Định, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP Hồ Chí Minh rồi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng - Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vào tháng 6-1986. Thời kỳ này, hậu quả của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp kéo dài cùng với những sai lầm về giá - lương - tiền khiến lạm phát phi mã lên đến ba chữ số. Với tài năng và bề dày kinh nghiệm, ông Châu đề xuất nhiều giải pháp hữu hiệu góp phần đẩy lùi lạm phát như đổi mới ngân hàng, chuyển hẳn hệ thống ngân hàng sang hạch toán kinh tế và kinh doanh XHCN, hệ thống quỹ ngân sách nhà nước (kho bạc) cũng được tách khỏi ngân hàng, thành lập các công ty vàng bạc đá quý... Năm 1987, tỷ lệ lạm phát còn 223,1%, sang năm 1989 chỉ còn 34,7%.
Từ đầu năm 1990 cho đến 1995, là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác đầu tư, kiêm Trưởng ban quản lý Khu chế xuất Tân Thuận, ông Ba Châu đã góp phần đắc lực xây dựng thành công mô hình khu chế xuất, khu công nghiệp đầu tiên của cả nước. Theo lời mời của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông Ba Châu còn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Khu di tích cách mạng miền nam ở Tây Ninh cho tới lúc chính thức nghỉ hưu ở tuổi 74. Dù ở đâu, làm ở cương vị nào, ông cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, vì cái chung, sống giản dị, chân tình.
Ngày 27-2-2016, ông Ba Châu đã vĩnh viễn ra đi để lại nỗi tiếc thương cho bao người. Nguyên Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Phạm Phương Thảo đã viết: “Trong mắt của nhiều người, chú Lữ Minh Châu xứng đáng là một anh hùng. Rất kính trọng chú Ba Châu, một con người có công trạng lớn lại rất ít nói về mình, một hiện thân về nhân cách đẹp - quá đỗi giản dị, chân phương”.