Phát triển tour chăm sóc sức khỏe ở Huế

Không chỉ nổi tiếng với vùng đất du lịch di sản, những năm gần đây, tỉnh Thừa Thiên Huế đang xúc tiến xây dựng các điểm đến kết hợp chăm sóc sức khỏe. Đây được xem là xu hướng góp phần phát triển du lịch theo hướng bền vững, thân thiện môi trường. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, để phát triển được loại hình du lịch này một cách chuyên nghiệp, bài bản, cần phải có đề án cụ thể.
0:00 / 0:00
0:00
Các chuyên gia đang tìm hiểu về ngành đông y Huế phục vụ cho tour mới.
Các chuyên gia đang tìm hiểu về ngành đông y Huế phục vụ cho tour mới.

Có lợi thế nhưng chưa xứng tầm

Khảo sát của Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho thấy, địa phương có nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên để phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe, y tế như vườn quốc gia Bạch Mã, vịnh Lăng Cô, biển Cảnh Dương, Thuận An, Vinh Thanh… Đặc biệt là suối khoáng nóng Thanh Tân, nước khoáng nóng A Roàng, nước khoáng bùn Mỹ An. Bên cạnh đó, vùng đất này có nền y học cổ truyền lâu đời, nhiều lương y, lương dược danh tiếng phục vụ cung đình với đỉnh cao là Thái y viện triều Nguyễn.

Tây y ở Huế cũng được đánh giá không thua kém với hệ thống các bệnh viện có hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại. Ngoài ra còn có nhiều hệ thống khu nghỉ dưỡng, khách sạn được xây dựng trong những không gian yên bình, dễ dàng hòa mình với thiên nhiên và thích hợp để khai thác du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh.

Từ những khảo sát đó, ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết, đã đề xuất các giải pháp phát triển, chăm sóc sức khỏe y tế tại Huế. Trong đó tập trung vào quy hoạch phát triển du lịch, cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển, đầu tư cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật, tăng cường xúc tiến quảng bá, phát triển nguồn nhân lực, đa dạng hóa sản phẩm.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc tận dụng lợi thế và khai thác loại hình du lịch này đến nay vẫn chưa chuyên nghiệp cũng như chưa xứng tầm với tiềm năng và kỳ vọng. Theo bà Nguyễn Hoàng Thụy Vy, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội du lịch Thừa Thiên Huế, phần lớn các sản phẩm du lịch sức khỏe thời gian qua vẫn chủ yếu do các đơn vị nghỉ dưỡng cung cấp tại chỗ. Một số tour du lịch chuyên biệt phát triển manh mún, chưa có sự đồng bộ ở các điểm đến để mang lại trải nghiệm thật sự khó quên cho du khách. Bên cạnh đó cũng chưa có các đơn vị đứng ra chịu trách nhiệm, thẩm định chất lượng những tour du lịch này. “Huế là một địa phương có thế mạnh về y học, trong đó, liệu pháp chữa bệnh không dùng thuốc (châm cứu, khí công, yoga) hay chữa bệnh bằng thuốc nam đang dần được du khách trong và ngoài nước biết đến. Vì vậy để duy trì và phát triển tinh hoa này trở thành loại hình du lịch kết hợp chữa bệnh được nhiều người ưa thích, rất cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, của các cấp, các ngành để có được sản phẩm chuyên nghiệp và chất lượng”, bà Vy kiến nghị.

Cần có đề án phát triển tổng thể

Đồng quan điểm, ông Hoàng Văn Khánh, Giám đốc Công ty du lịch Viettravel Huế nhận định, trên thế giới, du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe không phải là một loại hình mới và đã từng có nhiều dự báo tăng trưởng ở tương lai. Vì thế, ông Khánh cho rằng, nếu Huế phát triển được loại hình du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe sẽ góp phần định hình lại thị trường du lịch trong bối cảnh mới, sau đại dịch. Không chỉ dừng lại đó, loại hình này còn tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của khách hàng, nâng cao tay nghề cho đội ngũ chuyên môn, nâng tầm chuyên môn hóa và công nghiệp của ngành dịch vụ. Điều này, dẫn đến thúc đẩy tăng nguồn thu bền vững và nâng cao tỷ trọng đóng góp của ngành này trong tổng thể chung của nền kinh tế.

TS Đỗ Thị Thanh Hoa, Phó Viện trưởng Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) cho rằng, Thừa Thiên Huế cần tận dụng vị trí ngay giữa thiên nhiên xanh, khuyến khích các cơ sở lưu trú phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe và xây dựng khu chăm sóc sức khỏe, trị liệu rộng lớn và thuận tiện để mọi người trải nghiệm. Song song với đó, nên kêu gọi hợp tác, đầu tư phát triển các mô hình du lịch nghỉ dưỡng - chăm sóc sức khỏe - trị liệu chất lượng cao với nhiều tiện nghi. Mở rộng các hoạt động trải nghiệm dành cho du khách như spa, massage trị liệu, tắm dược liệu, tắm khoáng, các hoạt động thể thao ngoài trời gắn với thiên nhiên. Cùng với đó, tăng cường phối hợp với các ngành liên quan như y tế, tài nguyên môi trường để thẩm định các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe nhằm bảo đảm cũng như quản lý chất lượng kỹ thuật các sản phẩm trên.

Để làm được những điều đó, theo bà Hoa, ngành du lịch Huế cần có đề án tổng thể phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe phù hợp chiến lược phát triển du lịch của cả tỉnh. “Cần nghiên cứu và đánh giá một cách khoa học về các yếu tố tiềm năng cũng như hiện trạng của địa phương. Bên cạnh đó cần xác định phân khúc thị trường cụ thể để bảo đảm việc phát triển sản phẩm phù hợp nhu cầu và xu hướng thay đổi trong bối cảnh mới cũng như quy mô, tầm vóc phát triển và hành lang chính sách thuận lợi cho việc đầu tư”, bà Hoa lưu ý.