"Sạc pin" cho cha mẹ

UNICEF đã đưa ra khuyến nghị, khi cha mẹ, người chăm sóc trẻ được đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất đầy đủ, không chỉ có ích cho sức khỏe bản thân mà còn có ích cho trẻ.
0:00 / 0:00
0:00
Cha mẹ có thể tìm những hoạt động thư giãn mà trẻ em có thể đồng hành. Ảnh: UNICEF
Cha mẹ có thể tìm những hoạt động thư giãn mà trẻ em có thể đồng hành. Ảnh: UNICEF

"Làm cha mẹ" là công việc toàn thời gian không bao giờ có ngày nghỉ. Tuy "công việc" này cũng mang lại nhiều áp lực tương tự, đôi khi là hơn cả những công việc chính thống, nhưng chăm sóc bản thân, nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần của chính mình đôi khi lại bị cha mẹ bỏ quên.

Tiến sĩ Lisa Damour - nhà tâm lý học, cộng tác viên của tờ The New York Times, đồng thời là bà mẹ "toàn thời gian" với hai em bé, luôn khẳng định: "Nếu chúng ta biết chăm sóc bản thân, chúng ta có thể chăm sóc con cái tốt hơn. Khi tôi được nghỉ ngơi đầy đủ và đầu óc minh mẫn, tôi sẽ kiên nhẫn hơn với con và vui vẻ hơn rất nhiều khi ở bên con. Điều này cũng giúp con cái nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc tự chăm sóc bản thân, đồng thời chỉ cho con cách tự mình làm điều đó".

Trên thực tế, khoảng thời gian cần thiết để dành ra cho việc chăm sóc bản thân thường chỉ cần vài phút, nhưng để hình thành được thói quen sắp xếp thời gian, lên lịch sinh hoạt, trong đó có khoảng trống dành cho bản thân cũng cần có nỗ lực và cố gắng. Hơn nữa, tự chăm sóc bản thân, đôi khi cũng đồng nghĩa với việc phải nhờ cậy các thành viên trong gia đình nhiều hơn, hoặc nếu cần có thể là sự hỗ trợ từ bác sĩ tâm lý, nhân viên tư vấn về sức khỏe tâm thần. Những điều nghe khá đơn giản ấy, đôi khi lại bị cho là… ích kỷ.

Thực hành chăm sóc bản thân cũng không quá phức tạp. "Vận động cơ thể, hít thở, ngủ đủ giấc, đặt điện thoại xuống và ăn nhiều trái cây, rau, quả. Tôi nhận ra mình cảm thấy tinh thần khỏe mạnh khi đang làm những việc này. Bất cứ khi nào bắt đầu gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, tôi lại tìm cơ hội làm những việc này thường xuyên hơn. Tất nhiên, khi có thời gian, tôi thích thêm các bài tập giãn cơ, yoga và trò chuyện với bố mẹ, người thân trong gia đình và bạn bè. Chỉ cần vài phút nghe giọng họ nói và chia sẻ điều mình nghĩ, tôi đã cảm thấy ổn định tư tưởng" - Tiến sĩ Hina Talib, bác sĩ nhi khoa và chuyên gia y tế về trẻ vị thành niên, nhà văn, nhà sáng tạo nội dung trên các kênh truyền thông mạng xã hội về lứa tuổi teen, cũng là bà mẹ hai con, chia sẻ về cách bà tranh thủ chăm sóc bản thân.

Còn Damour thì lại coi trọng chất lượng những giấc ngủ: "Để nhanh chóng đi vào giấc ngủ, tôi cố gắng làm mọi thứ chậm lại vào buổi tối. Bạn sẽ không thể ngủ được ngay sau khi bận bịu làm việc gì đó cần nhiều tương tác, bởi vậy để ngủ ngon vào ban đêm, cố gắng tập thể dục thường xuyên và hít thở nhiều không khí trong lành chắc chắn sẽ hiệu quả".

Hiểu rõ tầm quan trọng và cách thức thực hiện, nhưng chắc chắn nhiều bậc cha mẹ sẽ có chung một câu hỏi, làm thế nào để có thể dành thời gian cho bản thân, trong khi ai cũng quá bận rộn?

Tận dụng tối đa thời gian yên tĩnh là tiêu chí chung mà hai người phụ nữ bận rộn ấy cùng lựa chọn. Với Talib, bà sẽ thiền ngay khi… đánh răng, lúc nấu ăn thì trò chuyện chia sẻ với con cái, tranh thủ hít thở sâu giữa các cuộc họp. Còn với Damour, bà sẽ tận dụng những khoảng lặng khi làm việc nhà để nghe nhạc, để tâm trí thả trôi đến bất cứ đâu bà cho là nhẹ nhàng hơn, thư giãn hơn. Hay với Chuyên gia tâm lý Ngô Phạm Thị Thúy Trinh, Bệnh viện Nhi Đồng TP Hồ Chí Minh, thì cho dù đó là xem say sưa một bộ phim không cần suy nghĩ đến bất cứ điều gì, thưởng thức một số món bánh ngon hay chỉ tĩnh tâm và nghe nhạc cũng đều là cách hay để vỗ về sức khỏe tâm thần của mỗi chúng ta.