Rút kinh nghiệm khi làm phim

Bộ phim “Đất rừng phương Nam” đang chiếu rạp và tiếp tục gây tranh luận về các yếu tố lịch sử, nội dung, tác quyền… Thực tế phim cũng đã mong muốn truyền tải vẻ đẹp đất và người Nam Bộ; tôn vinh tinh thần kháng Pháp của quần chúng. Đáng tiếc, phim lại mượn cảm hứng, khai thác tên từ tiểu thuyết nổi tiếng “Đất rừng phương Nam” một cách không cần thiết và hơi khó hiểu…
0:00 / 0:00
0:00
Rút kinh nghiệm khi làm phim

1/Nếu xét đến một chút gần gũi mờ nhạt giữa bộ phim và tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi, thì có sự giống tên và không gian hiện diện của một số nhân vật trong truyện, trong phim. Như cậu bé An, từ học sinh ở thành thị, lưu lạc về miền ruộng đồng, sông nước trong cơn biến loạn; như anh Võ Tòng giữa miền rừng hoang dã; hoặc cha con ông già bắt rắn với chút hình ảnh rắn lướt qua cho thấy nghề nghiệp của họ; rồi thoáng chút hình bóng mụ gián điệp vợ tay Tư Mắm - trong truyện, hai vợ chồng giả dạng con buôn, còn trong phim, mụ gián điệp xinh đẹp, chải chuốt, làm thân với cha con ông Tiều và những đứa trẻ để moi tin… Hoặc về quang cảnh, không gian thì có chợ miền sông nước, tấp nập ghe thuyền, hàng quán, những dòng kênh, bãi lầy rộng lớn…

Còn thực tế thì nội dung hoàn toàn khác nhau khi truyện kể quãng đời lưu lạc của cậu bé An từ khi lạc ba mẹ trên đường tản cư trong cơn tao loạn giặc Pháp trở lại đánh chiếm Nam Bộ năm 1946. An đã có một cuộc phiêu lưu với nhiều trải nghiệm sâu sắc, hoặc đầy nguy khốn, căng thẳng, hoặc thật hồn nhiên, ấm áp trong không khí đấu tranh của cuộc kháng chiến chống Pháp, trong đời sống sinh hoạt đầy cuốn hút của những người dân Nam Bộ hào hiệp, nghĩa khí. Trong khi phim lại truyền tải hoạt động chống Pháp của một số hội kín có chống Pháp ở thời điểm trước năm 1945, có xen kẽ với đời sống sinh hoạt của các nhân vật là thành viên các hội kín đó, là những người dân ủng hộ hoạt động đấu tranh, còn An chỉ là một nhân vật như các nhân vật trong câu chuyện chung đó. Truyện đậm nét chân chất và chân tình, nhiều đoạn phảng phất không khí hào hùng, bi tráng. Phim cũng cố gắng tạo không khí này, tuy nhiên nhiều khi có vẻ như sự cố gắng làm hài, gây cười lại lấn át.

Bộ phim cho thấy những người thực hiện chỉ mượn tiểu thuyết ở vài điểm sơ sài, điều này gây ngạc nhiên về một khả năng làm sang, mượn bóng không cần thiết.

2/Về việc dàn dựng, kể chuyện phim, nhìn riêng từ khía cạnh kỹ thuật, khai thác bối cảnh, sáng tạo hình ảnh nhân vật, ngôn ngữ… của các nhà sáng tác, dàn dựng…, thì có thể nhận thấy một số điểm. Phim đã tìm và truyền tải được một số đại cảnh mang hơi thở vùng miền, nét văn hóa truyền thống của cộng đồng; có sự chăm chút trong việc dựng một số bối cảnh công trình cổ, các khu vực chợ, bến thuyền, cầu, quán xá, nhà dân nơi miền sông nước…; cùng với một số khung cảnh đậm chất thiên nhiên, mang không khí hoang sơ, và đặt vào trong đó một số hoạt động đặc thù của sinh hoạt hằng ngày, lời ăn tiếng nói người dân địa phương. Một số pha hành động, rượt đuổi được khai thác ở những khung cảnh khác nhau, trên cầu sắt, ở pháp trường, gần chợ, ở trại giam, trong sân đình miếu, ngoài bãi lầy…, cũng góp phần tạo nên sự phong phú cho những khoảnh khắc cao trào.

Tuy nhiên, có phần tiếc khi nhiều bối cảnh được gắng công làm đẹp, tái hiện một số không khí đông đúc, hoành tráng, nhưng dường như mọi thứ hơi bóng bẩy, một số phân đoạn có phần diễm lệ, lung linh quá, đem lại một cảm giác nặng về tả cảnh. Trong khi tiết tấu chung lại xem chừng hơi nhanh, vội, khiến cho những ngẫm ngợi, lắng đọng về tình cảnh, về thân phận, số phận con người và tình thương yêu, đùm bọc nhau dễ bị vuột qua. Còn ở một số đoạn thong thả hơn, dành cho những đối thoại đời thường giữa các nhân vật thì lời lẽ lại chưa được “đắt”.

3/Những ngày qua, bộ phim mang vỏ tên “Đất rừng phương Nam” tạo ra nhiều tranh luận sôi nổi chung quanh các yếu tố lịch sử về tên gọi một số tổ chức, lực lượng chống Pháp cũng như mức độ liên quan giữa phim và truyện. Trong quá trình ra rạp, phim đã phải chỉnh sửa một số chi tiết sau khi dư luận xôn xao, và Cục Điện ảnh đã làm việc với nhà làm phim. Những cảm nhận đa chiều, những góp ý chắc chắn còn tiếp tục. Đây là điều bình thường và cần thiết khi bộ phim đã được đưa ra công chúng, chiếu rạp ở nhiều nơi, nội dung phim đã chạm đến, đã khai thác các yếu tố là những thông tin lịch sử, tác phẩm văn học từ lâu được giới chuyên môn, công chúng ghi nhận.

Sự phản biện, góp ý đáng để rút kinh nghiệm có lẽ không chỉ với những người làm bộ phim này, mà với nhiều người khác về cách thức vận dụng lịch sử, văn học, mức độ hư cấu khi làm phim và cả về văn hóa truyền thông cho sản phẩm của mình.