“Sống” cùng Điện Biên Phủ lịch sử (kỳ 3)

Kỳ 3: Tâm niệm từ thành phố đang chuyển mình
0:00 / 0:00
0:00
Các thành viên câu lạc bộ tập luyện cho hội diễn văn nghệ.
Các thành viên câu lạc bộ tập luyện cho hội diễn văn nghệ.

(Tiếp theo và hết)

Yêu mến và hào hứng tri ân mảnh đất Điện Biên Phủ, đó là tình cảm được nuôi dưỡng dài lâu trong nhiều công dân đang hoạt động văn hóa, nghệ thuật của thành phố. Hoặc là nghệ sĩ chuyên nghiệp, hay người tham gia phong trào quần chúng, đều có những ước mong làm mới, làm phong phú thêm bản thân mình.

Quá khứ hào hùng, ngày mới lung linh

Với tôi, sinh sống và làm việc tại TP Điện Biên Phủ đầy những di tích lịch sử cách mạng và nhiều dấu ấn chiến công, nơi cha ông đã giành giật từng phần đất, từng cao điểm với quân thù, đó thật sự là một cuộc trải nghiệm lâu dài. Thành phố ấy lại đang chuyển mình đổi mới. Nó gieo vào ta những cảm hứng về lịch sử, văn hóa và những sắc màu hiện đại để sáng tác...

Đó là chia sẻ của nhạc sĩ Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh tỉnh Điện Biên, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam giữa những ngày tất bật kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Quê gốc Thái Bình, gia đình đã 3 thế hệ hoạt động văn hóa trên mảnh đất Điện Biên, anh Cường từng là nhạc công guitar bass của Đoàn nghệ thuật tỉnh từ năm 1998, cho đến năm 2014 chuyển sang trung tâm. Với Mạnh Cường, sáng tác về mảnh đất này vừa là cảm hứng lớn, vừa là trách nhiệm. Hàng chục ca khúc của anh về Điện Biên mang nhiều sắc thái, từ hào hùng với lịch sử đến thiết tha cùng đời sống văn hóa 19 dân tộc anh em H’Mông, Thái, Hà Nhì… đã được sử dụng rộng rãi ở Điện Biên, trong hoạt động ca múa chuyên nghiệp cũng như phong trào văn nghệ ở cơ sở. Nhiều sáng tác đã nhận huy chương vàng, bạc hội diễn toàn quốc và khu vực, được trao giải nhất, giải A, B, C của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Từ năm 19 tuổi ra trường đến nay, Phạm Mạnh Cường viết nhiều bài hát như “Tình ca Điện Biên”, “Điện Biên tự hào có Đảng”, “Điện Biên chiến thắng”… Sau này, ca khúc của anh mở rộng những lời ca đồng hành với sự vươn lên của mảnh đất Điện Biên, trong đó có “Điện Biên vang mãi bản tình ca”, “Điện Biên thành phố trong tôi”, “Điện Biên ngày mới”, “Tình yêu Điện Biên”… Anh chia sẻ với chúng tôi những khúc nhạc như lời hứa của người nghệ sĩ thế hệ trẻ trên mảnh đất này: “Hòa bình tỏa hương bao nhiêu chiến công năm xưa mà cha ông ta đã ghi. Ta nguyện cùng nhau chung tay đắp xây quê mình yêu dấu” (Điện Biên thành phố trong tôi), “Điện Biên như trong bản tình ca Mường Thanh lúa chín vàng. Điện Biên bao năm đạn bom giờ nguy nga lộng lẫy. Cùng đến những bản làng xa xôi, cùng đi dựng xây nước nhà để trái tim vang bản tình ca Điện Biên trong ta” (Điện Biên vang mãi bản tình ca)…

Còn với nhạc sĩ, NSƯT Huy Thông, hiện đang công tác tại đoàn nghệ thuật tỉnh, mảnh đất Điện Biên đã cuốn hút anh ngay từ khi tốt nghiệp trung cấp sư phạm nhạc họa Thái Bình lên đến đây, để rồi quyết định ở lại. “Tình yêu lịch sử đã níu tôi lại với mảnh đất Điện Biên này”, Huy Thông tâm sự. Lấy lịch sử hào hùng để khơi nguồn cảm hứng lớn, nhạc sĩ chia sẻ điều tâm niệm: Tôi vốn mê sử, hồi nhỏ đã đọc nhiều về vùng đất này và những chiến công. Càng trưởng thành càng nhận thấy, lịch sử vốn ở trong tư liệu, sách vở. Nhưng những gì đang hiện hữu mang hơi thở cuộc sống hôm nay sẽ là lịch sử của mai sau, rất cần được lưu giữ, được lịch sử hóa. Nếu không, trong tương lai không xa sẽ có một quãng mờ.

Năm 1998 bước vào hoạt động nghệ thuật, ca khúc đầu tay của anh đã viết về nơi sẽ là quê hương mới của mình với tựa đề “Vóc dáng Điện Biên”. Thời điểm tỉnh chuyển trung tâm về TP Điện Biên Phủ, còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, người nghệ sĩ mong giới thiệu với khán thính giả về một Điện Biên mới đang từng ngày thay da đổi thịt, từng ngày đẹp lên. “Ngoài lịch sử hào hùng, ngoài tầng tầng lớp lớp di tích, còn có một Điện Biên gắn chặt với bản sắc dân tộc, một Điện Biên có sự chung tay, đại đoàn kết của các dân tộc đang sống và xây dựng mảnh đất này”, nhạc sĩ nói. Bởi thế mà, như trong bài hát “Một thoáng Điện Biên”, anh kết nối quá khứ chiến trận đến hôm nay tươi mới, lung linh: “Điện Biên một miền đất huyền thoại. Trong câu ca xưa hay những câu chuyện cổ. Hồng Cúm, Him Lam, A1, Mường Thanh, dòng sông Nậm Rốm. Vẫn còn đây một thời hào hùng. Vẫn vẹn nguyên một thời máu lửa… Về chiến trường xưa nay đã thành huyền thoại, thành phố mọc lên với những công trình. Điện sáng vùng cao, ngày mới bừng lên đẹp trong ánh bình minh. Điện Biên ơi, viên ngọc sáng lung linh giữa đất trời Tây Bắc”.

“Sống” cùng Điện Biên Phủ lịch sử (kỳ 3) ảnh 1

Thành phố Điện Biên Phủ hôm nay.

Khát vọng cống hiến

Huy Thông hay Phạm Mạnh Cường vẫn ngày ngày đóng góp với đời sống văn hóa Điện Biên trong vai trò nhà quản lý, nghệ sĩ của đơn vị văn hóa, nghệ thuật. Với họ, mỗi dịp kỷ niệm dù năm chẵn hay năm lẻ, hay không cứ vào dịp kỷ niệm, thì việc tiếp tục ngân lên về những giá trị tiềm tàng của vùng đất này trong cuộc phát triển, mời gọi bốn phương, vẫn là việc làm thường xuyên, cùng nhiều đồng nghiệp khác.

Nhưng cả với nhiều người nay đã nghỉ ngơi, thì niềm thiết tha mong đóng góp chút gì vẫn là thường trực, như các thành viên Câu lạc bộ (CLB) nghệ thuật người cao tuổi 7/5 tỉnh Điện Biên. Chúng tôi tìm đến Nhà văn hóa tổ dân phố 5 phường Tân Thanh, TP Điện Biên Phủ khi các ông, các bà mái đầu đã nhiều sợi bạc đang miệt mài khớp đội hình múa với ca và nhạc, chuẩn bị cho hội diễn văn nghệ quần chúng do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại TP Điện Biên Phủ. Là đội “chủ nhà”, chương trình “Trái tim người chiến sĩ” gồm 6 tiết mục của CLB được hân hạnh diễn khai mạc.

Làm sao để viết được những tác phẩm tâm đắc về mảnh đất Điện Biên đang từng ngày phát triển trên bệ đỡ lịch sử hào hùng, NSƯT Huy Thông chia sẻ suy tư của mình. Nhắc lại các ca khúc vang vọng đến hôm nay như “Qua miền Tây Bắc” của nhạc sĩ Nguyễn Thành, “Giải phóng Điện Biên” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, “Hò kéo pháo” của nhạc sĩ Hoàng Vân…, Huy Thông cho rằng, một Điện Biên mang hơi hướng dân tộc, một Điện Biên ngập tràn bản sắc được nhắc đến còn ít, nên cần được tô điểm bằng chất liệu âm nhạc truyền thống riêng có của vùng đất này.

Ngoài 25 hội viên, nữ từ 55, nam từ 65 tuổi trở lên, CLB còn có 10 cộng tác viên là hạt nhân văn nghệ từ các sở, ban, ngành của tỉnh. Ông Nguyễn Văn Huyến, Tổ trưởng dân phố, trước làm tài chính kế hoạch ở huyện Điện Biên cho biết, mọi người tập hăng lắm, 2-3 buổi mỗi tuần. Mấy năm qua đi hội diễn ở miền trung, miền nam đều giành được thành tích cao, thành ra lại tự gây áp lực. CLB mỗi lần xây dựng tiết mục, chương trình đi “thi đấu” là lại phải nghiền ngẫm, thể hiện nét gì mới, khác. Và như bà Lò Thị Kịn, từng là diễn viên múa của đoàn nghệ thuật tỉnh chia sẻ, thì năm nay trong không khí kỷ niệm, các bài múa đều mới, phải có cả phần múa mang “chất” chính trị, cả phần mang sắc thái dân gian. Thế nên phải nghiên cứu mấy ngày rồi mới tập cho các nữ hội viên CLB từng động tác.

Chủ nhiệm CLB Nguyễn Đăng Quang, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh đã nghỉ công tác nhưng còn “mặn mà” với phong trào chung. Theo dõi các hoạt động dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ thời gian qua, ông nói: Có nhiều cái thiết thực. Như học sinh đi dọn dẹp nghĩa trang, thắp hương tri ân liệt sĩ. Bây giờ nghĩa trang đẹp như công viên, thấm đẫm tình người. Hoặc Liên hiệp các Hội VHNT toàn quốc phối hợp VHNT tỉnh tổ chức sáng tác theo đề tài Điện Biên Phủ; mở trại, bày tác phẩm mời dân xem. Những việc đó đều cần làm nhiều hơn.

Ông Quang cũng cho rằng, trước kia khi tổ chức kỷ niệm, diễn văn thường dài trong khi người dân thì muốn xem nhiều hơn. Nay thì đã thay đổi rồi. Nhưng trong việc tôn vinh dấu son lịch sử thì sao cho sáng tạo hơn. Cần khai thác tốt hơn tài nguyên văn hóa, cần làm bật lên mục tiêu hội nhập, lan tỏa nguyện vọng hòa bình, lòng nhân ái, tâm hồn dân tộc và tinh thần giao thoa, hợp tác Việt Nam với bạn bè 5 châu.

Mơ ước của ông Quang, cũng là suy nghĩ chung của nhiều người khác ở thành phố lịch sử. Đợt kỷ niệm 70 năm chiến thắng vĩ đại của dân tộc, cũng chính là một cuộc khơi dậy những sáng tạo cụ thể để thực hóa ngày càng nhiều hơn suy nghĩ đó. Rộng và sâu xa, chính tình yêu đất nước, quê hương, niềm tôn kính những chiến công lớn lao và sự dũng cảm, đức hy sinh của cha anh đã trở nên đòi hỏi cho những đổi mới, sáng tạo.

“Sống” cùng Điện Biên Phủ lịch sử (kỳ 2)

“Sống” cùng Điện Biên Phủ lịch sử (kỳ 1)