Phân cấp, phân quyền sẽ giảm tải cho chính quyền Trung ương và phát huy sự năng động, sáng tạo của các chính quyền địa phương (CQĐP). Hiệu ứng tổng thể là chất lượng, cũng như hiệu quả của nền quản trị quốc gia sẽ được tăng cường.
Thật ra, phân cấp, phân quyền thường được nối liền với nhau, nhưng đây là hai khái niệm khác nhau. Cho dù đến nay, chúng ta vẫn chưa có được một sự minh định thật sự rõ ràng giữa hai khái niệm, thì về cơ bản dưới đây đang là cách hiểu phổ biến. Phân cấp là việc thẩm quyền được chính quyền Trung ương phân chia cho các CQĐP. Đây thực chất là một hình thức ủy quyền. Phân quyền là việc thẩm quyền được pháp luật phân chia cho các cấp chính quyền. Đây thực chất là một hình thức phi tập trung hóa.
Với một khuôn khổ khái niệm như trên, thì việc phân cấp là dễ dàng hơn và có thể thực hiện được ngay. Việc phân quyền lại mất nhiều thời gian, công sức hơn vì phải sửa đổi hệ thống pháp luật hiện hành.
Cách làm hợp lý nhất là đẩy mạnh phân cấp để thí điểm. Những lĩnh vực và mức độ phân cấp ít mang lại hiệu quả, thì sẽ được thu hồi về cho chính quyền Trung ương. Những lĩnh vực và mức độ phân cấp mang lại hiệu quả cao, thì sẽ được phân quyền cho các CQĐP.
Tuy nhiên, trước khi phân cấp mạnh cho các CQĐP, một số vấn đề sau đây cũng cần được làm rõ: Trung ương có thể phân cấp những thẩm quyền gì hay tất cả mọi thẩm quyền của mình? Phân cấp thẩm quyền thì có phân cấp tài chính không? (Theo Hiến pháp năm 2013, thì nếu địa phương làm việc của Trung ương thì Trung ương phải chi tiền); Trung ương có thể phân cấp xuống dưới cấp tỉnh hay không, hay Trung ương chỉ phân cấp đến cấp tỉnh, cấp tỉnh phân cấp cho cấp huyện, cấp huyện phân cấp cho cấp xã? Phân cấp rồi có còn phải chịu trách nhiệm nữa không? Hay cứ phân cấp là hết trách nhiệm? Thời hạn phân cấp nên được xác định như thế nào?
Thật ra, phân cấp dễ triển khai hơn, nhưng cũng có những khó khăn nhất định. Trước hết, đó là tình trạng cát cứ. Kinh nghiệm phòng, chống dịch Covid-19 cho thấy, khi được phân cấp, nhiều địa phương đã áp dụng các biện pháp cực đoan tạo ra tình trạng "ngăn sông, cấm chợ" ảnh hưởng khá tiêu cực đến hoạt động kinh tế nói chung của đất nước. Thứ hai là vấn đề năng lực. Trung ương có thể phân cấp mạnh cho địa phương, nhưng địa phương có đủ năng lực để thực thi các thẩm quyền mới hay không? Quả thực, nhiều địa phương đã tỏ ra khá lúng túng khi được phân cấp những thẩm quyền mới. Phản ứng của không ít địa phương trong việc phòng, chống dịch Covid-19 cho thấy rất rõ điều này. Như vậy, nâng cao năng lực cho các CQĐP phải là một phần cấu thành của chiến lược phân cấp. Thật ra, năng lực của các CQĐP được nâng lên đến đâu thì nên phân cấp đến đấy.
Phân cấp là quan trọng, nhưng đích đến cuối cùng chắc chắn nên là phân quyền.
Trước hết, phân quyền mới tạo ra được sự ổn định của thể chế. Tình trạng nhiệm kỳ này được phân cấp, nhưng nhiệm kỳ sau có thể không làm cho việc hoạch định chiến lược phát triển của cả Trung ương và địa phương đều rất khó khăn. Thứ hai, phân quyền tạo điều kiện cho việc nâng cao năng lực thể chế và chống lãng phí cho cả Trung ương và địa phương. Tình trạng năng lực khi thì bị thiếu hụt, khi thì bị dư thừa; nơi thì bị thiếu hụt, nơi thì bị dư thừa sẽ được khắc phục.
Vấn đề đặt ra là cần phân quyền đến đâu? Như trên đã nói, câu trả lời là những lĩnh vực và mức độ phân cấp đạt hiệu quả cao thì nên phân quyền cho địa phương. Những lĩnh vực và mức độ phân cấp không đạt được hiệu quả mong muốn thì nên giữ lại cho Trung ương. Ngoài ra, truyền thống văn hóa cũng cần được xem xét. Ở nước ta, quyền lực Nhà nước tập trung, thống nhất là một truyền thống. Với truyền thống này, việc phân quyền cần được tính toán rất kỹ về mức độ và bước đi cho phù hợp.