Chính quyền ra đời như huyền thoại
Cuối tháng 8-1945, ông Lê Liêm - Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ giao trách nhiệm cho ông Hoàng Chính tranh thủ thời cơ Nhật đầu hàng Đồng Minh, về lãnh đạo việc giành chính quyền tại tỉnh Quảng Yên (nay là tỉnh Quảng Ninh). Tỉnh Quảng Yên lúc đó bao gồm các huyện Yên Hưng, Hoành Bồ, Đông Triều, Thủy Nguyên, Cát Bà, Cát Hải và huyện Cẩm Phả.
Đại tá Vũ Đình Mai (đã mất), Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Quảng Ninh và ông Nguyễn Danh Chấn (đã mất), Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho biết: Ngày 24-8-1945, một cuộc mít-tinh có vũ trang lớn đã diễn ra tại tỉnh lỵ để chào mừng Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Yên ra mắt nhân dân. Trong cuộc mít-tinh này, những người là Việt Minh có đeo huy hiệu riêng; người nào trong lực lượng vũ trang cách mạng thì đội mũ có cài huy hiệu vuông mầu đỏ (dân thường gọi là Việt Minh vuông). Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Yên gồm có năm thành viên là: Nguyễn Hồng Chương (tức Hoàng Chính) làm Chủ tịch; Phan Hữu Quảng làm Phó Chủ tịch; bác sĩ Lê Văn Cơ làm Ủy viên Kinh tế; ông Đàm Quang Thiên làm Ủy viên Văn hóa và ông Vũ Văn Quý làm Ủy viên Quân sự.
“Tôi có cảm nghĩ sự kiện này giống như là chuyện huyền thoại”, ông Nguyễn Danh Chấn viết trong hồi ký.
Tiếp đó, chiều 24-8-1945, tại sân vận động trung tâm tỉnh lỵ Kiến An (nay thuộc thành phố Hải Phòng), trên năm vạn nhân dân trong tỉnh tham dự cuộc mít-tinh lớn chào mừng chính quyền cách mạng tỉnh ra đời. Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Kiến An gồm: ông Nguyễn Dương Lâm làm Chủ tịch; ông Hoàng Văn Mạnh làm Phó Chủ tịch… Trước đó, ngày 23-8-1945, Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời thành phố Hải Phòng ra mắt nhân dân trong cuộc mít-tinh lúc 10 giờ sáng do ông Vũ Quốc Uy làm Chủ tịch. Việc giành chính quyền ở Kiến An và Hải Phòng đều có vai trò lãnh đạo của ông Hoàng Chính trong quá trình kết hợp giữa lực lượng của Việt Minh và lực lượng của Đệ tứ Chiến khu Đông Triều do tướng Nguyễn Bình đứng đầu cùng các cộng sự như Trần Cung, Hải Thanh, Sư Tuệ…
Trước khi khởi nghĩa, còn xảy ra sự hiểu lầm giữa Việt Minh và Đệ tứ Chiến khu Đông Triều. Ông Hoàng Sĩ Lễ với danh nghĩa cán bộ Đệ tứ Chiến khu đến bắt mối với nhóm Việt Minh ở Phục Lễ và Phả Lễ (huyện Thủy Nguyên) đã bị anh em nơi này bắt vì nghi ngờ Đệ tứ Chiến khu là “Việt Minh giả”. Để trả đũa, một cán bộ của Đệ tứ Chiến khu là Quách Lĩnh liền hạ lệnh bắt ông Chấn xi-nê, người của Việt Minh, vì nghi ngờ ông Chấn đánh lừa ông Hoàng Sĩ Lễ sang để cho Việt Minh ở Phục Lễ và Phả Lễ bắt.
Nhà cách mạng lão thành Trần Cung, Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao nhớ lại, ông Hoàng Chính đã là người giải tỏa sự hiểu lầm này. Đích thân ông Trần Cung từ Đệ tứ Chiến khu đã sang gặp ông Hoàng Chính. Sau đó ít hôm, ông Hoàng Chính lên thẳng căn cứ Đông Triều gặp ông Lê Tâm (tức Vũ Linh, tức Ngô Xuân Lựu) - Thường trực của Ủy ban Quân sự Cách mạng Đệ tứ Chiến khu. Ông Hoàng Chính đã dẫn ông Lê Tâm đi Kim Sơn (Kiến An), đại bản doanh của Việt Minh tỉnh Kiến An lúc đó, để hai bên hiểu nhau thêm. Hai bên nhất trí thống nhất các lực lượng cách mạng. Một chương trình hành động chung đã được vạch ra trong việc giành chính quyền ở Quảng Yên, Kiến An và Hải Phòng trong Cách mạng Tháng Tám 1945 mà ông Hoàng Chính có vai trò kiến tạo. Tướng Nguyễn Bình điều binh khiển tướng hỗ trợ Việt Minh giành chính quyền ở khắp các tỉnh miền duyên hải Đông Bắc mà không có sự đụng độ, mâu thuẫn nào xảy ra.
Bác Hồ về thăm
Sau ngày Toàn quốc kháng chiến 1946, ông Hoàng Chính được Liên khu ủy Việt Bắc điều ra làm Bí thư Tỉnh ủy Hải Ninh. Đến năm 1948, ông lại được rút về Liên khu Việt Bắc làm công tác tổ chức. Từ năm 1955, ông Hoàng Chính lại được cử ra làm Bí thư Tỉnh ủy Hải Ninh. Năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra thăm và làm việc với tỉnh Hải Ninh - địa đầu cực đông đất nước. Ông Hoàng Chính để lại nhiều câu chuyện thú vị về sự kiện này.
Tới Móng Cái chiều 19-2-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc với Thường vụ Tỉnh ủy Hải Ninh. Cùng tham dự có Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn. Sau khi Bác nghe báo cáo về tình hình của tỉnh Hải Ninh, ông Hoàng Chính xin ý kiến: Bí thư huyện Phòng Thành cùng các đại biểu của thị trấn Đông Hưng (Trung Quốc) đề nghị tối sẽ sang chào Hồ Chủ tịch. Bác đồng ý. Khoảng bảy giờ tối, Bí thư và Chủ tịch Ủy ban huyện Phòng Thành cùng các đại biểu của thị trấn Đông Hưng sang. Chủ tịch Hồ Chí Minh niềm nở chào hỏi đại biểu đại diện của Phòng Thành và Đông Hưng. Người hỏi thăm ông Đào Chú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông; ông Trang Điền, Phó Tư lệnh Quân khu Quảng Châu. Về ông Trang Điền, nguyên Tư lệnh Hải Nam hội hoạt động bí mật chống Tưởng Giới Thạch, năm 1948 đã được quân và dân Liên khu Việt Bắc bảo vệ khi hoạt động tại vùng biên giới Trung - Việt. Đại biểu Trung Quốc thiết tha mời Hồ Chủ tịch sang thăm Đông Hưng. “Cám ơn các đồng chí, tôi ra thăm Móng Cái lần này thời gian có hạn nên chưa thể nhận lời các đồng chí được, nếu thuận tiện thế nào tôi cũng sẽ sang thăm Đông Hưng”, Bác trả lời.
Sáng 20-2-1960, sau cuộc mít-tinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các ông Trần Quốc Hoàn, Hoàng Chính, Lý Bạch Luân tới thăm một lò sứ bên bờ sông Bắc Luân. Dọc sông Bắc Luân cả hai bên bờ, phía Đông Hưng, phía Móng Cái đều có các lò sứ từ lâu đời nhưng bên Móng Cái lò sứ gấp nhiều lần Đông Hưng. Từ sân vận động, Người đi thẳng tới một lò sứ gần đó, như thể rất quen thuộc, mà không cần ai dẫn đường. Hôm sau, khi sang thị trấn Đông Hưng, trong lúc Bác lặng lẽ xuống bờ sông Bắc Luân ngồi trên một phiến đá hoa cương nhìn về phía bờ Nam, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn khẽ nói với Bí thư Hoàng Chính: “Trong báo cáo của Bác về Quốc tế Cộng sản năm 1926 có nói đã thiết lập được trạm liên lạc ở cực Nam Trung Quốc. Phải chăng trạm liên lạc cực Nam Trung Quốc là đây? Không rõ sao Cụ đi trên đất Móng Cái rồi vào xưởng làm bát, cứ như người đi xa về ấy!”.
Tại sao lại là Quảng Ninh?
Theo tư liệu của ông Hoàng Chính kể lại cho nhà nghiên cứu Tống Khắc Hài, giữa năm 1963, việc hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành một tỉnh mới đã được Trung ương quyết định. Còn việc đặt tên tỉnh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hội đồng Nhân dân hai nơi tự lựa chọn. Trong cuộc họp Hội đồng Nhân dân khu Hồng Quảng có đoàn đại biểu Hải Ninh tham dự, mọi người thảo luận rất sôi nổi, rất hào hứng. Khá nhiều kiến nghị về tên tỉnh mới: Đông Bắc, Hải Quảng, Yên Quảng, Hồng Hải… Cuối cùng, tất cả đại biểu nhất trí chọn tên tỉnh là Hải Đông.
Tên gọi này khiến ông Hoàng Chính nhớ lại kỷ niệm với Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ba năm trước khi Bác ra thăm Hải Ninh. Ngồi trên máy bay trực thăng, khi qua đảo Cái Bầu, nhìn xuống chỉ thấy mênh mông rừng ngập mặn, Bác đã giải thích: “Hải Ninh và Hồng Quảng núi sông biển trời liền một dải, An Quảng, Quảng Yên là đây, xa hơn nữa là An Bang, là Hải Đông, có đúng không chú Hoàn?”.
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn đáp: “Dạ thưa Bác, An Bang là thời Lê, Hải Đông là thời Trần…”. Bác nói thêm: “Thời Trần, Hải Đông lừng lẫy chiến thắng Bạch Đằng giang…”. Nghe Bác nói vậy, ông Hoàng Chính nhớ mãi cái tên Hải Đông. Lần này, ông đinh ninh tên tỉnh Hải Đông sẽ được Bác đồng ý.
Giữa tháng 9, về dự cuộc họp các Bí thư Tỉnh ủy, kết thúc cuộc họp, Bác dặn Bí thư Tỉnh ủy Hải Ninh ở lại ăn cơm. Trong bữa cơm, Bác hỏi ông Hoàng Chính chuyện đặt tên tỉnh. Nghe ông Hoàng Chính thưa lại tên gọi Hải Đông đã được các đại biểu Hội đồng Nhân dân nhất trí, Bác cười: “Tên Hải Đông gợi nhớ thời Trần oanh liệt, nhưng thực chất nó có nghĩa chỉ vùng biển về phía Đông. Bác đã hỏi ý kiến nhiều đồng chí, Bác đề nghị lấy mỗi tỉnh một chữ cuối của Hồng Quảng và Hải Ninh, ghép lại thành Quảng Ninh, vừa dễ hiểu, vừa dễ nhớ, lại có nhiều nghĩa. “Quảng” là rộng lớn, “Ninh” là yên vui, bền vững. Quảng Ninh là một vùng rộng lớn, yên vui, bền vững. Ông cha ta đã chẳng từng đặt những tên An Bang, Ninh Hải, Hải Ninh, An Quảng, Quảng Yên đó sao? Chú thấy có được không?”.
Lúc này, ông Hoàng Chính hiểu ra ý nghĩa sâu xa của hai chữ Quảng Ninh. Chỉ một cái tên tưởng đơn giản mà Bác đã suy nghĩ và gửi gắm vào đó bao điều!
Đến ngày 30-10-1963, trong phiên họp toàn thể Quốc hội khóa II, kỳ họp thứ 7, tất cả các đại biểu đều nhất trí thông qua tờ trình của Chính phủ: Hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh. Ông Hoàng Chính được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh (1964 - 1969).
Ông Hoàng Chính (1922 - 1990) tên khai sinh là Nguyễn Hồng Chương, bí danh khác là Y Túy, sinh tại phường Nam Khê, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, truy tặng Huân chương Độc lập hạng nhì…