Tựa Trường Sơn vươn tới Trường Sa

Tháng 3, cựu chiến binh (CCB) Hồ Đại Đồng nhắn tôi: “Cây bàng vuông mang từ Trường Sa về đã được trồng ở Nghĩa trang liệt sĩ huyện Sa Thầy rồi đấy”.
0:00 / 0:00
0:00
CCB Hồ Đại Đồng bên những kỷ vật của đồng đội tại Nhà trưng bày Đài tưởng niệm liệt sĩ Hà Nội, Di tích lịch sử Điểm cao 995 (xã Ia Xier, huyện Sa Thầy, Kon Tum).
CCB Hồ Đại Đồng bên những kỷ vật của đồng đội tại Nhà trưng bày Đài tưởng niệm liệt sĩ Hà Nội, Di tích lịch sử Điểm cao 995 (xã Ia Xier, huyện Sa Thầy, Kon Tum).

Gạch nối xanh

Cây bàng vuông đó, chúng tôi thay mặt Trung tá Đào Xuân Nam - Đảo trưởng đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), gửi tặng các cựu chiến binh của Trung đoàn 209 F1. Từ nhiều năm nay, những người lính bước chân trên dải Trường Sơn năm xưa, vẫn thường mang cây xanh đến các nghĩa trang liệt sĩ dọc dải đất Trường Sơn trồng, để đồng đội của họ nằm đó đỡ cô quạnh.

Đây không phải là lần đầu cây bàng vuông được các CCB E209 mang đến Tây Nguyên. Tháng 5/2019, cựu chiến binh Hồ Đại Đồng cùng một số đồng đội có chuyến thăm quần đảo Trường Sa. Từ thời điểm chưa xuống tàu ra khơi, ông đã đau đáu “Tớ muốn xin mấy cây bàng ngoài đảo”.

Những năm 1965-1967, hơn 1.500 thanh niên Hà Nội đã tình nguyện xếp bút nghiên xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, hầu hết được tuyển vào Trung đoàn 209 (E209), Sư đoàn 312. E209 là trung đoàn bộ binh duy nhất khi đó được trang bị mũ sắt Liên Xô, nên họ vẫn được gọi là “trung đoàn mũ sắt”. Tháng 2/1968, Trung đoàn 209 hành quân vào chiến trường Tây Nguyên, đến tháng 3/1968, trung đoàn tập kết tại khu vực Chư Tan An, Chư Tan Kra (nay thuộc huyện Ia Xier, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum). Trong trận đánh đêm 25 rạng ngày 26/3/1968, sau những giờ giành giật sống còn trên Cao điểm 995, hơn 200 người lính Hà Nội đã mãi mãi nằm lại nơi đại ngàn Trường Sơn. Hơn 40 năm sau, Đài tưởng niệm các liệt sĩ Hà Nội được xây dựng để ghi công các anh, ngay tại nơi các anh đã nằm xuống, trên đỉnh Chư Tan Kra lộng gió. Mỗi năm, ngày 26/3, ngày giỗ trận Chư Tan Kra, những người CCB E209 lại tới đây để thắp hương tưởng nhớ những người đồng đội đã hy sinh.

CCB Hồ Đại Đồng là một trong số những người lính mũ sắt năm đó. Suốt nhiều năm, ông cùng các thành viên Ban liên lạc CCB E209 đã cần mẫn kiếm tìm những đồng đội còn nằm lại trên dải Trường Sơn, để đưa về quy tập tại các nghĩa trang liệt sĩ, không chỉ là liệt sĩ của trận Chư Tan Kra tháng 3/1968 mà còn của nhiều trận đánh nữa. Lần gần đây nhất, tháng 3/2024, ông vẫn mải miết tìm kiếm ở tọa độ mà ông nói là “nghĩa trang mặt trận của E209”. Đó là chuyến tìm kiếm thứ 41 của những người lính.

Năm 2019, cây bàng vuông từ đảo Trường Sa, đã vượt sóng vượt gió Biển Đông, theo chân những CCB về tới Hà Nội, tỉ mẩn ươm suốt một thời gian dài. Mãi tới tháng 12/2020, họ mới mang được cây bàng vào Kon Tum, trồng tại Đài tưởng niệm liệt sĩ Hà Nội trên Cao điểm 995 đỉnh Chư Tan Kra. Ngày 16/12/2020, đoàn công tác của Bộ Quốc phòng, Huyện ủy UBND huyện Sa Thầy và Ban Liên lạc CCB tìm liệt sĩ Sư đoàn 1 đã trồng được cây bàng Trường Sa đầu tiên cùng hai cây sấu Hà Nội trên Di tích lịch sử Điểm cao 995 - Chư Tan Kra (Ia Xier, huyện Sa Thầy). Năm 2021, nhà thơ Lữ Mai cũng gửi tặng các CCB E209 bốn cây đặc sản Trường Sa: cây bàng vuông, cây tra, cây bão táp và cây mù u. Năm nay, cây phong ba trồng ở Đài tưởng niệm các liệt sĩ Hà Nội đã cao hơn 2m.

Đến năm nay, đúng ngày 26/3, tròn 56 năm ngày giỗ trận Chư Tan Kra, cây bàng từ Song Tử Tây cũng đã được những người CCB mang đến Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Sa Thầy.

Không dễ để trồng một cây bàng vuông trên đất liền. Những cây bàng quen sóng quen gió, có thể chịu đựng những ngày hè khắc nghiệt nhất, có thể vượt qua cả bão giật sóng cồn, nhưng lại không dễ chịu đựng những đợt gió mùa đông bắc, hay vài cơn mưa phùn miền bắc. Cho nên mỗi cái cây từ đảo gửi về, đều cần một sự chăm sóc kỳ công. Cây bàng gửi tặng các CCB vì vậy được mọi người chăm chút đặc biệt. Hầu hết chúng được ươm cho cứng cáp rồi mới tiếp tục hành trình tới Tây Nguyên.

CCB Hồ Đại Đồng kể, người quản trang Nghĩa trang Liệt sĩ Sa Thầy đã dành cho cái cây đến từ hải đảo một tình cảm đặc biệt, thường xuyên chú ý chăm sóc. Bàng vuông đặt ở đất nắng gió như Tây Nguyên, dường như tìm được một điểm chung với đất san hô, cát cháy Trường Sa, đang vươn lên mạnh mẽ.

Tựa Trường Sơn vươn tới Trường Sa ảnh 1

Cây bàng vuông từ Trường Sa được trồng tại Đài tưởng niệm các liệt sĩ Hà Nội (xã Ia Xier, huyện Sa Thầy, Kon Tum).

Mầm xanh vươn lên

Cây bàng vuông trồng ngày giỗ trận Chư Tan Kra trên Nghĩa trang Liệt sĩ Sa Thầy được chiết từ cây bàng to nhất đảo Song Tử Tây và được mang về bờ dịp giáp Tết 2022. Năm đó, Trung tá Đào Xuân Nam, khi đó còn là Tham mưu trưởng đảo, về phép sau mấy năm công tác đảo. Trong hành trang gói bọc cẩn thận để tránh nước biển tạt của người lính, có thêm vài cây bàng vuông, cây tra cho đất liền.

Thời điểm ấy, mầm xanh tới từ nơi hải đảo xa xôi có một ý nghĩa lớn lao. Bởi chỉ cách đó một năm, cơn bão cuối 2021 quét qua quần đảo Trường Sa, để lại một hậu quả khủng khiếp. Qua một đêm, cảm giác mầu xanh trên Song Tử Tây gần như biến mất. Trung tá Nam mô tả, nhìn ra ngoài, chỉ thấy mầu đen xám ảm đạm. Những cây to lớn nhất đều bị bật gốc, đổ nghiêng ngả. Toàn bộ hàng phi lao rạp xuống tả tơi. Đất nhiễm mặn, cây cối xơ xác. “Cỏ cũng nhiễm mặn chứ đừng nói cây thường”, anh Nam nhấn mạnh.

Suốt một năm sau đó, Song Tử Tây ngoài nhiệm vụ thường xuyên, có thêm một nhiệm vụ nữa, là gây dựng lại những hàng cây. Ngay khi cơn bão tan, quân và dân trên đảo bắt đầu kiểm kê lại cây xanh. Cây nào còn có khả năng sống thì tỉ mỉ dựng lại, chăm lại. Những mảng xanh đã bị tàn phá, mọi người chia nhau trồng lại, mục đích là phủ xanh, trồng càng nhiều càng tốt. Hứng chịu đủ nắng, mưa, gió, bão nên cây xanh ở ngoài này có bao giờ là đủ. 15.000 cây phi lao từ đất liền tiếp ra với đảo. Quân và dân trên đảo cứ đào hố, đặt cây, ròng rã như thế. “10 cây mà sống được 1 cây là đã mừng lắm”, Nam kể.

Mấy tháng suốt mùa xuân, khi đất liền còn bận rộn đón năm mới, đón những cơn mưa xuân, bận rộn các lễ hội, thì ở đảo, mọi người bận rộn ươm lộc đúng nghĩa đen. Người trên Song Tử Tây vẫn nhớ khoảnh khắc chờ đợi tàu chở hàng vào đảo. Đúng đợt bão lớn, tàu mang phân bón, đất, giống cây quần đảo ngoài khơi suốt tám ngày ròng rã mới cập được tới âu tàu. Trên tàu nóng ruột, ngoài đảo cũng lo lắng, không biết bao giờ mầu xanh mới trở lại với Song Tử Tây.

Nhưng đó cũng là thời điểm mà sức sống những cây bàng vuông trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết. Trung tá Nam kể những loài cây đó như từ cát mặn mà ra. Có cây bật cả gốc, thế mà anh em dựng lên trồng lại, qua vài ngày là cây lại bắt rễ, lại cho lộc, lại bắt đầu nở hoa ra quả.

Mất nửa năm, hàng phi lao mới bắt đầu trở lại dáng vẻ trước bão. Còn những loại cây đặc trưng của đảo, như bàng vuông, bão táp, phong ba thì đã nảy chồi như chưa từng có cuộc càn quét nào của thiên tai.

Gần một năm sau, đảo bắt đầu chiết những cây bàng để gửi tặng đất liền. Những mầm xanh vươn lên sau bão, vì thế có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Từ nhiều năm nay, trên mỗi chuyến tàu từ đảo về đất liền, từ đất liền về đảo, luôn hiện diện những cây xanh. Đất liền gửi rau xanh, gửi giống cây ăn quả, gửi giống cây mới cho đảo. Đảo gửi cây bàng vuông, cây tra, cây phong ba về bờ.

Năm nay trồng xong cây bàng, CCB Hồ Đại Đồng và các đồng đội lại tiếp tục những ngày tháng dựng trại kiếm tìm đồng đội giữa rừng già Trường Sơn. Vẫn nhiều đồng đội họ đang nằm đâu đó, chờ ngày được đưa về, nằm dưới bóng mát những cây xanh ở các nghĩa trang. Còn ở ngoài đảo, những cây bàng vẫn được hứa hẹn sẽ tiếp tục gửi về bờ. Đảo đang ít mưa, nhưng không vì thế mà gạch nối xanh đứt đoạn.

Cái cây xanh bé nhỏ ở nơi những người lính Trường Sơn nằm lại, không chỉ đơn thuần là một mầm xanh. Những mầu xanh gắn đất liền với hải đảo và nối dài cả dải đất Trường Sơn ra tới Trường Sa. Chúng là những gạch nối mầu xanh dịu dàng, đủ để không một khoảng cách nào ở Việt Nam trở nên quá xa xôi nữa, và để nhắc nhở mỗi chúng ta, về những cống hiến hy sinh của những lớp lớp người con Việt.

“Hùng vĩ thay, toàn thân đất nước.

Tựa Trường Sơn, vươn tới Trường Sa

Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước.

Đỏ bình minh mặt sóng khơi xa”

(Tố Hữu)