Quyết liệt xử lý bã thải thạch cao

Bã thải thạch cao sinh ra từ quá trình sản xuất phân bón đã chất thành “núi” giữa Khu công nghiệp Đình Vũ. UBND thành phố Hải Phòng đã phải ra rất nhiều văn bản chỉ đạo, đề nghị giải quyết dứt điểm tình trạng này.
0:00 / 0:00
0:00
Lắp đặt dây chuyền sản xuất thạch cao tại Công ty CP Trường An, Hải Phòng.
Lắp đặt dây chuyền sản xuất thạch cao tại Công ty CP Trường An, Hải Phòng.

Chỉ cần đứng từ xa cũng có thể nhìn rõ một dãy “núi nhỏ” giữa Khu công nghiệp Đình Vũ. Đó là bãi thải thạch cao mầu xám tro chất cao từ 20 đến 25m, nằm trên một diện tích nhiều ha. Từ đây, mỗi khi có những cơn gió, bụi lại cuốn lên mù mịt. Cây cối được trồng chung quanh khá nhiều nhưng từ cành đến lá đều mang một mầu xám nhờ nhờ của bụi.

“Đặc sản” của nhà máy DAP

Không riêng gì Nhà máy DAP Đình Vũ, các nhà máy DAP 2, DAP Đức Giang đều có cho riêng mình một núi chất thải. Bã thải thạch cao PG phosphogypsum (bã thải GYPS) là sản phẩm phụ của quá trình sản xuất axit phosphoric từ nguyên liệu quặng apatit (quặng phosphate). Công nghệ ướt đang được áp dụng chủ yếu cho quá trình sản xuất này ở Việt Nam.

Một số nước trên thế giới tái sử dụng bã thải GYPS làm vật liệu xây dựng, phân bón cải tạo đất, phụ gia điều chỉnh đông kết xi-măng và làm tấm thạch cao… Tuy nhiên kết quả vẫn còn nhiều hạn chế do vướng mắc về hiệu quả kinh tế và tiêu chuẩn kỹ thuật.

Theo số liệu từ Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), lượng bã thải GYPS ở Việt Nam ước tính tồn đọng khoảng 12,7 triệu tấn tính đến cuối năm 2022. Nhà máy DAP Đình Vũ (Công ty CP DAP - Vinachem) tồn đọng khoảng 4,1 triệu tấn; Nhà máy sản xuất phân bón Đức Giang (Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang) là 6 triệu tấn và Nhà máy sản xuất phân bón DAP Lào Cai (Công ty CP DAP số 2 - Vinachem) tại Lào Cai là 2,6 triệu tấn.

Chỉ riêng Nhà máy DAP Đình Vũ có dây chuyền riêng xử lý bã thải GYPS thành thạch cao nhân tạo. Công ty CP thạch cao Đình Vũ là liên danh giữa Nhà máy DAP Đình Vũ (5%) và Công ty Ngọc Linh ra đời từ năm 2010. Công suất thiết kế của dây chuyền xử lý bã thải GYPS lên đến 750.000 tấn/năm. Sản phẩm nhân tạo của công ty đang cung cấp cho hơn 30 nhà máy xi-măng.

Nếu hoạt động đầy đủ công suất thiết kế ngay từ đầu thì có lẽ núi bã thải GYPS đã không hình thành. Ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó Giám đốc Nhà máy DAP Đình Vũ lý giải ở thời kỳ đầu, sản phẩm thạch cao rất mới. Công ty liên danh đã phải mày mò nghiên cứu và thay đổi công nghệ đến 3 lần. Đến năm 2017 mới ổn định và đi vào sản xuất. Vài năm gần đây, Công ty CP thạch cao Đình Vũ cơ bản đã xử lý hết được lượng bã thải GYPS thải ra hằng năm của nhà máy DAP.

Năm 2022, Nhà máy DAP Đình Vũ và Nhà máy sản xuất phân bón Đức Giang đều tiêu thụ được khoảng 300.000 tấn thạch cao nhân tạo. Riêng Nhà máy sản xuất phân bón Lào Cai (DAP 2), bã thải GYPS vẫn chưa được xử lý và phải tích trữ toàn bộ tại bãi chứa. Xét trên thực tế, bất chấp những tiến bộ đáng kể trong việc xử lý, những núi bã thải GYPS vẫn như một thứ tồn tại song hành cùng các nhà máy DAP. Nó đang gây ra hệ lụy tới môi trường, cảnh quan chung… đặc biệt ở những nơi có mật độ dân số cao như TP Hải Phòng.

Thêm phương án để giải quyết dứt điểm

Từ trước đến nay, việc tái sử dụng bã thải GYPS cũng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt. Ngày 23/9/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1696/QĐ-TTg về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng. Từ năm 2017 đến năm 2021, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ra thêm Quyết định 452/QĐ-TTg và Chỉ thị số 08/CT-TTg cùng với nội dung đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao…

Trên cơ sở những chỉ đạo trên, năm 2017, Công ty CP Trường An Hải Phòng ra đời. Có chức năng tương tự như Công ty CP thạch cao Đình Vũ, Công ty Trường An hy vọng khi đi vào hoạt động sẽ xử lý hết được bãi thải GYPS đang tồn đọng. Tuy nhiên, vì một số vướng mắc, tiến độ xây dựng nhà xưởng giẫm chân tại chỗ kể từ ngày được cấp phép. Ngày 8/11/2022, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng đã trực tiếp kiểm tra thực địa. Sau buổi kiểm tra, hầu hết các vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng đã được tháo gỡ. Nhà máy tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ xây dựng, dự kiến quý II năm nay sẽ đưa vào hoạt động và nhanh chóng đạt công suất thiết kế 600.000 tấn/năm.

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, Sở Khoa học và Công nghệ đã liên tục làm việc với các đơn vị liên quan về các biện pháp xử lý bã thải GYPS. Bên cạnh đó, Sở đã tổ chức hội thảo tham vấn các chuyên gia, tham mưu cho thành phố phê duyệt, triển khai dự án “Hoàn thiện công nghệ xử lý bã thải thạch cao PG của Nhà máy phân bón DAP Đình Vũ, sản xuất phụ gia xi-măng, vật liệu làm nền và móng đường giao thông, vật liệu san lấp công trình xây dựng”. Kinh phí dự án lên tới 46,3 tỷ đồng nhưng ngân sách chỉ phải bỏ ra 5,5 tỷ đồng, phần còn lại do các đối tác đóng góp.

Ông Trần Quang Tuấn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Hải Phòng cho biết: “Một loại vật liệu xây dựng mới được đưa vào thị trường sẽ đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh đẩy mạnh đầu tư công, khi khắp nơi đang diễn ra tình trạng khan hiếm vật liệu san lấp”. Dự án thực hiện từ tháng 11/2023 đến tháng 1/2025 với công nghệ trộn khô, tạo hạt. Thành phẩm có giá trị thương mại cao, toàn bộ quá trình không phát sinh nước thải thứ cấp, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Vật liệu xây dựng từ bã thải GYPS cũng sẽ được đăng ký tiêu chuẩn quốc gia để đưa vào các công trình.

Quy trình công nghệ hoàn thiện sẽ có cơ hội nhân rộng cả nước khi dự án được triển khai thành công. Theo đó, toàn bộ bãi thải GYPS của các nhà máy DAP sẽ được giải quyết dứt điểm trước năm 2027.