Phát triển nghệ thuật xiếc trong bối cảnh mới (Kỳ 1)

Là niềm ao ước của nhiều thế hệ trẻ em, những màn xiếc đầy mầu sắc đã gắn liền với tuổi thơ của nhiều người. Thời hoàng kim của xiếc Việt đã trôi qua, nhưng một kỷ nguyên mới đang mở ra trong thời đại kinh tế thị trường, đòi hỏi những nỗ lực đổi mới, sáng tạo và tranh thủ từng cơ hội. Điều này đang trở nên thách thức những người gắn bó với niềm đam mê làm nên điều phi thường trên sân khấu bốn mặt.
0:00 / 0:00
0:00
Tiết mục “Đu nón” đoạt Huy chương bạc tại Liên hoan xiếc thế giới “IDOL” 2024 tại Liên bang Nga. Ảnh: LĐXVN
Tiết mục “Đu nón” đoạt Huy chương bạc tại Liên hoan xiếc thế giới “IDOL” 2024 tại Liên bang Nga. Ảnh: LĐXVN

Kỳ 1: Hồi ức tháng ngày rực rỡ

Sau những phút thăng hoa trên sân khấu, cuộc sống của các nghệ sĩ xiếc là một hành trình gian nan. Hằng ngày, họ đối mặt với những bài tập khắc nghiệt, những cú ngã đau đớn để rèn luyện kỹ năng. Mồ hôi, nước mắt và cả máu đã thấm đẫm trên con đường chinh phục đỉnh cao nghệ thuật, vượt qua giới hạn của con người. Hành trình ấy còn thường trực những lo toan về đời sống thường nhật.

Từ gánh xiếc quê nhà ra sân chơi thế giới

Có người ví tuổi thơ như một thước phim đơn sơ chưa qua hậu kỳ, bởi nó chứa đựng những khoảnh khắc mộc mạc, hồn nhiên nhất nhưng lại muôn vàn màu sắc. Một trong những gam mầu nổi bật nhất tô điểm vào đó là những màn biểu diễn xiếc náo nhiệt. Sân khấu xiếc như một tấm vải trắng, nơi các nghệ sĩ tài năng vẽ nên những bức tranh sống động.

Tiếng trống rộn rã mở đầu cho những màn biểu diễn, tiếng hò reo của khán giả hòa quyện tạo nên một không khí náo nhiệt. Các chú hề với bộ trang phục sặc sỡ luôn mang đến tiếng cười, những màn tung hứng khéo léo, các diễn viên xiếc thì khiến khán giả thót tim với những màn nhào lộn, thổi lửa, nuốt kiếm... ngoạn mục. Đặc sắc hơn thì có thêm sự tham gia của một vài “bạn diễn” khác như khỉ, trăn, chó…, đều đã được huấn luyện biểu diễn một cách thuần thục. Những màn xiếc với dụng cụ biểu diễn có phần cũ kỹ đã trở thành một phần ký ức đẹp đẽ của nhiều người, mở ra thế giới diệu kỳ với vô vàn “phép thuật”.

“Tôi không thể quên được hồi tiểu học, đi học về là trẻ con trong xóm đã hò nhau mang ghế đi xếp chỗ mong “xí” được vị trí đẹp nhất xem đoàn diễn xiếc mới về. Đoàn diễn chỉ khoảng 5-6 người, thay nhau trình diễn, dưới sân đông nghịt, từ trẻ nhỏ đến người lớn với từng tràng cười xen lẫn pháo tay, những tiếng “ồ” vang lên không ngớt”, anh Vũ Duy Quang (32 tuổi, Hà Nội) chia sẻ.

Xiếc Việt đã trải qua hơn 100 năm phát triển, từ những viên gạch đầu tiên do cố NSND Tạ Duy Hiển đặt nền móng đến nay đã xây nên một “cơ ngơi” đáng tự hào. NSƯT Trịnh Mạnh Hùng, giảng viên Khoa xiếc - Trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam nhớ lại: “Công chúng từng hâm mộ xiếc không khác gì giới trẻ bây giờ hâm mộ thần tượng, những ánh mắt theo dõi mỗi chương trình đều tràn đầy ngưỡng vọng và sự khâm phục”.

Từ năm 1975, Việt Nam có sự thành lập và hoạt động của nhiều đơn vị như Đoàn xiếc Thăng Long, Đoàn xiếc Hà Nội, Đoàn xiếc Hải Phòng và Đoàn xiếc cảnh sát... những năm 1991 đến năm 2000 được cho là thời kỳ hoàng kim của xiếc khi chứng kiến nhiều diễn viên, nghệ sĩ “đem chuông đi đánh xứ người”.

Cột mốc đáng nhớ nhất có lẽ là lúc khánh thành Rạp xiếc Trung ương năm 1992 sau 8 năm thi công, Việt Nam chính thức có một địa điểm hoành tráng ghi tên mình trên bản đồ nghệ thuật xiếc thế giới. Xiếc Việt Nam tỏa sáng ở những sân khấu lớn cùng các nước bạn có nền nghệ thuật xiếc lâu đời bậc nhất như Trung Quốc, Nga, Tây Ban Nha,…

Thời gian qua, xiếc Việt Nam đã đem về những “lần đầu tiên” đầy tự hào như tiết mục “Đu siêu nhân” đạt Huy chương vàng tại liên hoan Xiếc quốc tế Albacete lần thứ 3 tổ chức tại Tây Ban Nha năm 2010, giành giải vàng tại Liên hoan Xiếc quốc tế Monte Carlo 2010 với màn biểu diễn “The Lune Production” (hay còn gọi là “A O Show”), giải vàng tại Liên hoan Xiếc quốc tế Wuqiao 2011 - một trong những Liên hoan xiếc lớn và uy tín nhất tại Trung Quốc, “Cánh chim Việt” đạt giải Mái bạt vàng tại Liên hoan xiếc quốc tế Cuba 2017, “Đu son” ẵm chiếc Vương miện vàng danh giá tại Liên hoan xiếc quốc tế 2022, Huy chương vàng tại Liên hoan Xiếc quốc tế Kazakhstan 2023. Hay mới đây nhất là giải Grand Prix (Giải thưởng lớn) tại Lễ hội Xiếc quốc tế Yakutia 2024 (Nga)… Cùng với đó là rất nhiều giải thưởng cá nhân, giải thưởng khán giả yêu thích, huy chương các hạng khác. Những thành quả đó đưa xiếc Việt lên vị trí đáng tự hào bên cạnh các cường quốc về xiếc.

Ranh giới mong manh

Theo nghiệp diễn xiếc, các diễn viên đều phải luyện tập, làm quen từ lúc còn nhỏ, khi mà cơ thể còn đang mềm dẻo. Song song với việc học văn hóa là những buổi vặn mình, uốn nắn, chỉ ăn rồi tập luyện nhuần nhuyễn các kỹ năng cơ bản. Tuy nhiên, mỗi diễn viên xiếc chỉ có thể trình diễn điêu luyện từ 2-3 kỹ năng trong suốt quá trình làm nghề bởi thời gian luyện tập đã mất từ 5-6 năm.

Theo nghề đến nay đã khoảng hơn 22 năm, diễn viên xiếc Nguyễn Mạnh Thường (Liên đoàn Xiếc Việt Nam) chia sẻ, để học thành thạo kỹ năng thăng bằng trên dây và biểu diễn thành công, anh phải luyện tập đều đặn hằng ngày, ngã gãy chân, gãy tay thì nghỉ, khi nào lành lại quay lại tập tiếp. Việc ngã, gặp chấn thương đã được chính các diễn viên “bình thường hoá”. Tuy nhiên, đam mê và lòng dũng cảm đã giúp họ vượt qua nỗi sợ hãi, biến “đánh đu với tử thần” thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, biến những động tác nguy hiểm thành nghệ thuật.

Kể về một lần chấn thương khi leo thang thăng bằng, diễn viên Phạm Việt Cường (Liên đoàn Xiếc Việt Nam) chỉ vào cánh tay phải đã phải nghỉ hơn 2 tháng của anh do một cú ngã từ độ cao hơn 3 m. Nhưng anh tự trấn an rằng, tai nạn đó vẫn nhẹ, vẫn may mắn khi còn có thể quay lại tập luyện.

Hoàn thiện một sân khấu xiếc đặc sắc, bên cạnh các tiết mục xiếc người thì không thể thiếu được xiếc thú. Tất nhiên, những con thú được thuần chủng cũng phải tập luyện chăm chỉ hàng ngày cùng với con người để nhớ bài, người diễn viên lại kiêm luôn vai giảng dạy. Những người bạn diễn không biết nói nhưng lại quyết định rất nhiều đến tính thành công của mỗi tiết mục, người diễn viên lại thêm một vai bác sĩ để thăm dò về trạng thái của bạn diễn mình, có ăn no hay chưa và có một thể lực hoàn hảo nhất để trình diễn không. Và cũng chẳng có một yếu tố nào bảo đảm những người bạn diễn ấy sẽ không làm hại đến diễn viên bởi dù cho có thuần lâu năm đi chăng nữa thì ở một sân khấu với ánh sáng, âm thanh và môi trường lạ, những con thú này đều có thể bị kích động, mất kiểm soát rồi tấn công ngược lại theo bản năng.

Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam - NSND Tống Toàn Thắng kể về một đêm diễn tại Las Vegas (Mỹ), anh chứng kiến một diễn viên xiếc người Anh mới 25 tuổi, đang tập luyện diễn với 5 con hổ đã được thuần chủng. Tưởng như mọi thứ đã quá quen thuộc, cho đến khi 1 trong 5 con hổ kích động lao lên ngoạm vào cổ người diễn viên…

Đắng đót nỗi “cơm áo gạo tiền”

Ánh đèn tắt, người nghệ sĩ lại quay về cuộc sống thường nhật, nỗi lo thu nhập bấp bênh lại ùa về. Nghề xiếc vốn dĩ không đem lại thu nhập cao, có phần thấp hơn mặt bằng chung các ngành nghề khác so những nguy hiểm, hy sinh mà nghệ sĩ phải trải qua. Theo Quyết định 14/2015/QĐ-TTg về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và bồi dưỡng đối với lao động nghệ thuật ngành văn hóa - thông tin, mỗi một diễn viên được trợ cấp từ 60-80 nghìn đồng/ngày cho những đợt tập chương trình mới, chế độ bồi dưỡng từ 150 nghìn đồng đến không vượt quá 200 nghìn đồng/buổi biểu diễn. Cùng với hệ số lương quy đổi từ bằng trung cấp, nhiều người chật vật trong vòng xoáy lo đủ cho gia đình.

Có một quy luật khắt khe mà cay đắng, chính là tuổi nghề của diễn viên xiếc thường rất ngắn. Diễn viên Phạm Việt Cường chia sẻ, sau một quá trình dài làm quen và khổ luyện thì người diễn viên từ 20 tuổi chỉ có khoảng 7-10 năm là thăng hoa cùng sự nghiệp. Đến ngưỡng ngoài 30, kể cả nam hay nữ, dù chăm chỉ tập luyện duy trì đến mấy thì thể chất cũng không cho phép họ làm được những điều tương tự. Đối với diễn viên nữ thì lại càng khắc nghiệt hơn khi mà nhiều người sau khi sinh con, cơ thể thay đổi khiến việc giải nghệ không muốn cũng buộc phải đến sớm.

Dưới ánh đèn sân khấu, nghệ sĩ xiếc như những ngôi sao băng vụt sáng, rồi lại vụt tắt. Nhưng chính trong sự khắc nghiệt, họ đã tìm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc. Họ chính là những nhà thơ, những họa sĩ, vẽ nên những bức tranh tuyệt đẹp bằng chính cơ thể mình.

Thống kê của Hội Khoa học An toàn Vệ sinh Lao động Việt Nam năm 2023, diễn viên xiếc có tần suất tai nạn lao động trong năm lên tới gần 40%, cao gấp 20 lần so mức độ tai nạn lao động trong ngành công nghiệp sản xuất thông thường. Đây là những “con số biết nói” về môi trường khốc liệt mà mỗi diễn viên xiếc phải đối diện mỗi ngày. Những nguy hiểm tiềm tàng từ gãy tay, gãy chân, chấn thương liệt bộ phận, thậm chí là mất đi tính mạng... luôn rình rập từ những buổi tập đến buổi trình diễn.

(Còn nữa)