Khơi dậy sức mạnh văn hóa

Quan tâm hơn các nghệ sĩ, giảng viên lão thành

Nghị định số 61/2024/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” vừa ban hành với một số điểm mới tích cực. Từ đây gợi ra nhiều việc nên sớm làm để bổ khuyết cho những thiếu hụt trước đây khi áp dụng quy định cũ. Nhất là đối với các nghệ sĩ, giảng viên lão thành, có nhiều đóng góp cho nghề nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ trao danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú lần thứ 10. Ảnh: KHIẾU MINH
Lễ trao danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú lần thứ 10. Ảnh: KHIẾU MINH

“Phần mềm” tiến bộ

Cũng như các quy định lâu nay, Nghị định đưa ra các tiêu chuẩn thuộc “phần cứng” mà “ứng viên” cần phải trải qua, đạt được khi xét chọn. Như với Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), thì thời gian làm nghề là 20 năm hoặc 15 năm với xiếc, múa; đã là Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) và tiếp tục đạt ít nhất 2 giải Vàng quốc gia, trong đó 1 giải của cá nhân; hoặc đạt ít nhất 3 giải Vàng quốc gia được quy đổi.

Còn với danh hiệu NSƯT thì có thời gian làm nghề 15 năm trở lên hoặc 10 năm với xiếc, múa; có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia, trong đó 1 là của cá nhân; hoặc có ít nhất 1 Vàng quốc gia cộng 2 Bạc quốc gia, trong đó Vàng quốc gia là của cá nhân; hoặc ít nhất 3 giải Vàng quốc gia được quy đổi cho cá nhân.

Trong các giải trên, ngoài một số trường hợp phải có giải cá nhân thì giải Vàng hay Bạc còn lại được quy đổi từ những giải chung của nghệ sĩ “ứng viên” với các nghệ sĩ khác, với tập thể trong vở diễn, bộ phim… mà mình tham gia. Đây cũng là sự linh hoạt đánh giá mà khi làm hồ sơ, các nghệ sĩ, đơn vị nghệ thuật cần lưu ý và quy đổi, tính toán sao cho sát, không bỏ sót đóng góp, công sức nghệ sĩ, nhất là trong các tác phẩm nghệ thuật chung, đông người.

Đáng chú ý hơn, là Nghị định lần này có “phần mềm” tính đến những trường hợp cống hiến nổi trội, tài năng xuất sắc nhưng chưa đủ năm hoặc giải thưởng. Các “ứng viên” này sẽ được xét theo những tiêu chí như: có nhiều đóng góp tiêu biểu, xuất sắc, đặc biệt là trong kháng chiến; vẫn tích cực hoạt động, phục vụ nhiệm vụ chính trị từ cấp tỉnh trở lên. Một số lĩnh vực mang tính đặc thù cao vốn vẫn được cho là lao lực, thiệt thòi hơn như xiếc, múa, giao hưởng, thính phòng, nhạc vũ kịch, nhạc kịch được tính đến với năm công tác có giảm so đòi hỏi chung. Đó cũng là nét đáng chú ý. Ở mảng “phần mềm” này, Nghị định còn tính đến các giáo viên, giảng viên văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, có học sinh, sinh viên giành giải Vàng quốc gia, quốc tế. Như với “ứng viên” xét NSND thì học trò được 3 giải, xét NSƯT thì 1 Vàng, 1 Bạc.

Đồng hành chu đáo với các bậc thầy

Như vậy, các quy định mới đã quan tâm đến các nghệ sĩ cao tuổi nhiều đóng góp và các giảng viên có thành quả cao trong giảng dạy nhưng vốn lâu nay thiếu huy chương, không có giải, trở thành tâm điểm băn khoăn, bức xúc, chạnh lòng mỗi “mùa danh hiệu”. Từ những nét mới của Nghị định, rất nên có hành động rà soát cụ thể để hỗ trợ kịp thời trước thềm đợt xét danh hiệu NSND, NSƯT tới đây. Bởi các đối tượng “rớt lại” như trên cũng không ít và đang ngày càng tuổi cao, sức yếu.

Việc này không thuộc trách nhiệm của cơ quan bộ, ngành, đơn vị phụ trách việc thi đua khen thưởng hay các hội đồng vốn cũng rất nhiều việc khi vào “mùa danh hiệu”. Mà mong chờ vào sự chủ động của các đơn vị nghệ thuật và cơ sở đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp. Bởi đó là những nơi các nghệ sĩ, giảng viên gắn bó; lãnh đạo nhà hát, đoàn nghệ thuật, nhà trường cùng đồng chí, đồng nghiệp sẽ hiểu sâu sắc hơn cả về những cống hiến, đóng góp của họ. Ngoài ra nên có sự tham gia của hội nghề nghiệp như sân khấu, múa, điện ảnh… ở cấp trung ương và địa phương với tư cách là tổ chức bảo vệ quyền lợi nghệ sĩ hội viên. Các hội đó cũng cần đồng hành, hỗ trợ nghệ sĩ, phối hợp với đơn vị, nhà trường trong việc rà soát, đánh giá thành tích và hoàn thiện hồ sơ cho nghệ sĩ, giảng viên. Đặc biệt là với các trường hợp đã nghỉ hưu, nghĩa là không trong phạm vi quản lý, thì sự hỗ trợ này càng phải nhiệt tình, công tâm và thấu đáo.

Những năm qua, nhiều nghệ sĩ, giảng viên cao tuổi không khỏi bùi ngùi khi xã hội bừng lên những đợt vinh danh, còn mình lại có cảm giác bị… quên, được đánh giá chưa đầy đủ. Vẫn biết “hữu xạ tự nhiên hương” và phẩm chất nghệ thuật xuất chúng, đóng góp nghề nghiệp có bề dày thì những giá trị của nó vẫn tồn tại lâu dài. Nhưng có khi những lấp lánh đó được ghi nhận chủ yếu trong giới nghề, còn ở các cấp lãnh đạo hay nghệ sĩ thế hệ sau, thậm chí những khán giả mới trong xã hội thì cũng không biết hay hiểu hết. Vì thế mà việc đồng hành cần thiết của cơ quan, đơn vị, hội nghề với những “tinh hoa thiếu huy chương” hay các bậc lão thành chính là góp phần khẳng định uy tín, thành quả, đóng góp của họ; tôn vinh những tài năng nghệ thuật. Sâu xa hơn là khơi dậy những giá trị văn hóa đã được tích lũy, hình thành trong nhiều thập kỷ qua của đời sống văn hóa, nghệ thuật nước nhà.