Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử:

Phát triển kinh tế xanh là lựa chọn tất yếu

Ngành thủy sản với vai trò mũi nhọn của kinh tế Cà Mau đã phát triển nhanh chóng, dẫn đầu cả nước trong nhiều năm qua. Mặt khác, Cà Mau cũng đang từng bước thúc đẩy phát triển bền vững gắn với kinh tế xanh dựa trên những lợi thế tự nhiên sẵn có, thay đổi cơ bản đời sống của bà con. Phóng viên Nhân Dân hằng tháng đã có cuộc trò chuyện cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử (ảnh bên) về vấn đề này.
0:00 / 0:00
0:00
Phát triển kinh tế xanh là lựa chọn tất yếu

Những năm gần đây ngành thủy sản của tỉnh có nhiều phát triển đột phá, trong đó kim ngạch xuất khẩu đã vượt ngưỡng “triệu đô”. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm cho thành tựu đáng kể này?

Có nhiều yếu tố quan trọng góp phần để tỉnh đạt được kim ngạch xuất khẩu thủy sản như hiện nay. Trước hết đó là kỹ thuật sản xuất giống. Nếu không có sự đóng góp của lĩnh vực sản xuất giống thì ngành thủy sản, đặc biệt là ngành nuôi tôm Cà Mau không thể đủ số lượng, bảo đảm về chất lượng tôm giống phục vụ cho nhu cầu nuôi như hiện nay. Kỹ thuật nuôi cũng không ngừng phát triển, từ đó, xuất hiện thêm các mô hình mới, không chỉ thích nghi với biến đổi khí hậu mà còn ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến cho năng suất, sản lượng rất cao. Điển hình như mô hình nuôi siêu thâm canh cho năng suất gấp hàng trăm lần nuôi truyền thống (siêu thâm canh có thể đạt 100 tấn/ha/năm; quảng canh khoảng 0,5 tấn/ha/năm). Một điểm đáng lưu ý nữa là công nghiệp chế biến, không chỉ giúp chúng ta lưu giữ sản phẩm mà ngày càng tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Mặt khác, hoạt động thương mại cũng góp phần to lớn vào sự phát triển của các sản phẩm nông sản nói chung, nhất là với sự ra đời của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Hiện nay, kinh tế xanh đang là xu thế phát triển bởi nó không chỉ chú trọng tăng trưởng và chất lượng sản phẩm mà còn tạo môi trường phát triển bền vững. Ông đánh giá thế nào về phát triển kinh tế xanh của một tỉnh còn nhiều khó khăn như Cà Mau?

Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã đưa ra khái niệm về kinh tế xanh là nền kinh tế mang lại phúc lợi cho con người và công bằng xã hội, giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái.

Đây là một khái niệm mới mẻ, nhất là đối với Cà Mau. Tuy nhiên, kinh tế xanh trong sản xuất nông nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng, không phải là hoạt động mới ở địa phương. Với đặc điểm, điều kiện tự nhiên của mình, từ lâu nhiều sản phẩm nông sản của tỉnh đã được sản xuất theo hướng này. Thời gian gần đây, khi trào lưu kinh tế xanh nhiều nơi phát triển thì phong trào sản xuất xanh của Cà Mau cũng phát triển mạnh mẽ hơn.

Đúng là trong điều kiện còn nhiều khó khăn của một tỉnh vừa nghèo vừa xa các trung tâm kinh tế, thì việc chọn phát triển sản xuất theo định hướng kinh tế xanh đương nhiên sẽ nhiều khó khăn hơn so với các địa phương khác. Song, chúng tôi đã xác định đây là con đường phải chọn vì đó là lợi thế của Cà Mau và đòi hỏi của người tiêu dùng, là xu hướng tất yếu mà các nước phát triển đã và sẽ lựa chọn.

Được biết Cà Mau là địa phương có lợi thế trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ và bước đầu đã đạt được các kết quả khả quan. Tỉnh đã chú trọng đầu tư cho mục tiêu phát triển mảng kinh tế này như thế nào?

Với đặc điểm, điều kiện thuận lợi và sự cố gắng nỗ lực của địa phương, trong những năm qua, tỉnh đã tập trung phát triển mô hình sản xuất theo xu hướng kinh tế xanh, thích ứng biến đổi khí hậu, thân thiện môi trường, đem lại hiệu quả cao trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Có thể kể đến mô hình nuôi tôm sinh thái, tôm hữu cơ theo các tiêu chuẩn chứng nhận, được các các doanh nghiệp chế biến thủy sản như Minh Phú, CASES, Camimex, Seanamico... liên kết với các Ban Quản lý rừng và các hộ dân triển khai thực hiện. Đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh đã được chứng nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế khoảng 19.000ha, với gần 4.200 hộ. Kích cỡ tôm thương phẩm lớn, chất lượng cao nên được nhiều thị trường ưa chuộng. Mô hình nuôi tôm sinh thái, hữu cơ vừa gắn với lợi ích kinh tế vừa góp phần tích cực vào việc bảo vệ, phát triển rừng. Mô hình cũng có tác động tích cực tới nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái rừng ngập mặn, vì hoàn toàn không sử dụng hóa chất trong quá trình nuôi, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Mô hình tôm-lúa cũng được quan tâm chỉ đạo phát triển theo hướng hữu cơ, áp dụng các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Đến nay, có khoảng 100ha được chứng nhận tôm hữu cơ theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN: 11041 cho các Hợp tác xã và khoảng 700ha do Minh Phú liên kết thực hiện đang trong giai đoạn đánh giá để chứng nhận. Ngoài ra Cà Mau còn khá nhiều diện tích đất chưa sản xuất thâm canh, chưa sử dụng nhiều phân bón vô cơ, nên đã triển khai sản xuất lúa đạt chứng nhận hữu cơ. Hiện toàn tỉnh đã có 800 ha lúa được cấp chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ trong nước và quốc tế, xây dựng trên 20.000ha vùng lúa an toàn chất lượng cao ở các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình và thành phố Cà Mau.

Mặc dù sản lượng tôm sản xuất theo quy trình hữu cơ, đạt các chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế chưa nhiều; diện tích, sản lượng sản xuất lúa-tôm còn khiêm tốn, giá trị tăng thêm cho người dân còn hạn chế. Song, chất lượng được người tiêu dùng đánh giá rất cao và đó chính là tiền đề, là cơ sở để Cà Mau tiếp tục phát triển theo hướng này trong thời gian tới.

Phát triển kinh tế xanh là chặng đường dài khó khăn, mà Cà Mau mới bước đi những bước đầu tiên. Như vậy, vướng mắc chủ yếu trong việc thúc đẩy kinh tế xanh của tỉnh hiện nay là gì, thưa ông?

Có thể nói chúng ta đã thực hiện được mô hình (kỹ thuật) sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế xanh, nhưng để nhân rộng mô hình còn gặp nhiều khó khăn, thử thách cả khách quan lẫn chủ quan.

Yêu cầu của thị trường, của người tiêu dùng đòi hỏi sản phẩm phải đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất theo hướng kinh tế xanh. Nói cách khác, sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế xanh là hướng đi tất yếu, sớm hay muộn cũng phải theo. Song, nếu đợi sản xuất đi theo khi thị trường đòi hỏi bắt buộc thì chúng ta sẽ tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh sản xuất các sản phẩm cùng loại. Do đó, chúng ta phải tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp chủ động thực hiện sản xuất theo hướng kinh tế xanh.

Theo ông, người dân cần làm gì và chính quyền đã có sự vào cuộc như thế nào để khắc phục khó khăn, khuyến khích nông hộ đi theo xu hướng sản xuất hữu cơ, phát triển bền vững?

Trước tiên người dân phải nhận thức được yêu cầu của thị trường, những nguy cơ mình đang đối mặt; có nhận thức đúng, đồng thuận, hưởng ứng việc tổ chức hợp tác, liên kết sản xuất và thực hiện các yêu cầu sản xuất xanh. Về phía chính quyền, ngành chức năng đã có nhiều cố gắng thực hiện các hoạt động trong hỗ trợ người dân sản xuất theo hướng kinh tế xanh như: nuôi tôm sinh thái có chứng nhận; sản xuất lúa hữu cơ, sản xuất luân canh tôm-lúa; xây dựng nhãn hiệu một số thủy đặc sản, chỉ dẫn địa lý các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh.

Bên cạnh đó tỉnh cũng đã khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nông sản, thủy sản xây dựng các vùng sản xuất nguyên liệu chuyên canh theo hướng kinh tế xanh... Tuy nhiên, để kinh tế xanh thật sự trở thành trào lưu, có sức lan tỏa nhanh cần phải có thêm nhiều biện pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, người dân tham gia thực hiện. Trước mắt cần triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra trong Đề án tái cơ cấu của ngành nông nghiệp. Quan trọng nhất là tập trung quy hoạch lại các vùng nuôi trồng thủy sản đặc biệt là nuôi tôm sinh thái phù hợp với điều kiện, đặc điểm của từng vùng; tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; xây dựng chứng nhận chất lượng, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, đặc biệt đối với sản phẩm tôm sinh thái;...

Trong cuộc làm việc với tỉnh Cà Mau năm ngoái, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã có những gợi mở về việc xây dựng thương hiệu riêng dựa trên những sản vật đặc sắc của địa phương. Vậy tỉnh đã có chiến lược xây dựng thương hiệu và quảng bá các sản phẩm “xanh” của mình như thế nào?

Tôi cho rằng gợi mở của Bộ trưởng Lê Minh Hoan hoàn toàn chính xác vì Cà Mau có lợi thế là nơi có nhiều sản phẩm đặc sản. Hầu hết các sản phẩm có chất lượng vượt trội so với sản phẩm cùng loại ở nơi khác. Tuy nhiên, thương hiệu các sản phẩm đặc sản của Cà Mau thời gian qua đã bị lợi dụng rất nhiều, điển hình như Cua Cà Mau nổi tiếng thơm ngon, nhưng do chưa có biện pháp quản lý thương hiệu nên nhiều nơi bán cua giả hiệu với chất lượng thấp giá rẻ, gây ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín và giá trị của sản phẩm.

Từ thực tế trên, trong những năm qua tỉnh đã triển khai xây dựng nhãn hiệu nhiều sản phẩm đặc sản như: tôm khô Rạch Gốc, cá khô bổi U Minh, cua biển Năm Căn... Vừa qua, sản phẩm Cua Cà Mau, Tôm sú Cà Mau được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, đây là một tín hiệu rất đáng mừng với tỉnh. Tỉnh đã có kế hoạch để tổ chức quản lý, sử dụng có hiệu quả các chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Tuy nhiên, để quản lý các thương hiệu cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, từ nâng cao chất lượng giống (lưu giữ, gia hóa, phục tráng...) các sản phẩm đặc sản; tổ chức tốt các dịch vụ phục vụ sản xuất, nhất là dịch vụ kỹ thuật sản xuất; đồng thời tổ chức hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với từng ngành hàng, từng sản phẩm mới thực hiện được mục tiêu bảo vệ, phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc sản và quảng bá rộng rãi để người dân trong cả nước biết nhiều hơn những sản vật đặc trưng của vùng đất mũi.

Trân trọng cảm ơn ông!