Chú trọng tạo nguồn phục vụ công tác nhân sự

Ðể tổ chức thành công Ðại hội Ðảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam chủ động sắp xếp, bố trí, điều động, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch tạo nguồn chuẩn bị trước một bước nhân sự đại hội. Công tác cán bộ có nhiều đổi mới, được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đồng bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Thị ủy Duy Tiên Nguyễn Văn Lượng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Thường trực Thị ủy làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ phường Bạch Thượng.
Bí thư Thị ủy Duy Tiên Nguyễn Văn Lượng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Thường trực Thị ủy làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ phường Bạch Thượng.

Luân chuyển để rèn luyện, thử thách

Ba năm đảm nhiệm Bí thư Đảng ủy xã Liêm Tuyền (thành phố Phủ Lý), thường xuyên điều hành hội nghị đông đại biểu, giao ban nhiều nội dung, đồng chí Nguyễn Văn Dũng dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu, tìm tòi học hỏi. Cán bộ cơ sở giúp đỡ, chia sẻ, góp ý chân thành, công việc dần vào guồng, bỡ ngỡ ban đầu chóng qua. Am hiểu thực tiễn ở cơ sở, trở lại Ban Tổ chức Thành ủy công tác, công việc thêm nhiều thuận lợi.

Ngay từ buổi đầu nhận nhiệm vụ mới, Bí thư Đảng ủy phường Trần Hưng Đạo Phạm Tiến Dũng nhanh chóng nắm bắt tình hình địa bàn, quyết tâm cùng Ban Thường vụ, Ban Chấp hành chỉ đạo thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ phường. Các chủ trương, đường lối triển khai đến các chi bộ nhận được sự ủng hộ, đồng thuận trong đảng viên, nhân dân. Phát huy kinh nghiệm tuyên truyền, vận động khi làm Bí thư Thành đoàn Phủ Lý, năng nổ, kiên trì lăn xả, nhiều việc khó như rà soát, tìm nhân sự Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng dân phố số 8, quản lý hè đường... được giải quyết rốt ráo.

Thực tiễn minh chứng Bí thư Đảng ủy phường, xã không phải là người địa phương năng động, sáng tạo hơn, khắc phục được sức ì, nể nang trong điều hành, khẳng định năng lực, bản lĩnh. Tâm lý cán bộ thích ổn định, làm gần nhà quen người, quen việc, ban đầu có người còn băn khoăn, lo lắng khi về môi trường mới, nhưng do làm tốt công tác tư tưởng, có “dự lệnh” sớm nên chủ trương nhận được sự đồng thuận, kết quả vượt mục tiêu đề ra, với 72/109 bí thư cấp xã, 23/109 chủ tịch UBND cấp xã không phải là người địa phương. Điều chuyển cán bộ về cơ sở tạo cơ hội rèn luyện, thử thách, trưởng thành, trước đó Thành ủy Phủ Lý đánh giá toàn diện sở trường, khả năng, tính cách từng đồng chí để bố trí phù hợp địa bàn, phát huy thế mạnh, tạo dấu ấn, từ đó lan tỏa tinh thần trách nhiệm, tận tâm trong công việc của cấp dưới.

Bí thư Thị ủy Duy Tiên Nguyễn Văn Lượng lấy câu chuyện luân chuyển từ Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam về thị xã để chia sẻ với các Bí thư Đảng ủy phường, xã được điều chuyển, nhấn mạnh dù công tác ở địa bàn nào cũng đóng góp chung cho thị xã, tỉnh nhà phát triển. Coi Duy Tiên là quê hương thứ hai, Bí thư Thị ủy nắm bắt tổng thể, đôn đốc tháo gỡ khó khăn, chỉ đạo toàn diện, góp phần tạo diện mạo khởi sắc cho một thị xã trẻ đang phấn đấu trở thành đô thị loại 3.

Theo Bí thư Huyện ủy Thanh Liêm Hoàng Mạnh Dũng, huyện xác định khâu đột phá là đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ gắn với bảo vệ môi trường, tập trung nguồn lực xây dựng đô thị. Đến nay 15/15 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đều đạt và vượt hơn 50% kế hoạch Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXX đề ra, nhiều chỉ tiêu có mức tăng khá. “Chìa khóa” thành công chính là quy tụ, phát huy sức mạnh đoàn kết, thống nhất, dân chủ trong tập thể lãnh đạo và bản thân người đứng đầu nêu gương.

Trước đây là Phó Giám đốc Sở Xây dựng phụ trách lĩnh vực chuyên môn chuyên sâu, khi về Thành ủy Phủ Lý công tác đòi hỏi tầm nhìn bao quát, tiếp xúc với đông đảo người dân, Phó Bí thư Nguyễn Thị Phúc Thảo cầu thị học hỏi, tiếp thu nâng cao trình độ và nắm bắt tiếp cận cùng với sắp xếp chu toàn việc nhà để đáp ứng tốt nhất yêu cầu công việc. Số cán bộ nữ tham gia công tác lãnh đạo quản lý trong toàn tỉnh ngày càng tăng, trong nhiệm kỳ đã cử 117/392 lượt cán bộ nữ tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, đào tạo sau đại học, lý luận chính trị.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam đã xây dựng, sửa đổi và ban hành 7 quy định, 1 quyết định, 3 kế hoạch cùng nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ về công tác cán bộ, bảo đảm đúng nguyên tắc, đúng quy trình để làm căn cứ cho công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ cũng như chuẩn bị một bước công tác nhân sự Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030; đẩy mạnh phân cấp phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.

Toàn tỉnh sắp xếp, giảm 29 đầu mối cấp phòng, ban thuộc các sở, ban, ngành trong tỉnh, tương ứng giảm 57 lãnh đạo cấp phòng và tương đương. Trong xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 với mục tiêu và lộ trình cụ thể cho từng cấp. Riêng cấp huyện, đã thực hiện sắp xếp 6/6 Bí thư, 4/6 Chủ tịch UBND không phải là người địa phương; luân chuyển cán bộ trẻ từ tỉnh về làm Phó Chủ tịch UBND cấp huyện tại 4/6 huyện, thị xã, thành phố.

Các cấp ủy, tổ chức đảng và các cơ quan, địa phương, đơn vị xây dựng, ban hành quy định và thực hiện nghiêm công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu cán bộ ứng cử; khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, vì lợi ích chung. Tuyển dụng đúng người, bố trí đúng việc, tạo môi trường thuận lợi, cơ hội, điều kiện để cán bộ phát huy sở trường, yên tâm công tác, cống hiến, trưởng thành.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức các lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn Ban Chấp hành và cán bộ lãnh đạo diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, mời giảng viên ở Trung ương giảng dạy các chuyên đề thiết thực, sát với tình hình thực tế địa phương, giúp học viên mở mang tầm nhìn chiến lược, kết hợp tham quan thực tế học hỏi kinh nghiệm, từ đó có định hướng chỉ đạo phù hợp trong lĩnh vực đảm trách. Theo Phó Bí thư Huyện ủy Thanh Liêm Trần Xuân Thành, việc tạo điều kiện cho cán bộ học tập, bồi dưỡng trên cơ sở khung tiêu chí chức danh, chú trọng đào tạo qua thực tiễn, luân chuyển từ huyện về xã, luân chuyển ngang giúp cọ xát thực tế, phát triển, trang bị đầy đủ điều kiện để kịp thời đưa vào các vị trí quy hoạch phù hợp.

Chú trọng tạo nguồn phục vụ công tác nhân sự ảnh 1
Bí Thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy trao Quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy chuẩn y đồng chí Hoàng Mạnh Dũng giữ chức Bí thư Huyện ủy Thanh Liêm, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh trong bài | ĐÀO PHƯƠNG

Các giải pháp trọng tâm

Lãnh đạo Tỉnh ủy Hà Nam chia sẻ, đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp ngày càng trưởng thành, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất tốt, có ý thức kỷ luật, có trình độ, chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị được nâng lên. Nhiều tổ chức cơ sở đảng giữ vững và phát huy vai trò hạt nhân chính trị, lãnh đạo cán bộ, đảng viên thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị được giao.

Nhân sự Ban Chấp hành Đảng bộ các cấp tham gia lãnh đạo toàn diện cần có tầm nhìn bao quát, hiểu biết nhiều lĩnh vực để tham gia thảo luận, đóng góp xây dựng các nghị quyết, chương trình, kế hoạch. Đòi hỏi đặt ra là thực hiện đồng bộ công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có cơ cấu, số lượng hợp lý, có đủ trình độ, năng lực, phẩm chất và uy tín, lựa chọn nhân tố nổi trội dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hiệu quả công tác tốt để bố trí giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là người đứng đầu, bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Quy hoạch có “động” và “mở”, có vào có ra, quan tâm cán bộ nữ, trẻ, có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch về cơ sở giữ các chức vụ chủ chốt để phát triển toàn diện. Thực hiện tốt việc thẩm định tiêu chuẩn chính trị đối với cán bộ đưa vào quy hoạch và nhân sự được xem xét bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của tỉnh về công tác tổ chức cán bộ bảo đảm theo đúng với các quy định, kết luận của Trung ương, phù hợp tình hình thực tiễn địa phương.

Cùng với đó tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tinh giản biên chế gắn với nâng cao chất lượng, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao chất lượng kiểm điểm, đánh giá, phân loại tập thể, cá nhân bảo đảm thực chất, khắc phục bệnh thành tích. Thực hiện phân cấp, phân quyền hợp lý, rõ ràng giữa cấp trên và cấp dưới, gắn quyền hạn với trách nhiệm.